Chính Bộ trưởng Bộ Môi trường Maildives, Aminath Shauna, thừa nhận điều này. "Trừ khi hành động khẩn cấp được thực hiện để kiềm chế cuộc khủng hoảng khí hậu, quần đảo Ấn Độ Dương gồm hơn 1.000 hòn đảo có thể bị chìm dưới nước vào năm 2100", bà bổ sung.
Quốc gia này nằm ở độ cao trung bình chỉ một mét so với mực nước biển, khiến gia tăng mực nước biển và các kiểu thời tiết không thể đoán trước là mối đe dọa trong tương lai gần đối với sự sống trên các đảo san hô.
Trong khi sự sống còn của Maldives vẫn phụ thuộc vào việc hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, phần lớn trong số 540.000 công dân của đất nước dựa vào du lịch như một nguồn thu nhập chính của họ.
Ngành công nghiệp du lịch tạo ra khoảng 8% lượng khí thải CO2 hàng năm trên toàn cầu - một con số dự kiến sẽ tăng 4% mỗi năm.
Thực tế này là cơ sở cho nghịch lý mà người dân trên đảo ngày nay phải đối mặt: một cuộc chiến để tồn tại trong cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng thời vẫn phải dựa vào đóng góp của một ngành công nghiệp đang tạo ra khủng hoảng khí hậu.
"Thu nhập quốc dân của Maldives sẽ tới từ đâu khác nếu đó không phải là du lịch?", James Ellsmoor, Giám đốc điều hành tại Island Innovation, một mạng lưới toàn cầu giúp thúc đẩy sự thay đổi bền vững trên khắp các cộng đồng trên đảo tự hỏi. Ông cho rằng phụ thuộc du lịch là vấn đề nhưng chưa tìm được giải pháp khả thi.
Khủng hoảng
Khi tương lai của Maldives đang bấp bênh, không có gì ngạc nhiên khi một số chủ khách sạn đang áp dụng những biện pháp thân thiện môi trường hơn để tiếp đón khách của họ.
"36 năm trước, Villa Hotels Resorts được thành lập với ý tưởng về tính bền vững", Khadheeja Sana, người phát ngôn của khu nghỉ mát này cho biết. “Ngày nay, chúng tôi rất tự hào đi đầu trong việc duy trì và thúc đẩy tính bền vững, bảo tồn và gìn giữ”.
Một trong những giải pháp sinh thái được cung cấp cho du khách tại khu nghỉ mát là nhà hàng 'Zero' - một sáng kiến từ nông trại đến bàn ăn, cam kết các loại thực phẩm hữu cơ trong mỗi bữa ăn.
“Du khách có thể chọn sản phẩm hữu cơ từ các trang trại địa phương của chúng tôi, do đầu bếp chuyên nghiệp chế biến và thưởng thức ngay lập tức”, người chủ đảo, Ibrahim Aleef giải thích. "Chúng tôi cũng chọn thủ công một số nguyên liệu nhất định trong các trang trại này như rau diếp, chanh dây và nhiều loại khác"
Khu du lịch cũng sử dụng tái chế chai thủy tinh và quy trình đóng nước mưa tinh khiết cung cấp cho dân địa phương và khách du lịch.
San hô đang chết
Các biện pháp như vậy đưa ra các giải pháp thiết thực để bù đắp lượng khí thải của hòn đảo. Nhưng liệu chúng đã đủ chưa?
Maldives có khoảng 2.500 rạn san hô, khiến chúng trở thành hệ sinh thái chủ đạo được tìm thấy trên khắp quần đảo.
Khi nhiệt độ đại dương tăng lên, tảo cộng sinh trong san hô chuyển sang màu trắng - một quá trình được gọi là tẩy trắng. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức sống của toàn bộ rạn san hô.
"Hơn 60% san hô ở Maldives đã bị tẩy trắng", theo một bài báo của Guardian.
Ismail Hisham, một cư dân sống tại Baa Atoll, cho biết: “Là một người dân địa phương sống ở đây, tôi lo lắng về sức khỏe của các rạn san hô và sinh vật biển của chúng tôi. Tôi rất tự hào về vẻ đẹp của san hô nhưng đồng thời chúng ta cũng nên bảo vệ nó cho các thế hệ mai sau”.
“Điều chúng tôi hy vọng đạt được là cố gắng và bảo tồn đa dạng sinh học nhiều nhất có thể", Aya M Rahil, một nhà sinh vật học biển tại Viện Coral ở Maldives, nói.
Maldives hiện dành 50% ngân sách quốc gia cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như xây dựng các bức tường biển để bảo vệ các rạn san hô.
Chỉ riêng trong năm 2019, 1,7 triệu người đã đến thăm quần đảo này, đóng góp hơn 56% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia.
Nhưng đại dịch Covid-19 đã kéo theo những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, làm suy tàn ngành du lịch và thu hẹp nền kinh tế hơn 30%.
James Ellsmoor nói: “Vấn đề lớn trong hai năm qua là phần lớn thu nhập quốc dân phụ thuộc vào du lịch. Với một lượng lớn thu nhập từ du lịch, hiện Maldives không còn tiền để ứng phó với khủng hoảng khí hậu”.
Maldives có thể mất tất cả?
Giờ đây, quốc gia này đang cố gắng phục hồi ngành công nghiệp chính của mình, đồng thời tiếp tục khuyến khích cách tiếp cận bền vững hơn đối với du lịch và lữ hành.
"Mười năm nữa, tầm nhìn của chúng tôi là nhìn thấy một thế giới, nơi con người và thiên nhiên sống trong sự cân bằng và hài hòa hoàn hảo", Khadheeja Sana nói.
Nhưng thực tế của cuộc khủng hoảng khí hậu không mang lại nhiều sự lạc quan.
Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với mức được ghi nhận vào cuối thế kỷ 19. Nhưng một báo cáo từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu tuyên bố rằng thế giới đang trên đà vượt mục tiêu này vào năm 2030 - sớm hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.
“Đây là một điều sinh tồn đối với chúng ta và những gì chúng ta cần là giữ cho nhiệt độ tăng ở mức dưới 1,5 độ C. Ngay cả ở nhiệt độ hai độ C, dự đoán là 99% san hô sẽ chết trên toàn cầu. Đối với Maldives, điều này có nghĩa là chúng tôi mất sinh kế, mất an ninh vật chất, mất đất, mất tất cả”, Khadheeja Sana lo lắng.
Giống như nhiều công dân khác, Aya M Rahil tin rằng tương lai của đất nước cô không nằm ở du lịch bền vững - mà là ở các nhà lãnh đạo thế giới, những người có quyền ban hành sự thay đổi.
"Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ ngay bây giờ và coi đây là tình huống khẩn cấp, bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi - nó sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đây là vấn đề sinh tử", Rahil chia sẻ.