| Hotline: 0983.970.780

Bầu trời vắng một người bay...

Thứ Hai 23/09/2019 , 10:06 (GMT+7)

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (A) trút hơi thở cuối cùng hồi 21h, ngày 22/9/2019 tại Bệnh viện Quân y 175 (thành phố Hồ Chí Minh), hưởng thọ 84 tuổi.

Trung tướng Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng chia sẻ khi Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy (A) về cõi vĩnh hằng:

“Nhớ tới anh chúng tôi nhớ tới người phi công chiến đấu dũng mãnh, kiên cường, người đồng đội tình nghĩa thuỷ chung, người chỉ huy gần gũi chan hoà. Nhớ đến anh là nhớ đến những trận không chiến một mất một còn với không quân Mỹ mà ở đó không chỉ lòng quả cảm, tinh thần xả thân có thể thắng được không quân Mỹ”.

Chiến thắng sau trận không chiến một mất một còn với không quân Mỹ 

Theo tướng Phạm Phú Thái, mỗi trận đánh một diễn biến, một hình thái và tình huống khác nhau đòi hỏi khả năng điêu luyện trong bao quát không gian xung quanh, kỹ năng tuyệt đỉnh trong điều khiển máy bay để giữ được thế trận, để nhanh chóng chọn thời cơ sử dụng tính năng cao nhất của máy bay về tốc độ, khả năng cơ động và sử dụng máy ngắm và vũ khí bám chặt kẻ thù tới cự ly ngon nhất mà xả súng.

“Phải có một tinh thần thép để đối chọi với kẻ địch luôn đông hơn mình gấp nhiều lần, quây mình từ mọi phía và xả đạn cũng từ mọi phương. Anh đã 7 lần giành chiến thắng trong những tình huống như vậy trước kẻ thù với 7 chiến công chói lọi”, Anh hùng Phạm Phú Thái chia sẻ.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, tên thật là Nguyễn Văn Hoa. Ông sinh năm 1936, ở xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Ngày nhỏ, xấu hổ vì Hoa là tên như con gái hay bị các anh em trêu, ông bỏ tên Hoa, là con thứ bảy trong gia đình, ông lấy tên Bảy là tên chính thức từ đó.

Cuối năm 1954, Nguyễn Văn Bảy tập kết ra Bắc, được học bổ túc. Có lần đoàn khám tuyển phi công đến đơn vị, ông trúng tuyển, được đi học Trường văn hóa Lạng Sơn. Đi học là vấn đề hết sức khó khăn đối với chàng thanh niên Nam Bộ chỉ quen với lao động chân tay này. Những con chữ, những bài tính cứ rối mù trong đầu, để trả bài thầy nhiều khi ông phải học vẹt.

Tháng 2 năm 1960, các phi công Trần Mạnh (đoàn trưởng), Nguyễn Phúc Trạch, Đồng Văn Đe, Nguyễn Văn Bảy… sang Trường Không quân số 2 Trung Quốc huấn luyện bay.

“Nơi nước bạn, việc học tập của tôi lại càng vất vả hơn, trước hết vì ngôn ngữ, sau nữa lý thuyết ngành Không quân đòi hỏi trình độ cao mới tiếp thu hết được. Nhưng tôi đã tìm cách vượt qua, chăm chỉ học tập rèn luyện, đặc biệt là trong thực hành, tôi rất có khả năng làm theo thầy, mọi động tác thầy dạy tôi thường luyện tập thành thục, đến mức nhắm mắt lại cũng có thể chỉ từng bảng đồng hồ độ cao, tốc độ... hoặc thực hiện quy trình mở máy bay thì làm thành thục chẳng kém ai”, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy kể lại trong tự thuật. 

Về nước, Nguyễn Văn Bảy tham gia các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam, đối mặt với không quân Mỹ được đào tạo bài bản. Ông trở thành phi công át chủ bài khi điều khiển máy bay tiêm khích Mig-17 hạ máy bay Mỹ được trang bị hiện đại và có ra-đa dẫn đường. Cái tên Nguyễn Văn Bảy trở thành nỗi kinh hoàng đối với không quân Mỹ. Sau này, đối phương đều phải tâm phục khẩu phục trước mỗi lần ông vít cổ thần sấm Hoa Kỳ.  

Đối phương tâm phục khẩu phục trước mỗi lần ông vít cổ thần sấm Hoa Kỳ.  

Trận đánh mà ông nhớ nhất là trận đánh ngày 5 tháng 9 năm 1966. Ông cùng phi công Võ Văn Mẫn, quê ở Ba Tri, Bến Tre đã bắn hạ 2 máy bay của không quân Mỹ. Khi sở chỉ huy nhắc chú ý địch bám đằng sau, Nguyễn Văn Bảy nói vào micrô: “Địch chỉ có hai thằng bắn ráo trọi rồi còn đâu nữa”. 

Tổng kết chiến trận, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Tôi tham gia tất cả 13 trận đánh, bắn rơi 7 máy bay Mỹ và chưa một lần nào bị địch bắn cháy máy bay phải nhảy dù. Tôi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được 7 huy hiệu của Bác Hồ và 1 đồng hồ đeo tay do Bác Hồ tặng”. 

Chiến tranh kết thúc, nước non liền một dải, ông trở về quê hương miền Nam. Ông được phân nhà đất ở khu cư xá cũ của không quân và hàng không Sài Gòn gần sân bay Tân Sơn Nhất. Hồi đó người thưa đất rộng. Có cả ngàn mét vuông đất nhà mà ông không thích nên chọn về quê sống cuộc đời dân dã, để lại nhà đất cho các con.

Ông đào ao, nuôi lợn, làm chòi lá giữa vườn trong khu đất nhà được phân

Phong Anh hùng từ sớm sau đó làm cán bộ chỉ huy, làm Đại biểu Quốc hội nhưng ông sống giản dị, chan hoà với anh em chiến sĩ, cấp dưới đúng với tác phong anh hai Nam Bộ chất phác.

“Tôi có cảm nhận ông rất thích và hài lòng với cách sống gắn với sông, nước, cây, vườn, con cá, con chim... Ông đào ao, nuôi lợn, làm chòi lá giữa vườn trong khu đất nhà được phân trên thành phố và rủ bạn nhậu ra ngồi ở đó”, Trung tướng Phạm Phú Thái cho biết.

Nguyện vọng của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là "chết ở quê". Sau tang lễ tại thành phố Hồ Chí Minh, gia đình đưa ông về mai táng ở quê nhà: ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Xem thêm
Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Long An tri ân các mạnh thường quân

Ngày 11/1, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ tri ân các nhà tài trợ, doanh nghiệp, mạnh thường quân vì sự phát triển và an sinh xã hội tỉnh Long An năm 2024.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.