| Hotline: 0983.970.780

Bệnh đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi

Thứ Tư 13/11/2024 , 07:05 (GMT+7)

Đột quỵ đang là mối nguy với người trẻ tuổi. Tỷ lệ bệnh đột quỵ ở nhóm tuổi này gia tăng qua từng năm và trở thành một vấn đề đáng lo ngại.

Người phụ nữ đột quỵ sau 5 ngày đau đầu

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ sau khi bị đau đầu. Nữ bệnh nhân N.T.T (39 tuổi ở xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu, khó nói, co giật. Trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu vùng trán, thái dương 2 bên, cảm giác chậm chạp hơn bình thường, không rõ sốt. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện huyện, được kê đơn thuốc về dùng, bệnh cải thiện ít. Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, khi đang phơi quần áo, bệnh nhân bị ngã xuống đất, mắt mở, không nói được. Người nhà ngay lập tức gọi xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Nữ bệnh nhân N.T.T (Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau đầu nhiều ngày. Ảnh: BVĐK Hùng Vương

Nữ bệnh nhân N.T.T (Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau đầu nhiều ngày. Ảnh: BVĐK Hùng Vương

Tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, qua thăm khám và các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch vỏ não vùng đỉnh 2 bên và phần trước xoang dọc trên - Nhồi máu vỏ não đỉnh phải. Bệnh nhân đã được theo dõi và điều trị phối hợp nhiều phương thức để cải thiện các triệu chứng thần kinh, ngăn ngừa biến chứng cũng như phòng ngừa các nguy cơ tái phát, tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh.

Đột quỵ ở người trẻ ngày càng phổ biến

Theo Hội Đột quỵ Thế giới, mỗi năm có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người từ 15 đến 49 tuổi. Mỗi năm, khoảng 6,5 triệu người tử vong do đột quỵ, trong đó hơn 6% là người trẻ.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 số trường hợp. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, với tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nữ giới.

Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Những bệnh nhân may mắn được cứu sống thì thường để lại di chứng nặng nề, là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu, từ mức độ nhẹ như rối loạn cảm giác, thay đổi tính cách đến mức độ nặng hơn như liệt vận động, không đi lại được, khó khăn trong giao tiếp, suy giảm nhận thức, đến mức độ nặng như hôn mê, sống thực vật... Đáng báo động là những năm gần đây, nhiều trường hợp đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ, có cả trẻ em.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh rằng, người trẻ cần cảnh giác với nguy cơ đột quỵ, nhất là những người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp hoặc tiểu đường.

Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ

Các triệu chứng của đột quỵ có thể xuất hiện rất nhanh, từ vài phút đến vài giờ. Dấu hiệu bao gồm:

- Đột ngột tê hoặc yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là một bên cơ thể.

- Khó nói, nói lắp hoặc không hiểu được lời nói.

- Đột ngột mất thị lực, thường ở một bên mắt.

- Đau đầudữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc không thể điều khiển vận động.

Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh đột quỵ. Ảnh minh họa

Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh đột quỵ. Ảnh minh họa

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trên, dù không rõ ràng, cần lập tức gọi cấp cứu 115 và đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để điều trị kịp thời trong “giờ vàng”. Thời gian điều trị tốt nhất là trong vòng 270 phút (4,5 giờ) nếu dùng thuốc tiêu huyết khối để làm tan cục máu đông, hoặc trong 6-8 giờ nếu can thiệp lấy huyết khối cơ học đối với tắc động mạch lớn trong não. Điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này, cơ hội phục hồi càng cao và giảm di chứng.

Tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế năm 2024 với chủ đề “Tiếp cận đa chuyên khoa và trí tuệ nhân tạo (AI)” khai mạc tại Hà Nội ngày 9/11, PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ so với các nước trong khu vực. Khoảng 60% bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam có thể trở lại cuộc sống bình thường nhờ được cấp cứu kịp thời. Trong số còn lại, 10% bệnh nhân tử vong, 30% sống với di chứng tàn phế. Việc cấp cứu muộn làm tăng nguy cơ tử vong và tàn phế, gây ra gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

“Do đó, việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng rất quan trọng, để có thể đưa người bệnh đột quỵ đến cơ sở y tế để cấp cứu trong “giờ vàng”, mới giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ gây ra”- PGS. Tôn nhấn mạnh.

Phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ

Để giảm nguy cơ đột quỵ, người trẻ nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

- Tập thể dục đều đặn.

- Kiểm soát cân nặng.

- Tránh hút thuốc và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.

- Tầm soát các bệnh lý nguy cơ như bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường.

Tập thể dục đều đặn giúp ngăn ngừa bệnh đột quỵ (Ảnh minh họa).

Tập thể dục đều đặn giúp ngăn ngừa bệnh đột quỵ (Ảnh minh họa).

Nếu xuất hiện các triệu chứng như méo miệng, liệt mặt, tê bì hoặc yếu nửa người, nói khó hoặc mắt mờ, cần ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.  Không nên mất thời gian chờ bệnh tự phục hồi hay áp dụng các biện pháp dân gian.

Đột quỵ không chỉ là vấn đề của người già. Việc nhận biết và phòng ngừa bệnh từ sớm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người trẻ.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.