| Hotline: 0983.970.780

Bế mạc Festival Cồng chiêng quốc tế: ÂM VANG TỪ NGUỒN CỘI

Chủ Nhật 15/11/2009 , 20:24 (GMT+7)

Pleiku, Gia Lai, Tây Nguyên âm vang trong cồng chiêng, trong lễ hội, trong những cần rượu sóng sánh mềm môi. Hẹn 3 năm sau lại hội tụ ngày hội lớn như thế này tại Gia Lai.

Đúng 20 giờ tối 15/11, Lễ Bế mạc Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai đã cử hành tại quảng trường 17-3 (TP.Pleiku, Gia Lai), khép lại gần một tuần lễ hội tưng bừng ở phố núi Plieku.

Biểu diễn cồng chiêng.

Không chỉ trong những ngày lễ hội mà từ nhiều tháng trước đó, trên khắp các bản làng Tây Nguyên, đâu đâu cũng vang lên tiếng cồng chiêng, tiếng trống, những làn điệu dân ca… Đó là bước chuẩn bị chu đáo cho Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai.

Từ sáng ngày 13/11, ở nhiều địa điểm của thành phố Pleiku đã đồng thời diễn ra hoạt động biểu diễn cồng chiêng của 22 dân tộc trong nước và 5 đoàn Quốc tế. Từ sáng sớm, trên khắp các ngả đường của TP.Pleiku, nườm nượp người đã đổ về các điểm trình diễn.

Đây là cuộc trình diễn cồng chiêng lớn nhất từ trước đến nay. 7 giờ 30 phút, đồng loạt tiếng cồng, tiếng chiêng ngân lên ở tất cả các điểm trình diễn, cùng với các điệu múa của các dân tộc. Cả thành phố Pleiku bỗng sống trong tràn ngập âm thanh của nguồn cội.

Tái hiện việc làm nhà mồ của người Tây Nguyên.

Tại Công viên Diên Hồng, đoàn nghệ nhân dân tộc Chăm H’roi đến từ huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã có dịp khoe những bộ cồng chiêng quý của dân tộc mình, thông qua việc tái hiện lại Lễ cúng Đổ Đầu (mừng năm mới). Nghệ nhân Đinh Lăn vui vẻ: “Lần đầu tiên mình được tham dự một lễ hội lớn như thế này. Từ trước đến nay, mình chỉ đánh cồng, đánh chiêng ở trong làng hoặc biểu diễn ở trong huyện thôi, lần này được xem các dân tộc khác biểu diễn, mình thấy dân tộc nào đánh chiêng cũng hay. Về làng, mình sẽ nói bọn trẻ con trong làng phải thường xuyên tập đánh cồng chiêng hơn để không thua các dân tộc khác…”.

Nghệ nhân Chăm H’roi (Vân Canh- Bình Định) tái hiện Lễ cúng Đổ đầu.
Từ Điện Biên Phủ, những cô gái Thái đen có làn da trắng hồng, mịn màng đã thực sự gây ấn tượng mạnh cho mọi người. Màn cồng chiêng của người Thái với tên gọi “Nhịp điệu xoè hoa” đã giới thiệu được nét văn hoá cổ của người Thái, thực sự chinh phục được các học giả, các nhà nghiên cứu, các dân tộc anh em cùng đông đảo du khác gần xa. Ngây ngất trong tiếng cồng chiêng, những cô gái Thái xinh đẹp như đang thả hồn về với núi rừng Tây Bắc

Đến từ Kon Tum- tỉnh cực Bắc của Tây Nguyên, 2 nghệ nhân người Brâu đã thực dự làm mọi người ngỡ ngàng với dàn chiêng Tha 2 chiếc và lối trình diễn độc đáo của mình: Dàn chiêng treo ở giữa gồm 2 chiếc, hai nghệ nhân ngồi đối mặt vào nhau, cầm hai cây dùi khác nhau thay nhau làn lượt đánh vào mặt chiêng, âm thanh của núi rừng Tây Nguyên được sống dậy chỉ với… hai chiếc chiêng và lối trình diễn độc đáo này.

Độc đáo chiêng Khmer Nam bộ.
Đoàn Cần Thơ, Sóc Trăng đại diện cho dân tộc Khmer của các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng mang đến Festival nhiều ấn tượng đẹp với dàn công chiêng lạ. Thấp thoáng trong tiếng cồng chiêng và những điệu múa hào hoa, lãng mạn của các chàng trai, cô gái Khmer, khán thính giả như hình dung ra mênh mang sông nước miền Tây với bồn bồn, cá lóc, với lúa chín vàng đồng…

Cùng với các đoàn Việt Nam, 5 đoàn cồng chiêng quốc tế cũng đã mang được phong vị lạ đến với Festival lần này.

