Nhiều tài liệu phản đối chuyện cạo gió, nói là không khoa học, hại sức khỏe vì làm vỡ mạch máu nhỏ v.v… Nhưng nếu không cạo, chị cảm thấy không sao hết đau cổ được. Sau này khi có nhiều cơ sở massage dành cho nữ, chị đến massage mỗi khi đau cổ, đau lưng… dần thành thói quen. Vào cơ sở massage mới thấy rất nhiều người giống chị. Nhiều người cứ tưởng chị em đua đòi ăn chơi hưởng thụ, chứ có biết đâu chị em sử dụng massage là liệu pháp trị đơ cổ là chính.
Cho đến một ngày, chị Thành bỗng không thể quay nghiêng, dù vẫn đi massage đều. Chị tặc lưỡi, chắc tại mình nằm ngủ sai tư thế đây. Sau gần một tuần, cái cổ đau giảm dần dù vẫn đau ê thêm vài ngày nữa. Nhưng 1 tháng sau, lại đau sái cổ, lần này nặng hơn lần trước, cổ chị bị cứng đơ, không thể nhúc nhích, cố gắng là đau chảy nước mắt. Chị phải vào bệnh viện.
...Cột sống cổ là đoạn cột sống liên kết chịu lực của trọng lượng đầu với thân hình, có cấu trúc giải phẫu phức tạp, chức năng thần kinh tủy sống, cho các vận động cúi-ngửa-nghiêng đầu cổ. Các hoạt động của con người hằng ngày thường làm thay đổi đường cong sinh lý cột sống cổ. Quá trình vận động bất hợp lý lâu ngày sẽ làm “rối loạn hoạt động” cấu trúc cột sống cổ. Theo thống kê của Hoa Kỳ thì 70% dân số của nước này mắc bệnh đau cột sống cổ.
BS.CKII Nguyễn Văn Thanh Hải, phẫu thuật viên cột sống, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết: “Đau cột sống cổ là bệnh của tuổi trưởng thành, đặc biệt là độ tuổi 30-50 tuổi. Đây là giai đoạn tuổi lao động, hoạt động cao nhất của đời người. Bệnh lý này có thể xảy ra với tất cả mọi đối tượng, mọi ngành nghề, đặc biệt là làm bàn giấy, nữ mắc bệnh gấp đôi nam giới”. Biểu hiện ban đầu của bệnh nhân là mỏi cổ, nhức cổ, đau, thỉnh thoảng xuất hiện tê vùng cổ, vai lưng, cánh tay….Khi có các dấu hiệu này là tình trạng đau cột sống cổ đã có ảnh hưởng đến các thành phần giải phẫu của cột sống.
Bệnh nhân thường để ý đến các triệu chứng trên, chỉ đến khi các biểu hiện của bệnh này gây ra giới hạn vận động cổ trong sinh hoạt là đơ cứng cổ, không quay nghiêng cổ,… thì mới quan tâm. Nhiều người lại có thói quen có hại là khi đau cổ, bệnh nhân tự bẻ cổ, đi massage rất nguy hiểm vì bị tổn thương dây chằng, gãy trật cột sống cổ, phải nhập viện cấp cứu.
Khi có biểu hiện tình trạng đau cột sống cổ cơ năng, bệnh nhân cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cơ xương khớp. Vì đau cột sống cổ có thể do rất nhiều nguyên nhân. Từ các thành phần cấu trúc như đĩa đệm, dây chằng, xương sống, khớp cơ,…hay các bệnh lý khác như nhiễm trùng thấp khớp, bệnh lý mạch máu, thần kinh, cấu trúc bẩm sinh cột sống. Sự thăm khám tỉ mỉ của bác sĩ chuyên khoa với các xét nghiệm cận lâm sàng (X.quang, MRI, sinh hóa màu…) cần thiết cho một chẩn đoán xác định nguyên nhân do bác sĩ chỉ định để có hướng điều trị hiệu quả.