| Hotline: 0983.970.780

Bệnh vàng lá cây có múi đang đe dọa nghiêm trọng: Chẩn bệnh và giải bệnh

Thứ Sáu 11/09/2020 , 08:00 (GMT+7)

Cây cam bắt đầu được trồng ở 4 nông trường tại Hòa Bình từ những năm 60 của thế kỷ trước để xuất khẩu, khi Liên Xô sụp đổ thì nhanh chóng bị lụi theo.

Những vườn cam đang bị bệnh vàng lá tàn phá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những vườn cam đang bị bệnh vàng lá tàn phá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khó tìm nguyên nhân cho cả vườn

Đến năm 1997 cả tỉnh Hòa Bình chỉ còn 217 ha cam, tập trung chính ở Cao Phong vì nông trường này bám theo quốc lộ 6 nên giao thông thuận tiện cho việc tiêu thụ. Đầu năm 2000 nhờ thói quen tiêu dùng thay đổi, thêm vào đó một số giống mới chất lượng cao được đưa về, Cao Phong nhanh chóng vụt sáng trở thành một thủ phủ cam của không chỉ Hòa Bình mà còn cả miền Bắc.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hòa Bình cho hay, ban đầu, năm 2013 tỉnh quy hoạch 5.800 ha cho riêng cây cam nhưng đến 2016 thì điều chỉnh chung thành cây có múi với mục tiêu năm 2020 có 12.500 ha, tầm nhìn 2025 có 17.500 ha. Năm 2019 tỉnh quyết định đưa 42.178 ha đất ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, trong số này có một phần đã trồng cam và bưởi trên cả những triền đồi, núi cao 100-200m mà vẫn lên xanh tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khác với nhiều tỉnh, Hòa Bình không làm quy hoạch kiểu chung chung mà chỉ ra rất chi tiết ở những khu vực nào, đều nằm trong diện tích đã được phân tích mẫu đất, nước để khẳng định tính thích nghi và đảm bảo an toàn thực phẩm. Cam được quy hoạch trồng ở 7 huyện, bưởi trồng ở huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi. Hiện tổng diện tích cây có múi của tỉnh vào khoảng trên 11.000 ha trong đó cam 5.500 ha, bưởi 5.500 ha.

Theo anh Yến, diện tích bị bệnh vàng lá cỡ 200-300 ha nhưng so với các vùng cây có múi lớn khác như ở Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang hay vùng Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An thì mới chỉ rải rác. Nhóm cây hay bị là cam Canh bởi bản thân nó đã yếu và quan trọng hơn là do tập quán canh tác năm nào cũng xiết cây (khoanh vỏ hoặc chặt một phần rễ), năm nào cũng muốn sai quả nên sức đề kháng rất kém. Thứ nữa là cam V2, cũng bởi do xiết cây. Bệnh thường xuất hiện ở chỗ đất trũng, vùng trồng tái canh nhiều hơn thấy ở vùng đất mới.

Bên trong một quả cam 'beo'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên trong một quả cam "beo". Ảnh: Dương Đình Tường.

“Để nhận định một cây cam bị vàng lá do nguyên nhân gì thì có thể nhưng để nhận định cả một vườn cây bị vàng lá do nguyên nhân gì thì là khó, bởi có thể tổng hợp nhiều nguyên nhân như: Vàng lá do bệnh Greening (bệnh vàng lá gân xanh); vàng lá do bệnh khô cành cam quýt; vàng lá do thối rễ (có thể do tuyến trùng hay do nấm Fusarium, Phytophthora); cuối cùng là vàng lá do thiếu vi lượng, cũng dễ bị nhầm với Greening. Đến nay chưa có biện pháp trị bệnh vàng lá Greening còn do các nguyên nhân khác thì có thể chữa được chỉ có điều để khắc phục đều cần thời gian, thường phải mất 6 tháng hay lâu hơn.

Thêm một tác động nữa là do giá cam trong 3 năm nay đi xuống nên động lực để người dân lao tâm khổ tứ, đầu tư chữa trị cho cây bị hạn chế, nhất là những hộ trồng theo phong trào. Thường quyết tâm của họ không cao và nguồn lực của họ cũng thấp, sẽ là người chặt đầu tiên. Với nhiều người xác định trồng cây có múi là nghiệp của mình thì cây vẫn phát triển khá tốt”.

Năm 2018, 2019 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật có kiểm định, báo cáo UBND tỉnh để cho phép khoảng 20 ha cam bị bệnh do công ty TNHH một thành viên Cao Phong trực tiếp đầu tư được hủy sớm hơn 3-4 năm so với chu kỳ khai thác. Ngoài ra khoảng 20-30 ha nữa của đơn vị này giao khoán cho công nhân cũng phải hủy.

Cam 'beo' rụng đầy gốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cam "beo" rụng đầy gốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trồng cây có múi, phải chuẩn chỉ từ đầu

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến khẳng định: “Giải pháp cho bệnh vàng lá không phải là không có nhưng để người dân kiên trì thực hiện trong 6 tháng là khó. Thứ nữa là tâm lý của họ, những hộ không phải khá giả gì, có mảnh vườn, đầu tư vài chục triệu tiền giống, tiền phân trong một hai năm đầu nhưng để chăm sóc những năm tiếp theo với chi phí mỗi cây 100.000-150.000 đồng/năm (chưa tính nhân công) thì khó mà theo được.

Từ năm 2016-2018 tỉnh hỗ trợ cho phát triển cây có múi mỗi ha được 20 triệu đồng với điều kiện là phải nằm trong vùng quy hoạch và chứng minh được nguồn gốc giống. Nguồn giống tuy không được thật chuẩn chỉ nhưng so với các tỉnh khác Hòa Bình nhiều năm nay cũng làm khá tốt nên lây từ giống bị nhiễm bệnh là ít. Cái quan trọng hơn là tác nhân truyền bệnh, dù giống có sạch bệnh đến mấy nhưng không quản lý được con rầy chổng cánh thì thời gian gây bệnh Greening chỉ chậm lại 2-3 năm là cùng bởi vì ngoài đồng ruộng vẫn còn nguồn bệnh, vẫn còn có rầy. Cây có múi yêu cầu phải thâm canh cao, gần như là cây có nhiều sâu bệnh nhất nên khi đầu tư phải xác định có tiềm lực kinh tế…”.

Phun thuốc cho vườn cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phun thuốc cho vườn cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến sỹ Yến chia sẻ về việc sử dụng thuốc BVTV, rằng: Tôi đã từng sang Nhật, ở 2 ngày tại nhà một nông dân làm JGAP tương tự VietGAP của ta. Họ trồng cà chua trong nhà lưới, 1 năm từ lúc xử lý đầu tiên trên gốc ghép đến cuối cùng là 48 lần dùng thuốc có cả hóa học lẫn sinh học, cái chính là dùng đúng liều, đúng thời gian cách ly. Hiện nay chắc là lượng sử dụng thuốc BVTV của Hòa Bình đang giảm bởi mấy cây chính như cam bị giảm giá nên đầu tư giảm, diện tích ngô trên đồi giảm nên thuốc trừ cỏ cũng giảm theo.

Nỗi buồn của một chủ vườn. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Nỗi buồn của một chủ vườn. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Còn chuyện sử dụng thuốc BVTV lậu của Trung Quốc hay thuốc ngoài danh mục nhiều năm nay ở tỉnh chỉ thuộc diện dấm dúi, trước đây công an cũng đã bắt được một vụ buôn từ Lục Ngạn (Bắc Giang) về. 3 năm gần đây tất cả các câu hỏi của cử tri khi tiếp xúc không có câu nào về tình trạng này nữa. Ngay cả Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản mỗi năm lấy hàng trăm mẫu đem đi phân tích, dư lượng thì có nhưng không một mẫu cam nào quá mức cho phép.

Bản thân anh Yến cũng có vườn cam, chanh, bưởi rộng 3 ha, được coi là hình mẫu của Hòa Bình vì làm hoàn toàn hữu cơ nhưng anh thú thực không dễ tí nào! Tất cả các quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh đối với canh tác hữu cơ cây có múi đều chưa có nên phải tự mày mò, thí nghiệm: “Phải chỉ cho người dân đạm hữu cơ lấy từ đâu, lân hữu cơ lấy từ đâu, kali hữu cơ (yếu tố rất quan trọng với cây có múi) lấy từ đâu? Chi phí rất tốn kém vì mọi loại phân bón đưa về đều phải phân tích mẫu. Mất hàng trăm triệu mới biết được nếu dùng lõi ngô, khô dầu lạc, đậu tương, cá sông Đà ủ, phân hữu cơ… cung cấp được những dinh dưỡng gì và bao nhiêu… Rồi dùng thuốc sinh học, thảo mộc gì để thay thế cho thuốc hóa học, dụng cụ chứa đựng, bao gói kể cả bao bọc quả cũng phải giám định. Tỉ mỉ như thế nên vườn của tôi mới được tổ chức NHO chứng nhận là hữu cơ. Tính ra chi phí cho canh tác hữu cơ cao gấp khoảng 4 lần so với hóa học và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn”.

Khu vườn hoang này trước đây từng trồng cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu vườn hoang này trước đây từng trồng cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để giải bài toán này, trang trại của anh Yến đang hình thành chuỗi khép kín từ tổ chức sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ bán quả tươi với giá gấp 1,5-3 lần thông thường mà anh còn thử nghiệm trồng nấm lim xanh dưới tán bưởi, sử dụng mùn cưa lim làm giá thể nên chất lượng tốt và giá bán cao 2,2 triệu/kg (giá nấm thông thường chỉ đạt 700-800 ngàn/kg). Không chỉ nuôi ong tại chỗ để bán mật mà còn kết hợp với nguồn chanh đào hữu cơ sẵn có để sản xuất mật ong ngâm chanh đào đóng hộp. Với hầu hết các nhà vườn thì vỏ quả cam, bưởi, quýt là thứ bỏ đi nhưng tại đây đã cho ra đến 5 loại mứt sấy bán giá từ 400.000-500.000 đồng/kg, tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh. Cũng từ nền tảng canh tác hữu cơ dần phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, du lịch học đường.

Tuy nhiên, con đường đi theo hướng hữu cơ đó lại không hề dễ với đại đa số nông dân. Một khi các vườn khác đã bị bệnh vàng lá thì ngay cả vườn sạch bệnh cũng khó mà trở thành một ốc đảo an toàn được. Bởi vậy, vấn đề cho cây cam nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung của tỉnh Hòa Bình vẫn chưa có lời giải thích hợp.

Truyền dịch cho cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Truyền dịch cho cam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hòa Bình còn có hơn 5.000 ha bưởi trong đó 3.000 ha bưởi đỏ, hơn 2.000 ha bưởi Diễn còn bưởi da xanh khoảng 300-400 ha. Nhìn chung tính thích nghi và ổn định cao nhất là bưởi đỏ, thứ nhì là bưởi Diễn còn kém nhất là bưởi da xanh, rất dễ bị vàng lá bởi cây này ăn tạp, cần phải thâm canh mà thói quen chăm sóc của người dân chưa đáp ứng được.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.