Xoài là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trên xoài có nhiều loài sâu bệnh hại gây cản trở sản xuất và làm tăng chi phí sản xuất. Một trong những bệnh hại nguy hiểm trên cây xoài là bệnh vi khuẩn gây nứt, thối trái xoài.
Triệu chứng bệnh
Bệnh gây hại trên nhiều bộ phận cây xoài, nhưng gây thiệt hại nhiều nhất là trên trái. Trên lá, vết bệnh có hình dạng bất định, có màu đen hoặc xám đen, xung quanh có viền đen đậm. Bệnh cũng gây hại trên cuống lá hoặc hoa, làm cho những bộ phận này bị thối đen. Trên trái, triệu chứng lúc đầu là những vết nứt vỏ, giống vết chân chim, màu đen. Sau đó, một số vết phát triển rộng ra và ăn sâu vào trong vỏ trái hoặc một số vết liên kết với nhau, tạo thành những vết thối lớn trên trái. Bệnh cũng có thể làm cho trái xoài già bị nứt vỡ trước khi bị thối.
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển
Bệnh nứt thối trái xoài do vi khuẩn Xanthomonas sp. gây ra.
Trong điều kiện trồng mật độ cao, bón phân thừa đạm, cây quá xanh tốt, cành lá xum xuê, kết hợp vườn bị rợp bóng cây khác, hệ thống tiêu nước kém, vườn ẩm thấp… thì bệnh thường nặng. Bệnh cũng thường phát sinh, phát triển, gây hại nặng trong điều kiện thời tiết có mưa gió lớn, nóng và ẩm; vườn có mật độ côn trùng gây vết thương cơ giới cao, nhưng không phòng trừ kịp thời.
Những biện pháp quản lý cho hiệu quả cao
Cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp có thể áp dụng được như:
- Trồng cây với mật độ vừa phải, tùy giống. Tạo tán cây phù hợp cho chăm sóc.
- Làm luống theo hướng đông - tây để các cây có thể nhận được ánh nắng suốt ngày, giúp vườn thông thoáng, khô ráo.
- Phòng trừ sâu, nhện hại, hoặc ruồi đục trái để hạn chế gây vết thương làm bệnh xâm nhập (như bọ trĩ, nhện đỏ, ruồi vàng…).
- Tỉa những cành sâu bệnh trước mùa mưa để vườn được thông thoáng và tránh xây xát, tạo vết thương khi có mưa gió lớn.
- Sử dụng CALCIUM NITRATE để đảm bảo cung cấp đầy đủ Canxi cho cây, giúp tăng sức chống chịu, chống nứt trái.
- Bón phân cân đối đầy đủ, không được dư đạm.
- Sử dụng phân TANO-601 để cung cấp vi lượng cần thiết nhằm tăng sức chống chịu.
- Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện bệnh nhằm phòng trừ kịp thời. Khi phát hiện vườn cây chớm bị bệnh, nên phòng trừ bằng một trong các loại thuốc sau: SAIPAN 2SL, hoặc ALPINE 80WG.
- Thời kỳ có mưa gió lớn, nên chủ động phun phòng ngừa bệnh, giúp làm giảm thiệt hại và giảm chi phí phòng trừ.
- Có thể sử dụng bao trái để quản lý bệnh này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vườn cây và cần cân nhắc chi phí.