| Hotline: 0983.970.780

Biển Đông, nơi tôi đã từng...

Thứ Sáu 19/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Thi thoảng, những con sóng trong chuyến biển theo ngư dân đánh bắt trên biển Đông quay về dập dềnh trong tâm tưởng, kỷ niệm khó quên trong quãng đời làm báo của tôi.

I.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi bước xuống chiếc tàu cá mang số hiệu BĐ BĐ 94439 TS có công suất 900CV của ngư dân Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) là sự thân thiện giữa 19 thuyền viên đối với tôi, một người chưa hề quen biết.

Chiếc tàu cá đưa tác giả đi theo ngư dân trong 1 chuyến đánh bắt hải sản trên biển Đông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chiếc tàu cá đưa tác giả đi theo ngư dân trong 1 chuyến đánh bắt hải sản trên biển Đông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khi ấy, họ tất bật lắm với những công việc tiếp nhiên liệu, đá lạnh, lương thực; với máy móc, với ngư lưới cụ, nhưng ai nhìn thấy tôi cũng nhoẻn nụ cười tươi rói trên những gương mặt đẫm mồ hôi để thay cho lời chào. Không thể thân thiện hơn, dù tôi với họ chưa một lần gặp gỡ.

Khi biết tôi làm báo, sẽ đồng hành cùng họ trong chuyến biển này, để trải nghiệm đời sống của ngư dân với cái nghề đánh bắt thủy sản trên biển xa, họ càng thể hiện sự quý mến.

Sự quan tâm đầu tiên họ dành cho tôi bằng câu hỏi: “Ông có biết bơi không? Ông có bị say sóng không?”.

Để làm họ an lòng, tôi buộc phải nói dối: “Tôi mà không theo nghề báo thì lúc trẻ tôi đã ở trong đội tuyển bơi lội quốc gia. Còn say thì tôi chỉ biết say rượu say bia chứ sóng thì có chút men nào đâu mà bảo tôi say”.

Cái cách vừa nói vừa cười thể hiện sự tự tin của tôi đã khiến họ tin thật, dù tôi không hề biết bơi và chưa biết mình có bị say sóng hay không.

Bước lên khoang trên cùng, khoang thứ 3, nơi dành cho thuyền trưởng và tài công vận hành con tàu, anh Nguyễn Minh Vương, tài công và cũng là con trai của chủ tàu Nguyễn Văn Ái, sắp xếp cho tôi 1 chiếc giường gỗ đóng theo kiểu giường tầng gắn dính một bên mạn tàu, đó là nơi tôi nghỉ ngơi trong suốt chuyến biển.

Sau khi tôi đặt ba lô lên giường, anh Nguyễn Công Tý, thuyền trưởng, em ruột tài công Nguyễn Minh Vương, dắt tôi lại chiếc tủ gỗ. Khi Tý mở cánh cửa tủ ra, tôi thấy trong ấy có mấy thùng bia Tiger và hàng chục cây thuốc lá.

“Bình thường tụi tui chỉ mang theo rượu để uống giải mỏi sau nhưng mẻ lưới, nhưng chuyến này tàu có khách nên bọn tui sắm bia đãi khách. Trên biển hút thuốc nhiều lắm, tui biết ông có mang theo thuốc lá, nhưng vẫn mua dự phòng để ông không bị “đứt thuốc” giữa chừng”, lời trải lòng của thuyền trưởng Nguyễn Công Tý không khỏi làm tôi xúc động.

II.

Đến giờ tôi còn nhớ như in là bữa cơm đầu tiên tôi ăn trên sóng nước đại dương là vào chiều ngày 20/7/2011.

