Hối hả trồng, chặt
Anh Tống Văn Chung ở thôn Vàng, xã Đồng Lạc (Yên Thế, Bắc Giang) mắm môi mắm lợi cầm dao chặt băng đi cả vườn bưởi da xanh đang thời kỳ vàng vọt, èo uột của mình. Tiếng cành kêu răng rắc, tiếng thân đổ rào rào, tiếng quả non rụng kêu lịch bịch hòa vào nhau tạo thành một thanh âm nghe đầy nỗi xót xa.
|
Anh Chung đang chặt vườn bưởi da xanh rộng 1ha của mình. |
Dừng tay lại trong chốc lát để nghỉ, anh kể với tôi rằng thấy người ta trồng bưởi da xanh thu vụ đầu tiên, quả rất đẹp, ăn rất ngon nên 4 năm trước mới mua chung với một người bạn tên Đức ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) 700 cây ghép mắt từ miền Nam về với giá 75.000 đồng/gốc.
350 gốc được trồng trên 1ha đất ven suối, khá tơi xốp, nhờ chăm bón cẩn thận nên vườn bưởi da xanh của anh Chung phát triển rất tốt, lớn nhanh gấp rưỡi, gấp đôi so với các loại bưởi khác cùng trà. Đến năm thứ ba chúng đã bắt đầu ra bói, mỗi gốc 10 - 12 quả, kích cỡ to, đẹp, ăn khá ngon.
Thế nhưng thu hoạch xong khoảng tháng 9 thì tháng 11, 12 vườn bưởi lá đã bắt đầu vàng, ngọn rụt lại, rễ đen đi, có biểu hiện thối. Sau khi đã dùng đủ các loại thuốc diệt nấm kể cả đặc trị như Zidomil nhưng cây cũng chỉ xanh lá được 1 - 2 tháng rồi bị lại, bực mình anh chặt hết hơn 300 cây chỉ để vài chục cây tốt nhất thử xem sao nhưng vụ này vẫn không thành. Cây vẫn ra hoa nhưng đậu rất ít quả, hình dạng lại méo mó, kích cỡ nhỏ, ăn không ra gì, đành phải chặt tiếp. Số tiền hơn 100 triệu đầu tư xuống đây coi như đã đổ sông, đổ biển hết.
Điều kỳ lạ là những cây bưởi giống khác như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường, bưởi Diễn trong vườn nhà anh Chung cũng như những vườn lân cận lại không hề bị hiện tượng này.
“Mới rồi, anh Đức bạn tôi ở huyện Lục Ngạn cũng thông báo đã chặt mấy trăm gốc bưởi da xanh mua dạo nọ chỉ để lại cỡ 50 gốc thử. Giống này quả là khó tính, để khắc phục hiện tượng lá vàng, rụt ngọn nhiều nhà vườn ở Lục Ngạn đã phải cắt ngọn sâu vào chừng 50 - 60cm để cây ra lộc mới nhưng cũng không hiệu quả lắm. Với những cây 10 năm tuổi mà chỉ đạt trung bình 30 - 40 quả loại 1 (từ 1,5kg trở lên) với giá bán 35.000 đồng/kg thì còn thua xa các giống bưởi khác như đường, như Diễn, mỗi gốc 100 - 150 quả, mỗi quả bán 20.000 - 25.000 đồng”, anh Chúng nói...
Anh Chung gom cành bưởi, thân bưởi sau khi phá. |
Cũng tương tự như thế, anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Trại Cả xã Đồng Lạc trồng 200 gốc bưởi da xanh cách đây 4 năm. Vụ đầu tiên cây có quả bói anh đã chia cho một số đám cưới trong vùng dùng thử để tiếp thị cho vụ sau bởi ăn đã ngon trông lại đẹp mã.
Thế mà đến vụ này anh phải chặt trên 10 gốc và 50 - 60 gốc trong vườn hiện đang có biểu hiện vàng lá, rụt ngọn sẽ loại bỏ tiếp. Ngược lại với tình trạng rụt ngọn, vàng lá, cũng có nhiều gốc bưởi trong vườn nhà anh lá rất tốt nhưng lại không hề đậu quả mà không rõ nguyên nhân.
Giữa trưa nắng chang chang nhưng ông Triệu Lam Sơn - Phó Chủ tịch xã Đồng Lạc vẫn dẫn tôi ngược lên đồi bưởi của nhà mình để tìm hiểu rõ hiện trạng. Cách đây mấy năm, theo phong trào nhà ông cũng trồng thử 50 gốc bưởi da xanh. Năm đầu tiên cây ra bói quả rất đẹp, trung bình nặng khoảng 2kg nhưng năm sau cứ tụt nõn dần, lá vàng úa, quả nhỏ lại, chất lượng kém.
