Cước tay, chân - Vì sao?
Bệnh cước là tình trạng giá lạnh của một bộ phận cơ thể (thường là phần da) khi tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp. Đây là biểu hiện của tình trạng hoại tử tế bào, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm, thường gặp ở các ngón tay, ngón chân, mũi hoặc tai.
Nguyên nhân do lạnh làm các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông chậm, gây thiếu oxy ở vùng cần nuôi dưỡng. Khi được làm ấm đột ngột, mạch máu sẽ bị vỡ, dẫn đến viêm, sưng nề, ngứa và đau.
Triệu chứng của bệnh cước gồm các biểu hiện: Đầu ngón tay, ngón chân sưng đỏ, ngứa như bị kim châm. Da đau và phồng rộp, có khi tê buốt không cảm giác. Chỗ bị cước nóng rát, sưng, da chuyển từ đỏ sang xanh đậm. Trường hợp nặng có thể dẫn tới mưng mủ, bong tróc, loét chỗ bị cước.
Đối tượng hay mắc bệnh là phụ nữ, những người lao động chân tay như làm ruộng, người làm nghề chài lưới, chèo đò, vận động viên đua thuyền... Ngoài ra, bệnh cũng hay gặp ở những người có tuần hoàn máu kém, những người hay bị lạnh ngón tay, ngón chân ngay trong nhiệt độ không lạnh. Vào mùa đông lạnh, người già và trẻ em cũng là những đối tượng hay bị cước.
Cách phòng ngừa bệnh cước hiệu quả
Hầu hết các trường hợp bị cước sẽ tự khỏi sau vài tuần nếu chăm sóc đúng. Việc chủ động phòng ngừa bằng những gợi ý dưới đây là cách tốt nhất để tránh xa căn bệnh này.
Giữ ấm cơ thể: Mang đầy đủ tất và găng tay khi ra ngoài. Tránh mang tất và găng tay quá chật, dễ gây cọ xát. Hạn chế sử dụng chất liệu dễ kích ứng da như len, dạ.
Hạn chế tiếp xúc nước lạnh: Tránh tiếp xúc với nước lạnh trong thời gian dài. Ngâm tay, chân trong nước ấm 5-10 phút trước khi đi ngủ. Tắm nước ấm, dùng sữa tắm giữ ẩm cho da.
Tránh tiếp xúc hóa chất tẩy rửa: Mang găng tay, ủng chân khi dùng nước rửa bát, bột giặt, nước lau nhà để bảo vệ da khỏi tổn thương.
Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái: Quần áo bó sát dễ làm tăng nguy cơ cước do cản trở tuần hoàn máu. Hãy chọn trang phục thoải mái, giữ nhiệt tốt.
Bổ sung nước và thực phẩm: Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giữ độ ẩm cho da. Ăn thực phẩm chứa nhiều calo và chất béo giúp cơ thể sản sinh nhiệt lượng. Hạn chế ăn trái cây có tính lạnh như lê, mã thầy.
Tập thể dục: Tăng cường vận động giúp máu lưu thông tốt hơn, tăng sức đề kháng và khả năng chịu lạnh của cơ thể.
Một số mẹo dân gian hỗ trợ giảm triệu chứng cước
Ngâm nước lá lốt: Đun sôi lá lốt với nước, thêm muối và ngâm tay chân 30 phút mỗi ngày.
Dùng rượu anh đào: Thoa rượu nhẹ lên vùng bị cước để giảm ngứa và rát.
Sử dụng gừng tươi: Gừng tươi thái lát mỏng xát lên vùng bị cước hoặc trước khi đi ngủ nên ngâm chân tay vào nước ấm pha gừng, khoảng từ 15-30 phút.
Lưu ý quan trọng khi bị cước
Không gãi mạnh để tránh tổn thương da, lở loét hoặc nhiễm trùng. Tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò, thịt gà, rượu bia.
Nếu áp dụng những cách trên mà triệu chứng bệnh không đỡ, xuất hiện mủ thì cần đến cơ sở y tế thăm khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.