Đang ngồi trên boong tàu, mắt chong về phía biển xa để nhấm nháp cái cảm giác lần đầu tiên xa đất liền thời gian đến gần cả tháng, thì một ngư dân đột ngột kéo tôi ra về “cõi thực” bằng lời mời có chút bỗ bã nhưng không thể thân tình hơn: “Chắc ông đói lắm rồi chứ gì. Người chưa quen đi biển ngồi trên tàu chừng mấy tiếng đồng hồ là thấy đói liền, tàu lắc qua lắc lại liên tục kiểu này ông không đói mới lạ. Cơm nước xong rồi, ông xuống ăn chớ đói chết đó”.

Bữa cơm ấm áp cùng với 19 thuyền viên trên tàu. 

Bữa cơm ấm áp cùng với 19 thuyền viên trên tàu. 

Khi tôi bước vào khoang tàu nơi bố trí những chiếc giường tầng bằng gỗ cho thuyền viên ngủ nghỉ, tôi thấy mâm cơm đã bày sẵn dưới sàn. Thức ăn vài món đạm bạc, nhưng nồi cơm thì rõ to.

Tôi được bố trí ngồi với tư thế “dựa tường” để có thể yên vị mà ăn cơm. Bởi, sóng biển khiến con tàu liên tục lắc lư, một người “ngoại đạo” với nghề biển như tôi khó mà ngồi vững để cầm chiếc bát và đưa được miếng cơm vào miệng.

Trong suốt bữa ăn, hết ngư dân này đến ngư dân khác, gắp hết món ngon này đến món ngon khác bỏ vào bát của tôi. Ngặt nỗi, lần đầu tiên đi biển tôi thèm ăn cá, nhưng ngư dân cứ bỏ thịt bỏ rau, không tiện nói nên tôi cứ lấy làm ngon.

Sau này tôi mới hiểu, ấy là vì họ quý tôi. Bởi với ngư dân, thịt và rau là những món xa xỉ. Chỉ những ngày đầu của chuyến biển mới được ăn theo khẩu phần lương thực mang theo từ bờ, chứ sau đó thức ăn chỉ toàn là cá.

Đêm 20/7/2011, đêm đầu tiên tôi ngồi dưới bầu trời không thể thênh thang hơn và cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn cả bầu trời sao dày đặc đến vậy. Dường như tầm mắt của con người ở giữa đại dương mênh mông như được mở rộng ra nhiều lắm.

Lúc ấy, toàn bộ ngư dân tập trung trên boong tàu để dõi mắt tìm những khúc cây trôi lềnh bềnh trên biển.

“Cá ngừ sọc dưa thường “dựa bóng” những khúc cây trôi để di chuyển. Mình nhìn thấy một khúc cây nhỏ thôi nhưng phía dưới là cả đàn cá có sản lượng hàng chục tấn”, thuyền trưởng Nguyễn Công Tý “mớm” cho tôi chút kiến thức đầu tiên của nghề lưới vây rút chì.

Tác giả được ăn bữa trứng mực xào với giá đỗ xúc bánh tráng nướng 'ngon nhớ đời' trên biển Đông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tác giả được ăn bữa trứng mực xào với giá đỗ xúc bánh tráng nướng "ngon nhớ đời" trên biển Đông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khuya hôm đó, tôi đang lơ mơ ngủ vì đã “thấm đòn” của sóng biển, bỗng tài công Nguyễn Minh Vương đánh thức tôi dậy cũng với lời mời: “Đêm nay anh em câu được nhiều mực có trứng, món này trong bờ ông có nhiều tiền đến mấy cũng không có mà ăn, ông ráng thức dậy ăn cho biết”.

Lời mời hấp dẫn đến tôi không đừng được, lò dò thức dậy đi ra boong tàu. Mắt tôi như bị hút vào những đĩa mực luộc tươi rói và tô trứng mực được xào với giá đỗ để ở giữa.

Anh em thuyền viên đẩy tô trứng mực về phía tôi, nói: “Mực luộc thì trong bờ cũng có, trứng mực chắc là không, ông cứ ăn thỏa mãn đi, anh em đi biển ăn nhiều rồi”.