Cuốc gốc lên thấy rất ít rễ tơ, tưởng cây bị nghẹt, ông liền bón phân hàm lượng cao rồi dùng hóa chất để trị nấm bệnh nhưng vẫn không cải thiện được nên phải bỏ hết. 3 gốc tốt nhất còn để lại trên đồi nhưng vụ này tiên lượng vẫn rất xấu, dự kiến cũng phải bỏ nốt.
“Ước tính xã chúng tôi trồng cỡ 15ha bưởi da xanh tập trung ở thôn Trại Cả, thôn Vàng và thôn Tiếu nhưng giờ đã chặt gần hết chỉ còn cỡ 3ha mà chất lượng vẫn kém, quả nhỏ, hạt to và nhiều, ăn có vị chua chứ không ngọt như trước, thương lái chê không mua. Giờ nếu có cho không giống cũng chẳng nhà nào dám nhận đâu…”, theo ông Sơn.
Thủ phủ Lục Ngạn cũng không thoát
Huyện Lục Ngạn là thủ phủ cây ăn quả của cả tỉnh Bắc Giang, riêng cây có múi diện tích đã trên dưới 7.000ha, trong đó bưởi da xanh chiếm khoảng 300ha. Theo ông Vũ Lệnh Sánh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện thì gần đây có hiện tượng chặt bỏ bưởi da xanh nhưng về diện tích cụ thể chưa thể thống kê được.
“Bưởi da xanh trồng ở vùng chúng tôi có nhiều đợt, loại mới trồng 3 - 5 năm, loại trồng trên 5 năm, loại trồng 10 năm. Loại mới trồng 3 - 5 năm phát triển bình thường, có cho thu hoạch còn loại mà phải chặt đi thường trồng cỡ 10 năm hoặc ít nhất là 7 năm trở lên với biểu hiện cây bị cằn cỗi, vẫn ra hoa đậu quả nhưng quả rất bé, chất lượng kém, hiệu quả kinh tế không có.
|
Những gốc bưởi có biểu hiện vàng lá, rụt ngọn. |
Nhiều hộ từng thu nhập tương đối cao nhờ bưởi da xanh nay cũng phải hủy bỏ. Để khắc phục hiện tượng vàng lá, ngọn rụt, một số hộ dùng biện pháp đốn cành sau khi thu hoạch nhưng cũng không được bền, bưởi lên được 1 - 2 đợt lộc tơ rồi đến đợt 3, 4 lúc ra quả lại bị ảnh hưởng tiếp chứ không trẻ hóa lại như nhiều cây trồng khác.
Chúng tôi đã đi xem rất nhiều vườn, kể cả những vườn có kinh nghiệm, có thu nhập cao giờ họ cũng đang lắc đầu vì tốn kém, bảo nguyên nhân của hiện tượng trên có thể do thổ nhưỡng. Giống bưởi này rất phàm ăn, có nhu cầu dinh dưỡng cao. Dinh dưỡng trong đất những năm đầu còn giúp cây phát triển tốt nhưng về sau khi bị cạn kiệt một số trung, vi lượng thì lại kém. Thiếu đa lượng còn biết để bổ sung thêm nhưng thiếu trung, vi lượng thì không biết thiếu loại gì để mà bón.
Chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm này bởi nếu bệnh gì thì đã rõ rồi. Ngoài yếu tố dinh dưỡng ra có thể còn thêm cả yếu tố khí hậu nữa bởi đây là giống cây từ phía Nam chuyển ra chứ không phải là cây trồng bản địa”, ông Sánh phân tích.
Bưởi da xanh có nguồn gốc ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, tương truyền người trồng đầu tiên là ông Trần Văn Luông (Sáu Luông), sinh năm 1905, mất năm 1979 ở ấp Thanh Sơn II. Theo lời con cháu ông này kể lại, khoảng năm 1940 ông đi dự đám giỗ được ăn mấy múi bưởi ngon nên xin 3 hạt về trồng rồi từ đó họ hàng, chòm xóm cứ chiết ra để nhân. Quả bưởi da xanh có dạng hình cầu nặng trung bình từ 1,2 - 2,5kg, vỏ có màu xanh, tép màu hồng đỏ, vị ngọt nên được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh phía Nam. Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, riêng tỉnh này đã trồng hơn 7.200ha bưởi da xanh, trong đó diện tích đã và đang cho thu hoạch là 4.800ha, năng suất 11,4 tấn/ha, sản lượng 57.000 tấn/năm. |