Đoàn nghệ nhân đến từ Vương quốc Campuchia đến với Festival lần này có nhiều nét tương đồng với các đoàn miền Tây Nam bộ bằng dàn chiêng có tên gọi Chvea Chongboray (dân tộc Khmer Nam bộ gọi là chiêng Ch’hay dăm): 14 hoặc 16 chiếc chiêng có đường kính khoảng hơn 20 cm được xếp trên một khuôn có hình bán nguyệt, mỗi chiếc chiêng mang một âm vực khác nhau, người đánh chiêng ngồi xếp bằng ở giữa hình bán nguyệt, hai tay cầm hai chiếc dùi điệu nghệ lướt trên dàn chiêng ấy.

Có thể nói, Festival lần này thực sự là ngày hội của những sắc màu văn hoá, thể hiện rõ nhất những giá trị tinh thần độc đáo của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Yun Khean- Vụ phó Vụ Âm nhạc truyền thống Khmer (Bộ Văn hoá và Nghệ thuật Campuchia), trưởng đoàn cho biết: “Ban đầu chúng tôi định mang theo cả chiếc chiêng có đường kính 105 cm đến Festival, tuy nhiên do đi máy bay cùng nhiều thủ tục khác nên đành để ở nhà”.

Còn đoàn Indonesia thì làm cho hàng ngàn người bất ngờ bởi bên cạnh cồng chiêng thì hơn mười nhạc cụ diễn tấu đã được các nghệ nhân “gồng gánh” về đây. Đoàn cồng chiêng Lào thì dung dị với bộ cồng chiêng 8 chiếc nhưng thông qua đó, nhiều phong tục đẹp của các bộ tộc Lào (cũng gần giống như những phong tục ở Tây Nguyên) đã được tái hiện như cũng được mùa, ma chay cưới hỏi…

Đúng 8 giờ tối 15/11, tại Quảng trường 17/3, Lễ Bế mạc đã diến ra hoành tráng, ấn tượng, không kém Lễ Khai mạc hôm 12/11.

Quảng trường 17/3 rực rỡ sắc màu.

Ngay từ 5 giờ chiều, từng đoàn người đã tấp nập đổ về Quảng trường. Sil H’Băp và K’sor Can- đôi tình nhân sắp cưới đến từ xã Ia Khươl của huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai). Can vui vẻ: “Ở làng em cũng hay đánh chiêng và múa hát. Mấy hôm nay, lúc nào rảnh chúng em đều đi gần 50 cây số từ làng ra đây để xem. Em thấy cồng chiêng của đoàn nào cũng hay cũng đẹp. Dân tộc J’rai của chúng em biểu diễn rất hay, em rất tự hào về dân tộc mình…”.

Pleiku, Gia Lai, Tây Nguyên âm vang trong cồng chiêng, trong lễ hội, trong những cần rượu sóng sánh mềm môi.
Từ TP Hồ Chí Minh, một đoàn khách du lịch hơn 10 người cũng “đánh đường” đến với Pleiku để chiêm ngưỡng cái độc đáo của cồng chiêng của các dân tộc. Ông Thi - một thành viên trong đoàn, nói: “Chúng tôi phải đăng ký khách sạn trước gần một tháng đấy. Tuy không hiểu nhiều về cồng chiêng, nhưng chúng tôi rất háo hức chờ đợi chuyến đi này. Chúng tôi rất mãn nguyện về chuyến đi”.

Còn một du khách người Thái Lan quần sooc, áo phông và cái máy ảnh khoác vai, lơ lớ chút tiếng Việt pha chút tiếng Anh cũng…lơ lớ: “Tuy nước tôi không có đoàn nghệ nhân cồng chiêng đến dự Festival, nhưng tôi cũng đi chuyến này. Cồng chiêng Việt Nam vừa đẹp, vừa đa dạng và vừa hay. Đất nước các bạn yên bình qua. Tôi sẽ đến đây nhiều lần nữa”…

Quảng trường 17/3 rực rỡ sắc màu. Sau phần phát biểu ngắn gọn là âm vang cồng chiêng, là lả lơi những điệu múa, là dìu dặt những bước chân. Là những ánh nhìn bịn rịn không muốn chia tay…Hàng ngàn người chen lấn nhau bởi đây là đêm cuối, họ được xem, được nghe trình diễn cồng chiêng và các điệu múa của nhiều dân tộc khác nhau.

Pleiku, Gia Lai, Tây Nguyên âm vang trong cồng chiêng, trong lễ hội, trong những cần rượu sóng sánh mềm môi.

15 phút bắn pháo hoa đã khép lại những ngày hội lớn, cũng là mở ra một tương lai đẹp cho cồng chiêng Tây Nguyên và Việt Nam nói chung. Hẹn 3 năm sau lại hội tụ ngày hội lớn như thế này tại Gia Lai.

Bên cạnh diễn tấu cồng chiêng cùng các điệu múa, các làn điệu dân ca thì đồng thời cũng đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tạc tượng, dệt thổ cẩm, Lễ Đâm trâu, Lễ Mừng lúa mới… Nhiều Hội thảo khoa học về gìn giữ và phát huy giá trị của cồng chiêng cũng đã diễn ra. Sau Festival lần này, tỉnh Gia Lai đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè trong và ngoài nước.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm