| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu làm gia tăng mức độ phụ thuộc năng lượng

Thứ Năm 17/01/2019 , 11:16 (GMT+7)

Sáng nay (17/1), tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư chủ trì, phối hợp với một số đơn vị, tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới”.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 3 (năm 2019), với sự tham dự của gần 250 đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, một số Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, cùng các diễn giả quốc tế.
 

Báo động tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam

Chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển KT – XH sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển

Cũng theo ông Bình, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn. Những tác động tiêu cực ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường.

Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển KT - XH, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được. Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp, ông Bình cho rằng, biến đổi khí hậu đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, nó cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng.

“Biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng, nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng chống biến đối khí hậu và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết”, ông Bình nhấn mạnh.

Tham dự Hội thảo có ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì hoà bình quốc tế. Tại đây, ông John Kerry cũng khẳng định thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. Biến đổi khí hậu luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay, thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó.

Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đối khí hậu.  

Cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, báo động tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay tăng rất nhiều lần

Ông John Kerry báo động tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay tăng rất nhiều lần. Đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam.
 

Chính sách sẽ là động lực hay rào cản?

Chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.

Toàn cảnh Hội thảo

Qua hai kỳ tổ chức vào các năm 2017 và 2018, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm tổ chức cũng như xác định rõ các mục tiêu trọng điểm, bức thiết nhất cần phải tập trung khai thác trong vô số những vấn đề kinh tế đang đặt ra. Từ những kinh nghiệm đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 được mở rộng về cả quy mô, số lượng diễn giả, khách mời tham dự…

 

Nhìn lại, 2018 vừa qua là một năm chứng kiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề mới nảy sinh và cũng cho thấy nhiều thách thức trong hoạch định chính sách của các nhà quản lý.

Việt Nam đã hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu KT - XH do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 7,08% là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu lập kỷ lục (hơn 6,89 tỷ USD), cao nhất trong 10 năm qua; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%…

Các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những chính sách, chỉ đạo đúng đắn và phát huy hiệu quả của Chính phủ của thời gian qua, cũng cho thấy thách thức trong thời gian tới để giữ vững và đạt được thành tích tốt hơn.

Đặc biệt, Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Hiệp định CPTPP vừa Chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, dự báo sẽ có những chuyển biến về chính sách trong thời gian tới. Cộng đồng kinh doanh sẽ có những cơ hội cũng như thách thức khi Hiệp định này bắt đầu phát sinh hiệu lực ở nước ta, nhất là khi các cam kết bắt đầu được nội luật hóa.

Trong khi đó, thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến sự phát triển công nghệ mạnh mẽ ở kỷ nguyên số hoá, kéo theo đó là những thay đổi trong phương thức kinh doanh trong nền kinh tế. Nó đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, nhất là khi chúng ta vẫn còn áp dụng tư duy cũ để quản lý các hoạt động kinh doanh hiện tại. Chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh trong thời đại này phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý hiện tại.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm...

 

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.