| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

Thứ Năm 09/01/2025 , 09:15 (GMT+7)

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.

Vợ chồng bà Trần Thị Mỵ bón cơm cho bà Phạm Thị Gái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng bà Trần Thị Mỵ bón cơm cho bà Phạm Thị Gái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cô đừng khóc nữa, cứ đến nhà cháu mà ở

Răng lợi yếu, lưỡi không còn nhạy cảm nên thỉnh thoảng bà Phạm Thị Gái vẫn bị nhầm lẫn như vậy. Ngay cả tình cảm cũng thế, lúc vui thì bà gọi bà Trần Thị Mỵ là mẹ, còn lúc buồn thì gọi là bác, xưng là cháu. Sở dĩ bà Gái gọi bà Mỵ là mẹ bởi đã đỡ đầu cho mình khi linh mục làm lễ rửa tội tại nhà thờ để trở thành một con chiên mới của Chúa với tên thánh là Maria.

Chẳng ai nhớ bà Gái gốc gác ở đâu, chỉ biết sau năm đói, ba mẹ con bà phiêu bạt đến làng Nguyệt Lãng xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình làm thuê. Khi bà mẹ chết đi, người anh lập gia đình, người em vốn mắt kém, nhỡ nhàng đường tình duyên đành kiếm một đứa con và vẫn ở cùng người anh. Quãng những năm 70 con gái bà đi nông trường rồi mất tích khiến cho bà Gái khóc cạn nước mắt, thị lực mỗi lúc một kém hơn. Quãng những năm 80 người anh bán nhà để đi kinh tế mới trong Nam làm cho người em trở thành kẻ vô gia cư, ngày đi xay thóc, bế em kiếm bát cơm, tối thì ngủ nhờ hết nhà này lại nhà khác, những lúc bị đuổi thì chỉ còn biết khóc.

Khi bà Gái bế con cho một gia đình hàng xóm sát nhà mình, bà Mỵ cứ nghe thấy tiếng khóc văng vẳng bên tai nên mới hỏi tại sao thì được trả lời rằng cả tài sản chỉ có mỗi tấm chăn rách, màn không có, chiếu không có, giường không có, tối chẳng biết ngủ đâu. Thấy vậy bà mới rủ: “Cô đừng khóc nữa, cứ đến nhà cháu mà ở” rồi về nói với chồng, ông Trần Quyết Định - một thương binh bị báo tử nhầm, suốt bao năm đi đòi quyền lợi làm người còn sống mà vẫn chưa được. Biết chuyện, bố mẹ chồng của bà bảo: “Con đang làm một việc tốt”, bố mẹ đẻ của bà bảo: “Phần mày chăm sóc tao thì hãy chăm sóc cho bà Gái”.

Ông Trần Quyết Định nấu cơm cho bà Phạm Thị Gái ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Trần Quyết Định nấu cơm cho bà Phạm Thị Gái ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy là từ đó bà Gái sống chung nhà bà Mỵ với đàn con 5 đứa và 1 ông chồng thường xuyên đau yếu, có cơm ăn cơm, có rau ăn rau. Sau chừng 1 năm sống chung như thế, thấy chật chội quá nên bà Mỵ đã xin xã 1 suất đất để cấp cho bà Gái tuy nhiên không được chấp thuận mà chỉ bảo nên cho bà vào trại mồ côi. Nghe người ta nói như thế bà Gái mới giãy nảy lên, bảo: “Tôi không đi đâu cả vì ở với làng xóm, với mẹ Mỵ quen rồi”.

Đúng dịp đó trường cấp một trong thôn dỡ ra xây lại bà Mỵ mới xin ít ngói, tre luồng cũ rồi mua gạch về để dựng lên một gian nhà nhỏ ở góc vườn cho bà Gái ở. Mấy năm sau thấy mái ngói cũ nát quá bà viết thư cho cha xứ đang đi học tận bên Pháp để xin được 200.000 đồng thay bằng mái bờ lô xi măng. Mấy năm sau thấy mái bờ lô xi măng bị nứt vỡ quá bà lại xin một cha xứ khác 500.000đ để thay bằng mái tôn.

Khi mới ra ở riêng, bà Gái đòi tự thổi cơm, bà Mỵ đành phải đưa gạo, thức ăn cho bà tự nhóm rơm rồi đứng canh ở bên ngoài vì bà kém mắt. Có những lúc bà Mỵ bận làm đồng không canh được, hai lần bà Gái đun rơm đã làm cháy bếp, hàng xóm phải sang kéo bà ra ngoài, dập lửa nhưng không kịp cứu cái bu gà choai để nơi góc bếp.

10 năm trước bà Gái mù hẳn nên đã cho bà Mỵ hay ông Định phải nấu cơm rồi bê lên, đặt bát vào tận tay. 1 năm nay tai bà gần như là điếc, nói gì cũng phải hét lên thật to mới nghe thấy, còn người yếu quá nên chỉ ngồi nhà đọc kinh, không còn đi ra nhà thờ làm lễ như một con chiên bình thường của Chúa nữa. Bà không còn biết ngày hay đêm, có khi 3-4 giờ sáng đã mở cửa ra ngồi hóng, nhưng có khi trưa vẫn còn đóng cửa ngủ, bà Mỵ hỏi tại sao thì được trả lời rằng: “Cháu đóng cửa lại để trẻ con khỏi ném, trêu cháu”.

