| Hotline: 0983.970.780

Người truyền dạy tiếng Thái ở vùng cao

Thứ Năm 09/01/2025 , 10:23 (GMT+7)

SƠN LA Vào những ngày cuối năm, tôi có dịp ghé thăm xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, nơi gắn bó với câu chuyện đặc biệt của bác Khóa, người thầy tận tụy gìn giữ tiếng Thái.

Chủ tịch xã khi 30 tuổi

Đến cổng UBND xã, hỏi thăm “bác Khóa dạy tiếng Thái”, ai cũng biết và chỉ ngay đến căn phòng ở tầng 2- nơi bác Khóa làm việc. Bác hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội người cao tuổi trong xã. Những ngày cuối năm, công việc bộn bề, nhưng khi có khách ghé thăm, bác vẫn luôn nở nụ cười nhẹ nhàng, ân cần đón tiếp.

Bác Khóa tự biên soạn giáo trình để dạy cho các học viên. Ảnh: Đức Bình.

Bác Khóa tự biên soạn giáo trình để dạy cho các học viên. Ảnh: Đức Bình.

Xuất thân là người con dân tộc Thái đen ở bản Khoa, người đàn ông năm nay 71 tuổi, lớn lên trong gia đình có truyền thống văn hóa, bố là công chức ở xã, mẹ làm nông. Bác kể: “Thời đó bố tôi hay đón khách về nhà, họ toàn giao tiếp tiếng Thái, mình cũng nghe được lõm bõm, dần dần thành quen”.

Những ký ức của bác về hành trình hơn 40 năm gắn bó với xã Mường Khoa vẫn còn rõ ràng như ngày hôm qua. Bác công tác tại xã từ năm 1983 với vai trò Phó trưởng Công an xã. Tháng 2/1984, bác được bầu làm Chủ tịch UBND xã khi mới 30 tuổi. Lúc đó, bác vẫn đang theo học lớp trung cấp lý luận bồi dưỡng tại tỉnh Sơn La. “Lúc trước khi đi học, chỉ biết tên mình có trong danh sách, nhưng ai ngờ lại trúng làm chủ tịch”, bác Khóa tâm sự. Vừa mừng, vừa lo, bác chỉ xin nghỉ vọn vẹn gần tuần để về nhận nhiệm vụ mới.

Thời điểm đó, cuộc sống ở Mường Khoa còn nhiều khó khăn. Nền kinh tế bao cấp hạn chế nguồn lực, người dân chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn để tự cung tự cấp. Là chủ tịch xã, bác Khóa luôn đau đáu cho sự phát triển của vùng đất nghèo, thường xuyên phải công tác tại các bản xa xôi, mang theo chỉ vài củ khoai, củ sắn làm lương thực. Chính những khó khăn đó đã hun đúc ý chí và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ của bác.

Trải qua 15 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch UBND xã, bác Khóa đã trở thành biểu tượng cho sự tinh thần trách nhiệm, gần gũi và tận tụy. Sau khi nghỉ hưu, bác làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi từ năm 2010 đến nay.

Nói được nhưng không mấy ai biết viết

Tiếng nói, văn hóa là thứ mà con người cảm nhận từ môi trường sống, luôn đi liền với nơi mình sinh ra. Để hiểu và sử dụng được chữ viết, cốt lõi trong việc gìn giữ và phát triển, lại không hề dễ.

Bác Khóa chia sẻ: “Chúng ta sinh ra ở đâu, sẽ cảm thụ được văn hóa và tiếng nói nơi đó. Nhưng để nhận diện mặt chữ, viết được chữ của dân tộc mình, cần phải học”.

Từng ký tự được ghi cẩn thận ra giấy để gắn lên bảng. Ảnh: Đức Bình.

Từng ký tự được ghi cẩn thận ra giấy để gắn lên bảng. Ảnh: Đức Bình.

Vào tháng 11/1970, khi đang theo học tại trường sư phạm tỉnh Sơn La, bác Khóa lần đầu tiếp xúc với chữ viết Thái qua một cuốn tiểu thuyết của người bạn cùng lớp. Những ngày trọ học chung trở thành cơ duyên để bác làm quen với mặt chữ. Với sự kiên trì và lòng say mê, chỉ sau hơn một tuần, bác đã có thể đọc thông, viết thạo. Đây chính là nền tảng vững chắc để bác đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái trong những năm sau này.

Vào thời điểm ấy, bối cảnh xã hội gặp vô vàn khó khăn. Chiến tranh và yêu cầu phổ cập giáo dục phổ thông khiến chữ viết Thái dần mai một. Các lớp học chữ Thái ngày càng thưa thớt, qua nhiều thế hệ, kỹ năng đọc và viết gần như chỉ còn tồn tại trong ký ức của vài người lớn tuổi, để lại một khoảng trống lớn trong việc lưu truyền chữ viết cho thế hệ trẻ.

Bác Khóa luôn trăn trở về việc bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái. Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị này, bác đã tìm nhiều cách để khơi dậy tinh thần học và sử dụng tiếng Thái trong đời sống.

