Trong lúc cơ quan chức năng đề nghị Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) điều chỉnh công suất khai thác mỏ sắt Quý Xa theo hướng chỉ cung cấp cho nhà máy gang thép Lào Cai thì tân Tổng Giám đốc VTM Nguyễn Tiến Dũng vẫn quyết tâm bán 7 triệu tấn quặng để lấy tiền. Hành vi này đang được cho là có những dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Thêm điều đáng ngạc nhiên là một trong ba doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá nghìn tỷ, Công ty TNHH Tiến Đại Phát gần như không liên quan gì nhiều đến lĩnh vực khoáng sản.
Theo tìm hiểu của Nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Tiến Đại Phát có trụ sở chính tại địa chỉ 11/18/199 đường Hồ Tùng Mậu, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đây là doanh nghiệp tư nhân được thành lập từ năm 2001, giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP phố Hà Nội cấp. Người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Đáng chú ý, ông Cương còn được biết đến là Chủ tịch Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà (Thái Bình), đơn vị từng có những lùm xùm thời gian vừa qua.
Với vốn kinh doanh 2,5 nghìn tỷ, Tiến Đại Phát là một trong những công ty hoạt động đa ngành và chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chính: Đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông, công trình xây dựng, Đầu tư nạo vét đường thủy, thiết bị y tế, thiết bị cơ khí - dạy nghề, bất động sản, sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản…
“Với đội ngũ trên 400 cán bộ, công nhân viên giàu kinh nghiệm, năng động, sáng tạo, trình độ chuyên môn cao cùng đội ngũ công nhân lành nghề và hệ thống trang thiết bị sản xuất, kinh doanh đầy đủ, hiện đại đã tạo nên sức mạnh giúp Công ty thắng lợi nhiều dự án lớn trong những năm qua”, Tiến Đại Phát giới thiệu trên website chính thức.
Chính vì lĩnh vực hoạt động tưởng chừng như không liên quan gì đến khoáng sản như trên, cho nên khi có kết quả thông báo Công ty TNHH Tiến Đại Phát trúng phiên đấu giá gần 5 triệu tấn quặng với mức giá hơn 653,490 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản hết sức ngỡ ngàng.
Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhu cầu quặng trong nước là rất lớn, các lô quặng trên có thể được bán với giá cao hơn nếu tổ chức đấu giá rộng rãi, công khai, minh bạch.
Diễn biến vụ việc cho thấy, ngày 3/4/2020, VTM và Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia (có địa chỉ đăng ký tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 18/2020. 18 ngày sau phiên đấu giá 4.969.508 tấn quặng Deluvi diễn ra. Mức giá khởi điểm được đơn vị tổ chức chào là 117.700 đồng/tấn.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Công ty TNHH Tiến Đại Phát trở thành “người tham gia đấu giá trả giá cao nhất, hợp lệ và trúng đấu giá” với mức 131.500 đồng/tấn. Tổng cộng Tiến Đại Phát trúng lô hàng gần 5 triệu tấn quặng với mức giá hơn 653,490 tỷ đồng.
Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, tân Tổng Giám đốc VTM, ông Nguyễn Tiến Dũng một mực khẳng định không có quan hệ gì với Tiến Đại Phát, thậm chí còn không biết ông chủ Tiến Đại Phát là ai?
Theo ông Dũng, quy trình bán quặng trước đây thường do Bộ Công Thương giới thiệu các đơn vị đến mua, khi tôi lên Bộ Công Thương cho văn bản cho phép bán? Chính vì vậy Hội đồng thành viên VTM với có văn bản chấp thuận bán số quặng trên.
Tuy nhiên, theo tài liệu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại văn bản ngày 4/3/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký nêu rõ: Về thẩm quyền khai thác và tiêu thụ quặng sắt, đề nghị VTM thực hiện theo thẩm quyền của doanh nghiệp và các quy định hiện hành.
Sau văn bản của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã có văn bản ngày 7/4/2020 gửi Thủ tướng nêu: Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung khai thác mỏ sắt Quý Xa nhưng cung cấp chưa đến 30% công suất cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, quặng sắt tinh tại mỏ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa nhập đối lưu than coke.
Như vậy việc sử dụng, tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa không phù hợp Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, không đúng yêu cầu địa chỉ sử dụng quặng sắt...
Chưa kể, ngày 27/3/2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam gửi văn bản VTM yêu cầu: Trong thời gian chờ Thủ tướng cho ý kiến về sử dụng quặng sắt của mỏ theo quy hoạch và dự kiến nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, đề nghị VTM điều chỉnh công suất khai thác của mỏ theo hướng chỉ cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, những chỉ đạo tại các văn bản trên đã không được VTM thực hiện mà vẫn thực hiện việc đấu giá. Mặc dù theo ông Dũng, kết quả đấu giá có thể sẽ được hủy sau khi gặp vấn đề pháp lý, nhưng ông Dũng cũng thừa nhận về vai trò giám sát của VTM trong quá trình Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia tổ chức đấu giá và “sẽ rút kinh nghiệm”.
Ngoài những dấu hiệu khuất tất lô quặng gần 5 triệu tấn mà Tiến Đại Phát trúng, còn lại 2 lô quặng Limonit với tổng số lượng 1,8 triệu tấn cùng được đấu giá thành công trong ngày 21/4, cùng có những dấu hiệu mờ ám.
Các doanh nghiệp trúng đấu giá 1,8 triệu tấn quặng dù thuộc 2 lô khác nhau, 2 doanh nghiệp khác nhau tham gia đấu nhưng nhưng đều trúng với đơn giá 546.000 đồng/tấn. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (địa chỉ tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) do ông Nguyễn Văn Bình đại diện pháp luật trúng 800.000 tấn với tổng số tiền là 428,8 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) trúng 1 triệu tấn với giá 546 tỷ đồng.
Tất cả những dấu hiệu này đang được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) vào cuộc làm rõ.
Đặc biệt trong đó có nội dung đề nghị Tổng Công ty Thép Việt Nam cung cấp các tài liệu liên quan đến pháp nhân của Tổng Công ty. Cung cấp toàn bộ các tài liệu có liên quan đến việc chỉ đạo, phê duyệt của các cấp, cơ quan chức năng và Tổng Công ty về việc bán 2 triệu tấn quặng Limonit và gần 5 triệu tấn quặng Deluvi của mỏ Quý Xa do VTM quản lý.
Liên quan đến thông tin cho rằng mức giá các lô quặng đấu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, Tổng Giám đốc VTM cho rằng: “Quặng ở mỏ Quý Xa trước giờ không có giá giao dịch thị trường, cho nên việc bán là theo thỏa thuận".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, cùng thời điểm VTM đấu giá 1,8 triệu tấn quặng Limonit cùng đơn giá 546.000 đồng/tấn thì những hợp đồng mua bán loại quặng này ở Mỏ sắt Tiến Bộ có đơn giá 736.000 đồng/tấn, cao hơn rất nhiều mức trúng giá các lô quặng của VTM.
Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc liệu có thất thoát số tiền cực lớn từ việc VTM đấu giá gần 7 triệu tấn quặng hay không?.