| Hotline: 0983.970.780

Bệnh thành tích còn nặng nề

Thứ Sáu 07/03/2014 , 08:00 (GMT+7)

Số xã đạt chuẩn cao nhưng chưa bền vững, môi trường cảnh quan rất tệ; có xã đạt chuẩn ở tỉnh A mà nhiều tiêu chí còn kém xã chưa đạt chuẩn của tỉnh B.

Ông Tăng Minh Lộc (ảnh), Chánh Văn phòng BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, cho rằng: Xây dựng NTM là để tạo cuộc sống văn minh hơn cho người dân nông thôn. Vậy mà không hiểu sao lãnh đạo nhiều địa phương lại cứ đòi hạ tiêu chí.

15-09-43_ong-tang-minh-loc-cuc-truong-cuc-kinh-te-hop-tac-va-ptnt

Động cơ cá nhân

Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Xin hỏi ông, vấn đề đó đến nay đã được các ngành và địa phương cụ thể hóa thế nào?

Quan điểm của Đảng và Chính phủ về đầu tư cho NTM chỉ có tăng chứ không cắt giảm. Ba năm qua, trung bình mỗi tỉnh cũng huy động được 1.800 - 2.000 tỷ cho xây dựng NTM. Trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 37%, tín dụng khoảng 33%, DN khoảng 9%, cộng đồng dân cư và các tổ chức hỗ trợ xã hội khác khoảng 21%.

Những năm qua, trong điều kiện suy thoái, kinh tế đất nước khó khăn mà đạt được như vậy là tuyệt vời.

Vừa qua, nhiều chương trình đầu tư công buộc phải cắt giảm nhưng vốn ngân sách đầu tư cho NTM tăng lên, qua đó cũng thấy Trung ương Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm và quyết tâm tạo chuyển biến cho nông thôn.

Cách làm sẽ như thế nào thưa ông?

Thủ tướng đã có quyết định về việc cụ thể hóa Nghị quyết 62 của Quốc hội. Theo đó vốn trái phiếu Chính phủ dành cho NTM giai đoạn 2014 - 2016 sẽ đảm bảo cho các xã đều được hỗ trợ. Để động viên, thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở tất cả các vùng quê, nhưng sẽ ưu tiên hơn cho các xã nghèo, các xã đã đăng ký và có khả năng đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014 - 2016 (các xã này có mức cao hơn từ 1,5 - 2 lần các xã khác).

Trung ương căn cứ vào nguyên tắc phân bổ bình quân theo các loại xã về cho tỉnh. UBND tỉnh phải xây dựng phương án cụ thể và trình HĐND tỉnh quyết định để đảm bảo tính chủ động cho tỉnh và phù hợp với các mục tiêu xây dựng NTM của địa phương. Nhưng Trung ương cũng sẽ giám sát để đảm bảo cho vốn hỗ trợ được sử dụng đúng các nguyên tắc đã định.

Hiện có nhiều xã được công bố đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM. Ông đánh giá gì về vấn đề này?

Tuy Chính phủ chưa ban hành quy trình xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nhưng đến nay đã có 20 tỉnh ban hành quy định tạm thời. Xã đạt chuẩn tất nhiên là phải đạt đủ 19 tiêu chí nhưng đánh giá mức độ đạt các tiêu chí sẽ khác nhau do trình độ, khả năng hiểu biết và cái tâm của cán bộ đánh giá.

Nếu nhẹ tay, qua quýt hoặc châm chước để công nhận ảo đều là hạ thấp chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngay ở 147 xã được các địa phương công nhận đạt chuẩn NTM, khi thẩm định lại thì cũng còn nhiều bất cập. Số xã đạt chuẩn cao nhưng chưa bền vững, môi trường cảnh quan rất tệ; có xã đạt chuẩn ở tỉnh A mà nhiều tiêu chí còn kém xã chưa đạt chuẩn của tỉnh B. Nói chung, từ bệnh thành tích mà ra cả.

Chạy theo thành tích để làm gì, thưa ông?

Xây dựng NTM là để cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Cái tốt ở đây không thể chung chung mà phải đo đếm được. 19 tiêu chí là thước đo và cũng là gợi ý. Vậy mà lãnh đạo nhiều địa phương không muốn nỗ lực phấn đấu đạt mức cao hơn, lại chỉ chăm chăm xin hạ tiêu chí.

Có lẽ, chung quy là bệnh thành tích. Có thể có nhiều ý đồ khác nhau nhưng đều vì động cơ vụ lợi cá nhân mà ra cả.

Ba lĩnh vực trọng tâm

Kết quả xây dựng NTM ở 11 xã điểm của Trung ương đến nay như thế nào?

Đã có 6/11 xã được công nhận đạt chuẩn, 5 xã khác đang phấn đấu trong năm 2014 sẽ hoàn thành. Lâu nay người ta cứ đồn thổi Trung ương chọn toàn xã khá làm điểm, lại “đổ của” vào thì làm gì chẳng dễ đạt NTM.

Sự thực không phải như vậy. Các xã được chọn có một số khá, một số trung bình. Có xã như Định Hòa (Gò Quao, Kiên Giang), Thanh Chăn (Điện Biên) chỉ đạt 1 - 2 tiêu chí. Xã được Trung ương hỗ trợ nhiều nhất là Thanh Chăn cũng chỉ 50 tỷ đồng, các xã khác được từ 10 - 30 tỷ đồng, không nhiều nhưng tất nhiên cũng là nguồn đáng kể đối với xã đó.

Song so với tổng vốn huy động cho xây dựng NTM ở các xã này thì sự hỗ trợ của Trung ương không lớn, chủ yếu là qua các xã điểm của Trung ương có điều kiện kiến nghị nội dung, phương pháp, cách làm mới và kiến nghị sự phù hợp của Bộ tiêu chí.

Đồng thời cũng muốn có các mô hình mẫu thực sự để cán bộ và nhân dân học tập. Hỗ trợ các xã chưa đạt đều là những xã thuộc địa phương khó khăn. Bây giờ chưa đạt cũng chủ yếu là tiêu chí thu nhập và môi trường. Đây cũng là 2 tiêu chí khó đạt nhất cho các xã khi xây dựng NTM.

Gần đây nhiều ý kiến cho rằng nếu theo quy định huyện đạt NTM phải có 75% số xã đạt chuẩn NTM là không phù hợp, quan điểm của ông thế nào?

Đúng vậy. Vừa qua, chương trình mới chỉ tập trung cho xây dựng NTM cấp xã mà chưa có nhiều nghiên cứu về cấp huyện. Chẳng hạn có 75% xã đạt chuẩn, các xã còn lại phải đạt các tiêu chí ở mức nào? Rõ là không dễ để trả lời được câu hỏi đó.

Song những vấn đề đặt ra như: phải có quy hoạch kinh tế - xã hội thế nào để làm cơ sở cho xã quán triệt, phát huy lợi thế. Phải có các công trình chung, kết nối với xã để thúc đẩy phát triển xã ra sao. Bộ máy chỉ đạo xây dựng NTM tổ chức thế nào để có hiệu lực và hiệu quả trong chỉ đạo xây dựng NTM… cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung thêm.

Năm 2014, xây dựng NTM sẽ hướng vào các vấn đề trọng tâm nào, thưa ông?

Chúng tôi đã đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo 8 nhóm công việc nhưng sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm. Một là, tập trung hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã. Hai là, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình SX hiệu quả để nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân. Ba là, tập trung làm chuyển biến rõ về môi trường cảnh quan nông thôn.

Tuy nhiên, mức độ và cách làm phải khác nhau giữa các vùng đặc thù. Chương trình đã và đang tiếp tục sơ kết ở các vùng đặc thù: Miền núi phía Bắc, ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vùng đồng bằng và ven biển… để tìm ra các giải pháp, cách làm, chính sách thích hợp để thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn xây dựng NTM ở các vùng này.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.