| Hotline: 0983.970.780

Bệnh vàng lá thối rễ hoành hành vùng cây có múi Bắc Giang

Thứ Ba 16/06/2020 , 10:10 (GMT+7)

Đống củi khô chất trong góc vườn cam, bưởi của dân Lục Ngạn mỗi lúc một cao hơn, nhiều hơn, khi đốt cay xè khóe mắt phần bởi tinh dầu, phần nhắc nhở nợ đọng...

Vườn cam Canh 5 năm không có quả của bà Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn cam Canh 5 năm không có quả của bà Minh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quả cam chín ngược

Đống củi ở góc vườn nhà anh Minh chị Thảo ở thôn Phúc Hòa, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn, Bắc Giang) mỗi lúc một cao thêm tỷ lệ thuận theo sự tiến triển của bệnh trên cây. Họ trồng hơn 1ha cam.

Đầu năm ngoái, cam Canh bắt đầu bị bệnh đến cuối năm ngoái cam Vinh cũng dính nốt với cùng một triệu chứng, vàng lá thối rễ. Số nặng phải cuốc gốc lên, đợi khô thì đun.

Đun mãi không hết, phải đem cho hàng xóm bởi có đến mấy trăm gốc như vậy. Số nhẹ hơn họ cố công chăm sóc tiếp nhưng xem ra cũng ít có hi vọng bởi triệu chứng bệnh ngày một nặng thêm.

Bà Hà Thị Minh ở xã Kiên Thành (Lục Ngạn, Bắc Giang) phàn nàn với tôi chuyện 5 năm rồi số cam Vinh trong vườn nhà mình còn có quả chứ cam Canh hoàn toàn không đậu nhưng ông chồng của mình không chịu phun thuốc “Tàu” (thuốc BVTV lậu nhập từ Trung Quốc) để giữ hoa, giữ quả như người ta.

Cây cam hay bị nhện đỏ phá hoại, mọi năm bà thường ra đại lý ở thị trấn Chũ kể bệnh. Người bán hỏi có nhiều nhện không, ít thì “kê đơn” nhặt cho một loại, nhiều phải nhặt hai ba loại cả thuốc nội lẫn thuốc Tàu, pha hỗn hợp đó với nước xong hết chừng 1.400đ/lít.

“Nay phun thuốc xong, mai hỏi phun thuốc gì là tôi chịu. Thuốc Tàu sạch nhện hơn nhưng lại nóng, nếu phun vào thời kỳ hoa hay quả non sẽ rụng hết.

Bình thường phải đánh hai lượt kép mới sạch. Mọi năm tôi vẫn mua chịu được thuốc Tàu nhưng riêng năm nay dịch bệnh Covid-19 chẳng biết thế nào mà họ không cho chịu, phải sang đại lý khác mà nhà này không bán thuốc Tàu nên đành mua thuốc nội”.

Chồng bà kể. Hơn 1ha cam, mỗi năm họ đầu tư cỡ 150-200 triệu vào mà gần như không có thu hoạch, kinh tế khánh kiệt khiến ông bà phải chặt dần đi để chuyển sang trồng bưởi.

Anh Nguyễn Đức Triệu ở thôn Ngọc Lương, xã Mỹ An có 1.500 gốc cả cam Vinh lẫn cam Canh, giờ đã chặt 500 gốc: “Lá vàng, rễ thối, nhổ gốc lên không có rễ tơ mà nếu có cảm tưởng chỉ cần vuốt nhẹ là ra hết. Hai năm trước vườn nhà tôi bắt đầu bị nhưng năm ngoái nặng dần khiến quả chín ngược. Bình thường quả chín vàng từ đít chín lên nhưng ở đây vàng từ núm xuống, tự rụng, ăn rất nhạt, ít nước nên thương lái không mua.

Năng suất mọi vụ được 10 tấn thì đã bị rụng mất khoảng 5 tấn như vậy. Hiện diện tích vàng lá của vườn vào khoảng 40%, một số đã chặt làm củi. Ra tết rồi, tôi trồng lại, cùng lấy giống một nơi nhưng ở khu vườn mới cây đã vươn lên được một đợt lộc nhưng ở đây cây vẫn kém phát triển”.

Những gốc cam chỉ để làm củi trong vườn nhà anh Triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những gốc cam chỉ để làm củi trong vườn nhà anh Triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thời kỳ đỉnh cao, khu vườn ấy sau khi trừ đi mọi chi phí vẫn còn mang lại cho gia đình anh khoảng 300 triệu đồng lãi nhưng vụ năm ngoái thiệt hại kép, vừa bệnh vừa giá thấp, lỗ mất khoảng 100 triệu tiền phân, tiền thuốc, tiền công.

Vườn cam bệnh còn đe dọa nhiều cuốn sổ đỏ của các gia đình hàng xóm quanh anh khi chỉ thấy đổ tiền ra đầu tư mà không thấy thu tiền về.

Cây bưởi bị rụt ngọn

Ông Phạm Tài Chức ở xóm Luồng xã Tân Lập có gần 2ha bưởi, cam, riêng bưởi da xanh có hơn 100 gốc trong đó khoảng 1/3 bị vàng lá dù đã phun đủ loại thuốc chữa trị, kích rễ nhưng vẫn không cứu được.

Bưởi da xanh khi Bắc tiến trở thành một giống cây có múi khó tính đặc biệt với bộ rễ vô cùng mong manh. Một hai năm đầu khi cây ra bói quả rất đẹp, trung bình nặng khoảng 2kg, ăn khá ngon bà con đã khấp khởi vội mừng nhưng chỉ năm trước năm sau là lá vàng, ngọn rụt, quả nhỏ và méo, chất lượng kém, thương lái chê ỏng chê eo không mua...

Quả nhỏ, lá vàng, ngọn rụt là biểu hiện của cây bưởi bệnh trong vườn nhà ông Chức. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quả nhỏ, lá vàng, ngọn rụt là biểu hiện của cây bưởi bệnh trong vườn nhà ông Chức. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Cách đây 5-6 năm đại lý còn bày công khai thuốc Tàu nhưng giờ không dám và dân cũng ít dùng hơn bởi không đọc được hướng dẫn sử dụng, bởi đại lý không làm vườn mà chỉ nghe nói rồi về truyền đạt lại nên không yên tâm sử dụng.

Tôi xưa cũng hay dùng thuốc Tàu trị nhện đỏ nhưng giờ thôi rồi”. Ông Chức vừa bới đống vỏ chất ở góc vườn tìm cho tôi xem lọ thuốc Tàu cũ mèm phun sót lại từ hai vụ trước vừa nói.

Không như nhà khác vợ kéo dây, chồng phun, một mình ông phải lọ mọ hòa thuốc vào cái bể 700 lít phun, kéo dây vòi cao áp, mất 1,5 ngày mới tưới đẫm đều khắp vườn.

Tổng cộng mỗi năm ông phun trên dưới 20 lần, mỗi lần phun mất 1,5 triệu đồng: “Đó là tôi còn dùng thuốc rẻ chứ nhiều nhà dùng thuốc xịn lại tích cực phun đến 30 lần mỗi năm nên tốn kém hơn nhiều. Không sử dụng thì không có thu hoạch nên dù sợ mấy chúng tôi vẫn phải phun”.

Chẩn đoán nguyên nhân

Nhân viên một công ty thuốc của ngoại phân tích với tôi rằng: “Vàng lá thối rễ, lý do chính là do cây đã bị bệnh từ trước cộng thêm việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong đó có cả thuốc giả, thuốc nhái, chăm bón không cân đối khiến cho cây suy yếu dần.

Các diện tích đều có thể bị nhưng ở trên đất hai lúa, tầng canh tác thấp, khi cây phát triển mạnh bộ rễ phá vỡ tầng đế cày nước ngầm dâng lên khiến rễ bị úng, thiếu ô xi, hỏng mất các rễ tơ nên hay dính nhất.

Các diện tích trên đồi, trong lúc khô hạn nếu không tưới được đều cũng khiến cho bộ rễ của cây bắt buộc phải ăn sâu để tìm nước, khi thời tiết mưa nhiều, bộ rễ quá sâu ở bên dưới cũng bị thiếu ô xi.

Thêm vào đó là sai lầm trong kỹ thuật trồng. Ở những vườn đang phải chặt người ta thường trồng cây quá sâu, không lộ gốc khiến bộ rễ kém phát triển”.

Biểu hiện điển hình của bệnh vàng lá, thối rễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Biểu hiện điển hình của bệnh vàng lá, thối rễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn ông Vũ Lệnh Sánh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện kể cho tôi về lịch sử phát triển của cây có múi sớm nhất ở Lục Ngạn có ba xã Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc.

Bắt đầu khoảng năm 2000 nhưng tốc độ tăng mạnh từ năm 2010 trở lại đây khi thấy lợi nhuận cao, bà con đổ xô vào lập vườn kể cả là chuyển đổi diện tích lúa sang.

Giống nhiễm bệnh, nhiều hộ tiềm lực kinh tế, khả năng thâm canh không có nhưng vẫn cố trồng trong khi đây không phải là cây dành cho người nghèo, thứ nữa là kỹ thuật phòng trừ yếu.

Tổng diện tích cây có múi trên giấy tờ 7.000ha trong đó bưởi da xanh ước khoảng 200-300ha nhưng thực tế vượt hơn, có thể 8.000ha hoặc hơn bởi chúng tôi chưa có điều tra chi tiết.

Cũng theo ông Sánh, khoảng 3 năm gần đây bệnh xuất hiện trên cây có múi với hai loại chính là: Greening - vàng lá gân xanh, không thể chữa được, khi bị phải đào đi, mỗi năm có khoảng 5-10% diện tích nhiễm; bệnh vàng lá thối rễ thấy nhiều ở những vườn trũng, thoát nước kém, gặp mưa kéo dài gây hỏng rễ do bị nấm bệnh tấn công.

Nếu cây mới bị có thể chữa được bằng cách bới ra cho thoát nước rồi tưới các loại kích thích rễ nhưng để lâu, cây yếu thì rất khó chữa. Bệnh nhiều thì phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhưng lắm lúc phun thì cứ phun cũng không có hiệu quả vì để đã quá muộn.     

Tôi còn nhớ cảm giác bồng bềnh trên chiếc xe tiền tỉ do ông Bùi Xuân Sinh - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Lục Ngạn - lái khi chở qua những đồi, bãi ngút ngàn cây có múi để về vườn cam của mình ở xã Tân Mộc. Nhờ đi tiên phong mà ông thu lãi có năm hơn 1 tỉ nhờ 2ha cam nhưng mới rồi tôi gọi điện, giọng ông buồn thiu bảo: Tôi mới phải chặt đi 1ha vì bệnh vàng lá. Nhiều hội viên của hội cũng phải chặt vườn như thế. Ước tính trong toàn huyện số vườn cây có múi bị nhiễm vàng lá cỡ 40%. 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.