Trong các cuộc họp, các thành viên UBND xã cũng đồng lòng chia sẻ ý kiến, đề xuất việc phổ cập tiếng Thái trước tiên cho đội ngũ cán bộ. Họ nhận thấy, việc sử dụng tiếng Thái trong công tác quản lý sẽ giúp chính quyền gần gũi hơn với bà con, dễ dàng chia sẻ và hỗ trợ cộng đồng một cách hiệu quả.

Lớp học cho cán bộ

Vào tháng 9/2024, lớp học chữ Thái đầu tiên chính thức được tổ chức tại xã Mường Khoa, với sự hướng dẫn tận tình của bác. Lớp học thu hút hơn 30 học viên, bao gồm các bí thư chi bộ, trưởng bản, phó các tổ chức đoàn thể trong xã.

Toàn cảnh lớp học chữ Thái tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên. Ảnh: Hoàng Hà.

Toàn cảnh lớp học chữ Thái tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên. Ảnh: Hoàng Hà.

Hàng tuần, từ 2h đến 5h chiều, nhà văn hóa xã trở nên rộn rã với tiếng học phát âm, luyện chữ dưới sự chỉ dạy tỉ mỉ của bác. Các học viên được phát tài liệu đã biên tập kỹ lưỡng, trong đó tiếng Thái được phiên âm theo tiếng phổ thông để dễ tiếp cận.

Tiếng Thái có hai phiên bản chính: theo phiên âm của dân di cư từ Yên Châu và dân Mai Sơn. Đối với người học cơ bản, phiên bản Yên Châu thường được lựa chọn vì dễ tiếp cận hơn. Với phiên bản này, hệ thống âm bao gồm 36 phụ âm (gọi là “Tô”) và 19 nguyên âm (gọi là “Máy”). Một phụ âm có thể kết hợp với ba nguyên âm khác nhau để tạo thành các từ riêng biệt.

Bác Khóa chia sẻ: “Để học tốt, trước hết phải thuộc phụ âm và nguyên âm. Một số từ có thể ghép theo quy tắc, nhưng cũng có nhiều từ đặc biệt cần phải ghi nhớ riêng. Việc này đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực từ người học".

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của bác Khóa, lớp học không chỉ giúp các học viên nắm được ngôn ngữ, mà còn khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc Thái.

Các cán bộ trong xã tích cực tham gia các buổi học. Ảnh: Hoàng Hà.

Các cán bộ trong xã tích cực tham gia các buổi học. Ảnh: Hoàng Hà.

Những buổi học tại nhà văn hóa xã luôn diễn ra trong không khí sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Trên bảng đen, thầy giáo cẩn thận viết từng nét chữ mẫu, phía dưới, các học viên đồng thanh đọc theo, tạo nên âm vang vô cùng quyết tâm. Từng nét bút, từng câu chữ được viết ra không chỉ là bài học ngôn ngữ, mà còn là sự trân trọng dành cho văn hóa dân tộc.

Trước mỗi buổi học, bác Khóa luôn dành thời gian ôn lại kiến thức đã dạy, giúp các học viên ghi nhớ và khắc sâu hơn những bài học cũ. Bác tâm sự: “Phải lên bảng viết lại cho mọi người nhìn thấy, chỉ ra lỗi sai của mình thì mới tiến bộ. Chứ nếu cứ học xong để đấy, không thực hành thì cũng không có hiệu quả".

Sau gần 3 tháng học tập, các thành viên trong xã đã dần quen với mặt chữ và bắt đầu tự ghép được các từ phục vụ cho giao tiếp đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ các học viên, họ vẫn cần thêm thời gian để tiếp tục rèn luyện, bổ sung chắc kiến thức. Dự kiến, sau kỳ nghỉ Tết, lớp học sẽ tiếp tục được tổ chức để củng cố và nâng cao trình độ.

Nhận thấy hiệu quả bước đầu, xã Mường Khoa đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lớp học. Không chỉ dành cho cán bộ xã, lớp học sẽ mở cửa chào đón nhiều thành viên hơn từ từng bản, kể cả trẻ em. Bước đi quan trọng với kỳ vọng rằng người dân tộc Thái phải nắm vững được chữ viết, lưu giữ và truyền lại nét văn hóa độc đáo này cho các thế hệ sau.

Tình yêu của bác Khóa dành cho tiếng Thái cô đọng trong một câu nói giản dị nhưng đầy ý nghĩa: “Cho dù tuổi cao, sức yếu, mình biết được bao nhiêu sẽ truyền lại tất cả cho thế hệ con cháu. Chúng ta không chỉ tồn tại ngày một ngày hai, mà tồn tại mãi mãi về sau. Đừng để mất đi văn hóa dân tộc mình".

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào

Sáng 9/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đi cạo rong mứt, 1 người tử vong, 1 người mất tích

Quảng Ngãi 2 phụ nữ trong lúc cạo rong mứt thì bị sóng đánh, trượt chân rơi xuống biển. 1 người sau đó được tìm thấy nhưng đã tử vong, người còn lại vẫn đang mất tích.