Chúc thọ của bà Phạm Thị Gái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúc thọ của bà Phạm Thị Gái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm việc thiện dù vất vả mấy cũng vui

Vừa xắt nhỏ ít xà lách ra rồi dằm vào bát canh cà chua mang xuống nhà cho bà Gái ăn, ông Định vừa cười, bảo với tôi rằng: “Trước kia bà Gái hay chửi, nửa năm nay đầu óc lẫn lại càng chửi nhiều. Sáng nay bà đã chửi rồi, tối nay cháu ngủ đây có khi lại nghe chửi tiếp đấy”. Con dâu ông đi qua, bà Gái chửi: “Mày rình chực gì tao thế?”. Con gái ông đi qua, bà Gái chửi: “Mày cứ đi dép loẹt xoẹt qua cửa nhà tao thế?”. Từ đó mỗi lần đi qua nó phải bỏ dép, xách tay qua xa một quãng rồi mới dám xỏ tiếp.

Mắt mù, không nhìn thấy gì nhưng thỉnh thoảng bà Gái mở cửa ra lại chửi bóng rằng: “Thằng đàn ông, con đàn bà mày ngồi đấy làm gì? Có nhà có cửa không về mà cứ đến trước cửa nhà tao?”. Khi vợ chồng ông ra giải thích: “Có ai đâu mà bà chửi?” thì bà Gái lại dỗi: “Hai bác còn bênh nó à?” rồi cầm gậy đập xuống nền nhà như trẻ lên năm, lên ba. Bị đối xử như vậy nhưng đám con trai, con gái, con dâu nhà ông chẳng lấy thế làm giận mà còn gọi bà Gái là bà, mua quà lúc tấm bánh, lúc thì chai dầu gió hay cái quạt cho, luôn miệng dặn: “Bố mẹ trông bà tử tế, cho ăn đầy đủ nhé”.

Lúc tôi đến trời đã nhập nhoạng bà Mỵ mới từ cánh đồng trở về rồi sấp ngửa vào bếp lo chuyện cơm nước. Từ lúc lấy chồng đến giờ bà không một ngày được nghỉ ngơi, nay đã 65 tuổi vẫn còn nhận tới 7 mẫu ruộng của dân trong làng bỏ hoang để cấy hái. Cứ mỗi vụ bà giữ lại 1 tấn thóc phần cho người ăn, phần cho gà ăn, số còn lại thì đem bán. Vụ trước bà bán được 30 triệu đồng. Vụ này do bão Yagi cánh đồng làng bị ngập, lúa hỏng một phần bà chỉ bán được có 20 triệu đồng.

Bà Trần Thị Mỵ tuy kém 20 tuổi nhưng là mẹ đỡ đầu của bà Phạm Thị Gái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Trần Thị Mỵ tuy kém 20 tuổi nhưng là mẹ đỡ đầu của bà Phạm Thị Gái. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà tâm sự: “Mến Chúa, yêu người phải thực hành bằng làm việc thiện. Mà đã làm việc thiện thì dù vất vả mấy tôi cũng cảm thấy vui. Chúa cho tôi sức khỏe để giúp đỡ chồng con, nay cháu trai, cháu gái, nội ngoại đủ hết là quý rồi chứ tiền bao nhiêu cho đủ? Nhớ năm xưa tôi về làm dâu, ông ngoại chồng bảo xòe tay ra để xem cho rồi phán: “Số mày không giàu nhưng sau này phong lưu”. Hiện tôi làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm, được tỉnh khen thưởng vì bác ái và vì gom được nhiều ruộng hoang để cấy”...

Cũng như bao gia đình nông thôn khác, mảnh đất mà vợ chồng ông Định đang sinh sống được chia cho 5 người con, trong đó nhà của bà Gái ở trên phần đất chia cho cô con gái. Xưa bà Gái lưng đã còng, giờ còng xuống sát đất. Hơn 10 năm nay bà có chế độ hỗ trợ cho người tàn tật, lúc đầu được mấy trăm ngàn đồng/tháng, giờ được 1,25 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy ít nhưng bà vui lắm, bảo với vợ chồng bà Mỵ rằng: “Lương của cháu đưa cả cho hai bác đấy”.

Thỉnh thoảng bà Mỵ lại đưa lại ít tiền cho bà Gái để tự mua ít quà ăn vặt như bánh cuốn, bánh chưng, bỏng gạo ăn và dặn đi dặn lại rằng người ta có cho đồ ăn gì lạ thì phải cẩn thận, kẻo đau bụng là khổ, uống thuốc đắng lắm. Bà Gái nghe thì gật đầu đồng ý nhưng sau thì đâu vẫn vào đấy, vẫn thường xuyên bị đau bụng khiến cho bà Mỵ phải dỗ dành cho uống thuốc mãi mới khỏi.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Lào

Sáng 9/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.

Ngành nông nghiệp Bến Tre duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Bến Tre Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GRDP khu vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Bến Tre tăng trưởng 2,12%. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt ở mức cao so với kế hoạch.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đi cạo rong mứt, 1 người tử vong, 1 người mất tích

Quảng Ngãi 2 phụ nữ trong lúc cạo rong mứt thì bị sóng đánh, trượt chân rơi xuống biển. 1 người sau đó được tìm thấy nhưng đã tử vong, người còn lại vẫn đang mất tích.