| Hotline: 0983.970.780

Bi hài thời thiếu cá tra

Thứ Tư 22/12/2010 , 10:53 (GMT+7)

Trước thềm năm mới, con cá tra ở ĐBSCL vẫn còn ngổn ngang nhiều nỗi lo âu mà chuyện thời sự nhất hiện nay là thiếu cá nguyên liệu.

Sự đấu tranh quyết liệt của Bộ NN-PTNT, VASEP, Hội Nghề cá và dư luận đã giúp con cá tra giành được “chiến thắng” trước quyết định vô lý của WWF. Tuy nhiên, trước thềm năm mới, con cá tra ở ĐBSCL vẫn còn ngổn ngang nhiều nỗi lo âu mà chuyện thời sự nhất hiện nay là thiếu cá nguyên liệu.

Tại “ông” ngân hàng?

Nguyên nhân của sự khủng hoảng thiếu này, không gì khác ngoài việc tổng công suất của ngành công nghiệp chế biến cá tra đã tăng lên rất nhanh trong mấy năm qua. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, ước tính tổng công suất các nhà máy chế biến cá tra hiện vào khoảng 2,5 triệu tấn, trong khi sản lượng chỉ khoảng trên 1 triệu tấn.

Không những thế, theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, các nhà máy chế biến cá tra hiện phân bố rất thiếu hợp lý, có nơi quá nhiều nhà máy, trong khi những nơi khác, dù có sản lượng lớn, lại rất ít nhà máy. Chính vì thế, trong năm 2010, nhìn chung các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL chỉ hoạt động được khoảng 30-40% công suất thiết kế.

Vì sao các nhà máy cá tra mọc lên quá nhanh như vậy? Ngoài một số ý kiến cho rằng do cá tra đang là sản phẩm xuất khẩu phát triển khá nhanh, nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng nhà máy chế biến, có một ý kiến rất đáng suy ngẫm của ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP và là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Hùng Vương.

 Ông Minh cho rằng nhà máy cá tra đang mọc lên nhiều, trong khi sản lượng cá suy giảm, có nguyên nhân không nhỏ từ chính sách tín dụng của ông ngân hàng. Cụ thể, nếu một cá nhân hay doanh nghiệp đi hỏi vay tiền ngân hàng để đầu tư nuôi cá tra, chắc chắn sẽ bị ngân hàng từ chối liền. Nhưng nếu vay tiền để xây dựng nhà máy chế biến, thì lại dễ được ngân hàng đồng ý. Sở dĩ có điều này là vì ngân hàng cho rằng cho người nuôi vay, lỡ người ta làm ăn không được thì sẽ khó thu hồi nợ. Còn nếu cho vay để xây nhà máy, nếu nhà máy đó làm ăn thua lỗ, vẫn còn nhà xưởng, dây chuyền để xiết nợ.

 Chính kiểu cho vay nhẹ gốc (nuôi cá), nặng ngọn (chế biến) này của các ngân hàng đang góp phần quan trọng làm cho tổng công suất chế biến cá tra vượt xa so với nguồn cá nguyên liệu. Không những thế, nó còn làm nảy sinh những nguy cơ khác. Cũng theo ông Minh, do thấy vay tiền ngân hàng để xây dựng nhà máy khá dễ, nên đã có nhiều người, doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng về, nhưng chỉ dùng một phần làm nhà máy, phần còn lại sắm ô tô xịn chạy cho oai. Ông Minh đang lo rằng chẳng còn bao xa nữa, sẽ có chuyện vỡ nợ hàng loạt trong ngành chế biến cá tra.

Chuyên nghiệp khóc, nghiệp dư cười

Nhưng chuyện vỡ nợ (nếu có), chắc cũng phải chờ một vài năm nữa. Còn hiện tại, việc quá thừa nhà máy, quá thiếu nguyên liệu đang tạo nên những chuyện bi hài quanh con cá tra trong những tháng cuối năm này. Trong đó, nổi bật nhất là chuyện lên đời bất ngờ của những người nuôi cá tra nghiệp dư. Họ là những nông dân nghèo, không có vốn liếng để đào ao nuôi cá tra quy mô công nghiệp. Vì thế, sẵn có cái ao nhỏ trong nhà, họ thả xuống đó ít cá tra giống, và chỉ mong hơn nửa năm sau có được chừng vài trăm ký hoặc 1-2 tấn cá tra là cùng, đem ra bán cho tiểu thương ở các chợ.

Cũng vì nuôi nghiệp dư, nên những hộ nông dân này chỉ cho cá tra ăn các loại thức ăn bình thường, thức ăn tự chế, thậm chí những thời điểm giá các loại nguyên liệu làm thức ăn tăng cao, họ bỏ mặc luôn, kệ cho đàn cá tra trong ao tự kiếm lấy cái ăn. Những lúc không thiếu nguyên liệu, hoặc có thiếu nhưng chưa gay gắt, chắc chắn cá tra nuôi nghiệp dư để bán ngoài chợ như trên sẽ không được các nhà máy đoái hoài tới vì sản lượng ở mỗi ao quá ít và chất lượng cá không bằng cá nuôi công nghiệp. Thậm chí cá nuôi công nghiệp mà không dùng tới một số nhãn hiệu thức ăn nổi tiếng như cám C, cám B…, nhà máy vẫn còn lắc đầu chê bai, huống gì cá nuôi nghiệp dư.

 Thế nhưng, trong bối cảnh các nhà máy đang quá khát nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký, họ cho người đi khắp nơi, mua vét hết cả những con cá tra nuôi nghiệp dư. Bởi thế, trong mấy tháng qua, tại chợ đầu mối Bình Điền ở TP HCM, gần như không còn thấy bóng dáng một con cá tra nào. Còn những hộ nuôi cá tra nghiệp dư bỗng dưng trúng đậm.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, một nông dân nuôi cá tra chuyên nghiệp ở Lấp Vò (Đồng Tháp) cho biết, trong năm 2010, giá thành cá tra công nghiệp khoảng trên dưới 17.000 đ/kg (cuối năm lên tới 18.000-19.000 đ/kg), thì giá thành nuôi nghiệp dư chỉ khoảng 14.000 đ/kg. Vì thế, khi giá cá mua tại ao đang được đẩy lên cao tới mức 23.000 đ/kg, thì rõ ràng, những người nuôi nghiệp dư đã trúng đậm khi cá chợ được bán với giá cá dùng để xuất khẩu.

Trong năm tới, nhiều khả năng người nuôi nghiệp dư lại tiếp tục cười trong khi người nuôi chuyên nghiệp vẫn “khóc”, hoàn có thể tái diễn như những tháng cuối năm này. Và điều đó, không tốt chút nào cho sự phát triển của nghề nuôi, chế bến, xuất khẩu cá tra.
Theo dự đoán của ông Dương Ngọc Minh, sang tháng 1 tới, giá cá tra mua tại ao còn có thể được đẩy lên tới 25.000 đ/kg. Khi ấy những người nuôi nghiệp dư lại càng thắng đậm thêm. Trong khi đó, những người nuôi chuyên nghiệp lại chỉ biết ngậm ngùi. Bởi lẽ, những người nuôi chuyên nghiệp phải đầu tư vốn khá lớn, nuôi 100 tấn cá phải bỏ vô ao từ 1,5-1,8 tỷ đồng. Mấy năm rồi giá bán cá thường thấp hơn giá thành, dân nuôi chuyên nghiệp lỗ nặng, “treo” ao hàng loạt. Giờ thấy giá cá quá cao, đành chỉ biết ngồi nhìn mà… thèm, vì có muốn nuôi lại, “ông” ngân hàng cũng từ chối cho vay.

Còn với những người nuôi nghiệp dư, chẳng cần vốn liếng nhiều, mấy năm rồi đứng ngoài vòng luẩn quẩn thua lỗ của dân nuôi chuyên nghiệp, nên chẳng có chuyện “treo” ao, giờ đây tha hồ lên đời, bất ngờ hốt bạc từ những con cá mà mấy năm về trước chỉ có nước “bơi” ra chợ để vào nồi của mấy bà nội trợ trong nước.

Theo dự báo của VASEP, trong năm 2011, sản lượng cá tra nguyên liệu sẽ tiếp tục giảm mạnh, có thể xuống mức dưới 1 triệu tấn. Nguyên nhân chính vẫn do nông dân không vay được vốn ngân hàng, nhiều người nuôi tiếp tục “treo” ao vì giá thức ăn liên tục tăng cao…

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm