Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở TP Long Khánh làm 600 người bị ngộ độc phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 3/6 cho biết, sau một tháng hồi sức tích cực, bệnh nhi T.G.H (5 tuổi) bị nặng nhất đã tử vong.
Bệnh nhi tại thời điểm được cấp cứu điều trị do ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhi được cho là ăn bánh mì tại tiệm bán bánh mì Băng ở TP Long Khánh.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bé trai T.G.H từng ngưng tim, ngưng thở, cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Sau khi hội chẩn liên viện, do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trưa ngày 4/5/2024.
Tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1) bé T.G.H vẫn trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương não, tiếp tục được hồi sức và lọc máu, thở máy, tiên lượng nặng. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi.
Trước đó, ngày 1/5/2024, đã ghi nhận một số người dân có dấu hiệu nôn ói, tiêu chảy sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (địa chỉ bán tại Đ4 đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh). Sự việc được cơ quan chức năng xác nhận là ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì. Do đó, Đoàn kiểm tra đã buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11h ngày 1/5/2024.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn Thành phố sự việc người dân ăn bánh mì (tại tiệm bánh mì Băng) có dấu hiệu nôn ói, tiêu chảy, UBND TP Long Khánh đã chỉ đạo ngành y tế, công an Thành phố vào cuộc điều tra, xử lý; đề nghị Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Cao su Đồng Nai và các cơ sở y tế trên địa bàn tiếp nhận và tích cực điều trị cho các bệnh nhân.
Vụ ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai khiến gần 600 trường hợp phải nhập viện. Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm như patê, thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua lấy tại cơ sở bánh mì khi vụ ngộ độc xảy ra phát hiện vi khuẩn Salmonella. Do đó, Sở Y tế Đồng Nai kết luận, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella. Những mẫu thực phẩm cơ quan chức năng kiểm tra trong nhân bánh mì gồm thịt (tự chế biến), chả lụa, pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua), nước xốt (tự làm), da bao (mua bên ngoài).
Tiệm bánh mì Băng (Đ4 đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh) có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày. Theo xác nhận của người dân địa phương, nhiều năm qua, tiệm bánh mì Băng luôn mở bán ngày 2 buổi (sáng, chiều) và mỗi ngày có cả ngàn ổ bánh mì được bán cho khách. Tuy nhiên, trước ngày xảy ra sự cố ngộ độc hàng loạt, chưa thấy có khách hàng nào ăn bánh mì tại đây có biểu hiện gì.
Chủ cơ sở bánh mì Băng cũng khai báo, trong ngày 30/4/2024, tiệm này phục vụ 1.100 ổ bánh mì (sáng 500 ổ và chiều 600 ổ). Tiệm bánh mì này là diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì, không có khám sức khỏe định kỳ. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.
Chiều 3/6, lãnh đạo TP Long Khánh cho biết, hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc trên đã được chuyển giao cho công an điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.