Năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Thuận thực hiện kế hoạch trong điều kiện có nhiều khó khăn, bất lợi, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, song vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh năm 2024 ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch UBND tỉnh giao, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Sản lượng lương thực đạt 880.377 tấn (tăng 3,4%); đàn heo trên 400.000 con (tăng 5,8%), đàn gia cầm hơn 7 triệu con (tăng 3,8%); tổng sản lượng thịt hơi đạt 106.000 tấn (tăng 7,5%); sản lượng thủy sản khai thác đạt 239.600 tấn (tăng 1,8%); sản lượng chế biến thuỷ sản đạt 47.400 tấn (tăng 3,7%); xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản đạt 249 triệu USD (tăng 10,6%) so với năm 2023.
Các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa sản xuất lúa giống, công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được chú trọng triển khai. Kinh tế thủy sản tiếp tục chuyển biến tích cực, công tác quản lý tàu cá có tiến bộ. Tình hình khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu bước đầu đạt kết quả, đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ.
Công tác quản lý bảo vệ rừng được tăng cường, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43% và tỷ lệ che phủ 55%.
Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo. Năm 2024, tỉnh có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế toàn tỉnh có 77 xã, đạt trên 82% tổng số xã, vượt 2,2% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025); 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế có 12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Định hướng năm 2025, ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến. Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng từ 3 - 3,5%; tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ổn định 43%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 75%...
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2024 và kế hoạch phát triển năm 2025 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải biểu dương những kết quả của ngành NN-PTNT đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của toàn tỉnh trong năm 2024.
Theo ông Hải, năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh dự kiến có nhiều khó khăn, thách thức tác động, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... diễn biến khó lường. Vì vậy, để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, ông yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cấp mã vùng trồng, thực hiện chuyển đổi số.
Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Giám sát và kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý rừng bền vững, chống lấn chiếm đất rừng. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, trồng rừng có chứng chỉ FSC. Phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo hướng dẫn của trung ương và đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng…
Khuyến khích phát triển các mô hình công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, ưu tiên nuôi biển, nuôi các loài thủy sản giá trị kinh tế cao. Tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường…