Chính quyền địa phương huy động cơ giới để giúp người dân địa phương gia cố lại tuyến đê |
Chiều 9/10, ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, những ngày qua, triều cường tăng cao ở một số khu vực sông trên địa bàn huyện Châu Thành, nhiều đoạn đê ở địa phương này đang trong tình trạng báo động, có đoạn bị vỡ, gây ảnh hưởng lớn đến vùng chuyên canh cây ăn trái. Ước tính thiệt hại ban đầu trên 7,5 tỷ đồng.
Vỡ đê, khoảng 80ha cây ăn trái bị ảnh hưởng
Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, vào chiều 5/10, triều cường tăng cao tại khu vực sông Ba Lai (thuộc ấp Tân Đông, xã Tân Phú) gây vỡ khoảng 50m tuyến đê Tân Đông, làm vùng chuyên canh cây ăn trái của địa phương ngập sâu trong biển nước (khoảng 0,5 – 1m). Việc tuyến đê Tân Đông bị vỡ, làm ảnh hưởng đến khoảng 50ha diện tích cây ăn trái của người dân địa phương (chủ yếu là sầu riêng). Đồng thời, làm ảnh hưởng đến việc nuôi thủy sản và đời sống của người dân.
Tuyến đê bị sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân |
Cũng tại xã Tân Phú, vào chiều ngày 7/10, triều cường tăng cao, khiến cống đập Sáu Luông bị vỡ với chiều dài khoảng 10m, gây ngập úng khoảng 30ha vùng chuyên canh cây ăn trái. Hiện trạng mặt đê bị sạt lở còn khoảng 3m, phần mái phía bờ sông bị xói lở thẳng đứng. Theo UBND xã Tân Phú, địa phương đã thuê cơ giới để khắc phục, dự kiến sẽ thực hiện việc gia cố vào chiều 9/10.
“Khi tuyến đê bị vỡ, UBND xã Tân Phú đã vận động lực lượng tại chỗ và đưa cơ giới vào gia cố lại tuyến đê này. Đến đêm 8/10 địa phương đã hoàn thành việc gia cố, đồng thời, tiếp tục thực hiện việc hộ đê tại các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao”, ông Thiết nói. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng trên 7,5 tỷ đồng. Trong đó, có 20ha sầu riêng được người dân xử lý ra hoa trái vụ.
Vỡ đê, làm ảnh hưởng rất lớn đến vùng trồng cây ăn trái |
Một hộ dân trên địa bàn xã Tân Phú cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 2ha trồng sầu riêng, đã được xử lý cho ra hoa trái vụ nhưng đê vỡ, đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc cho trái, mức thiệt hại gần như toàn bộ”.
Cần có kế hoạch nâng cấp các tuyến đê
Theo ông Thiết, trước tình hình triều cường dâng cao, địa phương đã phối hợp vận động nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng, đẩy mạnh công tác bảo vệ đê.
Người dân, cùng chính quyền địa phương nỗ lực hộ đê |
“Hiện chúng tôi đã tham mưu UBND huyện kế hoạch bảo vệ đê bao để bảo vệ vùng chuyên canh cây trái tại địa phương. Đối với tuyến đê yếu, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền người dân chú ý, nếu phát hiện dấu hiệu rạn nứt thì báo ngay chính quyền địa phương”.
Được biết, tuyến đê Tân Đông (xã Tân Phú) có chiều dài khoảng 1,5km, nguy cơ vỡ đê là rất lớn. Bên cạnh đó, tuyến đê Tân Bắc hiện đang trong tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng.
Ghi nhận của PV Báo NNVN tại xã Tiên Thủy, hiện tại khu vực đuôi cồn Khánh Hội (khu vực sông Hàm Luông) hiện có đến 3 vị trí, với chiều dài khoảng 12m, có nguy cơ sạt lở rất cao. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để thực hiện việc gia cố, bảo vệ đê bao.
Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành xuất hiện hiện tượng nước dâng cao, gây ngập, tràn cục bộ trên nhiều tuyến đường nông thôn.
Lực lượng dân quân tại chỗ hỗ trợ người dân gia cố đê |