Cuộc họp có sự tham gia của ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan cùng lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Tài chính Lào Cai báo cáo tổng vốn kế hoạch ngân sách Trung ương năm 2025 là gần 1.653,7 tỷ đồng (bao gồm hơn 637,7 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm trước và 1.016 tỷ đồng vốn giao mới trong năm). Đến hết quý I/2025, Lào Cai đã giải ngân 131,4 tỷ đồng, đạt 7,9% kế hoạch.

Lào Cai đẩy nhanh vốn đầu tư công các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đạt mục tiêu giải ngân được 60% trong tháng 6. Ảnh: Thanh Huyền.
Riêng vốn sự nghiệp dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia là trên 819,1 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển tiếp hơn 502,9 tỷ đồng và vốn giao trong năm gần 316,2 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn tất việc phân bổ vốn cho các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư cấp tỉnh và huyện.Tính đến ngày 31/3/2025, giải ngân qua hệ thống TABMIS đạt 58,1 tỷ đồng, tương đương 7,1% dự toán Trung ương giao.
Cụ thể: Chương trình Giảm nghèo bền vững đạt 5,3%; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 10,2%; Chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 0,25%. Ước tính đến ngày 30/6/2025, tổng số vốn giải ngân sẽ đạt khoảng 547,2 tỷ đồng, vẫn còn 271,9 tỷ đồng chưa giải ngân.
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Sở Tài chính Lào Cai cho biết việc sáp nhập xã, bỏ cấp huyện khiến công tác triển khai gặp trở ngại do nhân lực bị phân tán, thiếu quy định cụ thể về đối tượng thụ hưởng, tiêu chí phân bổ vốn. Ngoài ra, năng lực chuyên môn ở cấp cơ sở còn hạn chế, nhiều văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, gây khó khăn trong thực hiện và giám sát các dự án.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã phê duyệt 364 trong tổng số 378 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (gồm 9 dự án cấp tỉnh và 369 dự án cấp huyện, xã).

Đại diện các huyện nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Ảnh: Thanh Huyền.
Trong đó, chương trình Dân tộc miền núi đã phê duyệt 145/152 dự án với mức hỗ trợ hơn 100,2 tỷ đồng, giải ngân gần 48,9 tỷ đồng; chương trình Giảm nghèo bền vững đã phê duyệt 195/202 dự án, giải ngân hơn 72,7 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ 123,2 tỷ đồng; chương trình nông thôn mới phê duyệt toàn bộ 24 dự án, giải ngân 10,5 tỷ đồng từ tổng vốn hơn 17,2 tỷ đồng. Tổng ngân sách hỗ trợ là 240,7 tỷ đồng, giải ngân đạt 55,3%.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban, ngành đề xuất UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân, nhất là các chương trình chuyển tiếp; chuẩn bị điều kiện để chuyển giao nhiệm vụ triển khai về cấp xã. Một số ý kiến cho rằng cần rà soát lại các dự án duy tu, bảo dưỡng công trình để đảm bảo hồ sơ đầy đủ theo quy định. Dự kiến trong tháng 4/2025, Trung ương sẽ phân bổ thêm 419 tỷ đồng từ Chương trình Dân tộc miền núi; tỉnh sẽ sớm triển khai phân bổ đến các đơn vị.
Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cũng nêu rõ khó khăn trong việc thực hiện một số dự án hỗ trợ sản xuất, sắp xếp dân cư, đồng thời đề xuất chuyển vốn sang các dự án có khả năng hấp thụ tốt. Các địa phương cam kết sẽ phân bổ xong toàn bộ nguồn vốn được giao tại kỳ họp HĐND huyện sắp tới và kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục phân bổ kịp thời các nguồn vốn phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai báo cáo tiến độ thực hiện các dự án lĩnh vực văn hoá, du lịch thực hiện nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Thanh Huyền.
Phát biểu kết luận, ông Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân hiện nay còn thấp, cần nỗ lực để đạt mục tiêu 60% kế hoạch vào cuối tháng 6/2025.
Các địa phương, đơn vị cần xác định rõ nhiệm vụ, đánh giá lại nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với tình hình thực tế. UBND cấp huyện cần ưu tiên phân bổ tối đa cho cấp xã thực hiện; những phần không triển khai được sẽ do cơ quan cấp tỉnh đảm nhiệm. Sau khi sáp nhập xã, xã mới sẽ tiếp tục quản lý phần vốn của xã cũ. Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, quyết toán trước ngày 30/6.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai còn yêu cầu tăng cường các đơn vị kiểm tra, giám sát tại cơ sở; các cơ quan đầu mối cần chủ động tham mưu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, xuyên suốt cho đến khi hoàn tất việc sáp nhập cấp xã, cấp huyện. Các đơn vị liên quan cần lập kế hoạch giải ngân cụ thể theo tuần, tháng để kịp thời điều hành và sử dụng hiệu quả nguồn lực.