Ôi tuyệt, bánh tráng nướng xúc trứng mực xào giá đỗ, làm thêm ngụm rượu, không thể có gì tuyệt hơn. Đêm đầu tiên trên biển Đông của tôi trôi qua trong cảm giác ấm áp và thân tình với những người chưa từng quen biết như vậy đó.

III.

Suốt hơn 20 ngày lênh đênh trên biển Đông cùng với 19 ngư dân trên tàu cá BĐ 94439 TS, tôi được sống trong không khí đại gia đình đoàn kết.

19 ngư dân, mỗi người mỗi quê, mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng khi đã cùng chuyến biển thì tất cả là người một nhà.

Trong 19 thuyền viên đi trong chuyến biển, có người đã hơn 60 tuổi, có người chưa đến 20, thế nhưng khi gặp mẻ cá lớn, phải bủa lưới kéo cá từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, ai ai cũng chung sức với công việc, không hề câu nệ nhau.

Mỗi khi gặp mẻ cá, toàn bộ thuyền viên trên tàu đều lo làm đến quên ăn quên uống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mỗi khi gặp mẻ cá, toàn bộ thuyền viên trên tàu đều lo làm đến quên ăn quên uống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau 5 ngày từ khi xuất bến, tàu của chúng tôi chưa đánh được mẻ cá nào do biển động xô đàn cá đi hết.

Đến ngày thứ 5, do gió "săn" quá, tàu của chúng tôi phải cập vào đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để nấp bão.

Sáng 26/7/2011, gió bớt, tàu chúng tôi rời đảo Đá Tây tiếp tục đi tìm cá. Chạy cách đảo chừng 20 hải lý, tàu để ga chầm chậm dạo quanh biển Đông. Đến 3h20 chiều, 1 gốc cây trôi xuất hiện lềnh bềnh, đó là điểm cá đầu tiên mà biển Đông ban cho tàu chúng tôi trong chuyến biển này.

Mẻ cá ấy thuyền viên trên tàu phải làm từ 4 giờ sáng đến đến tối mịt, một ngày làm việc cật lực. Sau khi lưới được kéo lên hết, cá được gỡ ra bỏ nằm tràn ra boong tàu, ngư dân người thì thu dọn lưới, người thì cho cá vào sọt nhựa để ướp rồi cho vào hầm bảo quản.

Cả ngày hôm ấy bếp nấu trên tàu không đỏ lửa, bởi cả người phụ trách nấu ăn là thuyền viên trẻ tuổi nhất cũng phải phụ công việc ướp cá.

Mừng mẻ cá đầu tiên, hôm ấy chúng tôi mở máy hát karaoke vang biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mừng mẻ cá đầu tiên, hôm ấy chúng tôi mở máy hát karaoke vang biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bữa ăn của các thuyền viên ngày hôm ấy là gói mì tôm đã xé bọc bỏ vào túi quần, ai rảnh tay thì thò tay vào túi quần bẻ miếng mì tôm cho vào miệng nhai. Khát nước thì vốc một vốc đá lạnh đã xay nhuyễn dùng để ướp cá cho vào miệng rồi trệu trạo nuốt như là uống nước.

Thấy tôi say sưa chụp hình, chàng ngư dân trẻ nhất tàu làm nhiệm vụ nấu ăn xé đưa cho tôi gói mì tôm và bày tôi cách ăn. Dễ ợt, bẻ mì tôm khô bỏ vào miệng, vừa nhai vừa chụp hình rồi ngậm đá nuốt thay nước.

Mì tôm khô gặp nước nở ra, cộng với niềm vui gặp mẻ cá đầu tiên đã khiến chúng tôi ai cũng no óc nóc. Đêm ấy, để mừng mẻ cá đầu tiên, chúng tôi bật máy karaoke hát vang biển. Tôi đã có một đêm no nê cảm xúc!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm