Theo Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, tất cả số công nhân này đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Theo lời kể của những công nhân trên, sau khi ăn mì Quảng gà và bánh đa gà vào buổi chiều tại công ty thì nhiều người xuất hiện các biểu hiện nôn ói, đau bụng.
Qua điều tra các trường hợp nêu trên, bữa trưa, công ty này có khoảng 500 người cùng ăn các món như: thịt heo kho dưa, chả cá chiên, canh bầu, rau cải thảo luộc. Bữa chiều tăng ca từ 16 giờ 15 đến 18 giờ, có 400 người ăn món mì quảng gà và bánh đa gà.
Sau khi ăn, có gần 100 người đã xuất hiện các triệu chứng trên phải nhập viện cấp cứu, nghi là bị ngộ độc thực phẩm. Do dó, bệnh viện cũng đã lấy mẫu để xác minh nguyên nhân.
Sáng 16/5, bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho biết, tình trạng sức khỏe của 89 công nhân Công ty TNHH Dechang Việt Nam sau khi được cấp cứu, sức khỏe đã ổn định.
Ngay khi xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo UBND huyện Trảng Bom và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã đến thăm hỏi công nhân đang nằm điều trị bệnh. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom huy động lực lượng nhân viên y tế cả trong và ngoài bệnh viện tập trung cấp cứu cho bệnh nhân, theo dõi sát các triệu chứng xảy ra.
“Sau khi tái khám cho bệnh nhân, chúng tôi sẽ cho xuất viện những người đã ổn định, khỏe. Dự kiến, hôm nay sẽ có nhiều người được xuất viện”, bác sĩ Phước chia sẻ.
Theo bác sĩ Phước, khi tiếp nhận đông bệnh nhân cấp cứu cùng lúc, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom đã phải huy động thêm khoảng gần 60 nhân viên y tế ngoại viện, cùng lực lượng đang trực gác để tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân.
Liên quan đến vụ việc này, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo ngành chức năng huyện Trảng Bom phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai khẩn trương điều tra, phân tích dịch tễ tìm nguyên nhân gây ra vụ nghi ngộ độc này.
Ngoài ra, phải tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông cảnh báo tới các công ty, xí nghiệp, các bếp ăn tập thể để quan tâm hơn tới việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của tỉnh Đồng Nai sẽ có đánh giá lại các hoạt động về ATVSTP và đưa ra hướng chỉ đạo phù hợp.
Được biết, Công ty TNHH Dechang Việt Nam có khoảng 1.200 công nhân, là một trong những công ty sản xuất đồ điện dân dụng, được thành lập vào năm 2019. Công ty hợp đồng cung cấp suất ăn với nhà thầu là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dich vụ Thiên Hồng Phúc, mang thức ăn từ ngoài vào công ty. Hiện nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Mới đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khác sau khi ăn bánh mì ở thành phố Long Khánh khiến hơn 500 người phải nhập viện điều trị. Đến nay, hầu hết các bệnh nhân đã xuất viện, còn một bệnh nhi 7 tuổi vẫn đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công đoàn huyện Trảng Bom cũng đã có mặt kịp thời tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom để nắm tình hình, động viên thăm hỏi người lao động.
Ngày 16/5, lãnh đạo Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom đã phối hợp với Công đoàn cơ sở Công ty TNHH De Chang Việt Nam (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom) đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho công nhân nhập viện cấp cứu vào tối 15/5, nghi ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, lãnh đạo LĐLĐ huyện Trảng Bom cũng đề nghị công đoàn cơ sở quan tâm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thời gian điều trị.
Người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Khi mua thực phẩm, người dân nên chọn mua tại những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên nấu chín kỹ thực phẩm trước khi ăn và không ăn thức ăn đã bị ôi thiu, hư hỏng.
“Gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến dư luận xã hội rất lo lắng. Vụ việc ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, hay vụ ngộ độc ở tiệm bánh mì Băng TP.Long Khánh mới đây là hồi chuông cảnh tỉnh về ATVSTP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các khu vực này để bảo vệ sức khỏe cho người lao động", Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.