Cấp chủ trương đầu tư khi chưa có ý kiến của Bộ Tài nguyên – Môi trường
Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Một trong những phân vùng quy hoạch thăm dò, khai thác và xây dựng nhà máy là khu vực huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông. Tuy nhiên, trước cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên, tỉnh Đăk Nông muốn biến Đăk Song thành trung tâm năng lượng tái tạo của địa phương.
Theo tài liệu của Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, trong quá trình thực hiện, đã có những động thái hậu thuẫn từ chính quyền địa phương để nhiều doanh nghiệp bỏ qua các cơ sở pháp lý của dự án, gây bức xúc trong nhân dân.
Chỉ trong vòng hai tháng 10 và 11 của năm 2020, ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông đã ký 6 Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp thực hiện dự án điện gió trên địa bàn huyện Đăk Song bao gồm: Nhà máy điện gió Asian Đăk Song 1 tại xã Nam Bình do Công ty TNHH Asian Energy làm chủ đầu tư. Nhà máy điện gió Đăk Hòa tại xã Đăk Hòa do Công ty Envision Energy (Hong Kong) Limited là chủ đầu tư. Nhà máy điện gió Nam Bình 1 do Công ty Cổ phần điện gió Nam Bình làm chủ đầu tư…
Đặc biệt, chỉ trong một ngày 1/10/2020, ông Trần Xuân Hải đã ký cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án do ông Đỗ Lê Quân làm giám đốc (ông Đỗ Lê Quân được biết đến là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm, một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội) gồm các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung: 1, 2, 3 . Tổng mức vốn đầu tư các dự án này là hơn 10.000 tỷ đồng tại 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang.
Đáng lưu ý, khi ký quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án, UBND tỉnh Đăk Nông ngoài việc giao tiến độ đã ban hành các điều kiện với chủ đầu tư như: Phải thực hiện các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường, trình UBND huyện Đăk Song phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.
Sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng phù hợp với loại hình hạng mục công trình xây dựng và các quy định khác có liên quan trước khi triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Cũng theo UBND tỉnh Đăk Nông, nhà đầu tư chỉ phê duyệt dự án khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc phạm vi dự án nằm trong khu vực Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1/11/2007.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đồng ý hoặc có ý kiến khác thì nhà đầu tư phải thực hiện điều chỉnh dự án. Mọi rủi ro và chi phí có liên quan, nhà đầu tư chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư lập hồ sơ thiết kế xây dựng đúng quy định về khoảng cách an toàn công trình điện gió; không lập dự án, hồ sơ thiết kế xây dựng đối với các khu vực cấm trong vùng cấm về quốc phòng an ninh...
Song song với đó, UBND tỉnh Đăk Nông cũng yêu cầu các cơ quan trực thuộc có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư như chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn để tạo điều kiện cho việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện gió nằm trong khu vực Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai, đảm bảo triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.
Điều này có nghĩa là khi chưa nhận được ý kiến của Bộ Tài nguyên – Môi trường về việc phạm vi dự án nằm trong khu vực Quy hoạch bauxit đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, UBND tỉnh Đăk Nông đã vội vã cấp quyết định chủ trương thực hiện dự án cho các doanh nghiệp.
Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc chính quyền địa phương đang "tiếp sức" doanh nghiệp chạy đua thực hiện dự án với thời điểm hết hiệu lực mua giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (1/11/2021).
Đơn cử tại xã Thuận Hạnh, một trong những địa phương nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit, tuy nhiên vẫn được UBND tỉnh Đăk Nông cấp phép cho Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung thực hiện dự án điện gió hơn 3.300 tỷ đồng.
Hàng loạt vi phạm
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thực hiện dự án điện gió trên địa bàn huyện Đăk Song vẫn chưa hoàn thiện các hồ sơ giao đất, cho thuê đất. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp lý liên quan, chỉ sau khi có quyết định cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp này là UBND tỉnh Đăk Nông, cơ quan tham mưu là Sở Tài nguyên và Môi trường) và được bàn giao ranh giới trên thực địa, thì đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công mới đủ điều kiện về đất đai để khởi công xây dựng công trình.
Mặc dù theo văn bản do ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông ký thể hiện “nhà đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng phù hợp với loại hình hạng mục công trình xây dựng và các quy định khác có liên quan trước khi triển khai thực hiện dự án”, nhưng một số doanh nghiệp đã phớt lờ yêu cầu này.
Điển hình là các dự án của ông Đỗ Lê Quân. Dù chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, chưa biết sẽ phải thu hồi bao nhiêu đất, tại những vị trí nào nhưng chủ đầu tư đã triển khai hàng loạt hạng mục công trình, tiến hành thực hiện dự án bất chấp phản đối của người dân địa phương.
Tại các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang, những vùng sản xuất nông nghiệp tươi tốt, trọng điểm của tỉnh Đăk Nông, người dân cho rằng việc các dự án điện cắm xuống đây là trái với tinh thần trong Thông tư 02 của Bộ Công thương. Ngoài ra quy định của Bộ Công thương về các trụ tuabin phải cách khu dân cư 300m nhưng các dự án của ông Đỗ Lê Quân xây dựng có những vị trí tuabin chỉ cách nhà dân vài chục mét.
Trong lúc chính quyền sở tại tỏ ra bị động với việc doanh nghiệp thực hiện dự án khi chưa đầy đủ căn cứ pháp lý thì nhiều người dân ở Đăk Song đã tổ chức ngăn cản chủ đầu tư thực hiện dự án vì họ cho rằng chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi đất đai là trái quy định của pháp luật.
101 người Trung Quốc hoạt động chui tại các dự án điện gió của ông Đỗ Lê Quân
Trong quá trình tìm hiểu về các dự án điện gió ở Đăk Nông chúng tôi được biết, các chủ đầu tư đã đưa khá nhiều người Trung Quốc vào để thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông cho biết, đã cử cán bộ xuống Dự án Nhà máy điện gió Đăk N’Drung 1,2,3 tại huyện Đăk Song. Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 102 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại đây, trong đó chỉ có 1 chuyên gia là đầy đủ các giấy phép theo quy định, số còn lại hoạt động “chui”.
“Sở đã lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung giấy phép cho số chuyên gia nói trên. Bên phía chủ đầu tư hứa trong tuần này sẽ hoàn tất các thủ tục báo cáo sở trình UBND tỉnh cấp phép”, ông Tự nói.
Ông Nguyễn Công Tự cho biết thêm dự án này thuộc Chính phủ cấp phép nhưng các chuyên gia vào địa phương hoạt động phải được cấp phép của chính quyền sở tại: “Nếu anh hoạt động “chui” như thế thì trách nhiệm của công an, chính quyền địa phương như thế nào. Sở đã báo cáo UBND tỉnh để có hướng xử lý đối với trường hợp này. Sắp tới đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra đối với các lao động nước ngoài trên địa bàn. Chuyên gia nước ngoài vào tỉnh thực hiện dự án thì phải gửi văn bản cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội để báo cáo UBND tỉnh cấp phép.
Hiện nay việc đáng lo ngại là sắp tới các đơn vị thi công dự án tuyển lao động phổ thông. Theo quy định phải tuyển lao động tại địa phương khi nào tuyển không được mới đưa người từ bên ngoài vào. Tuy nhiên trước giờ các nhà thầu đều đưa ra một số quy định để lao động trong nước không thể đáp ứng. Từ đó họ dễ dàng đưa lao động từ nước họ vào thực hiện dự án”.