| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 05/11/2012 , 10:07 (GMT+7)

10:07 - 05/11/2012

Biển lớn& ao làng

Thông tin về chiếc áo ngực phụ nữ có xuất xứ Trung Quốc chứa những viên thuốc lạ khiến tất cả cùng "nháo nhào"...

Thông tin về chiếc áo ngực phụ nữ có xuất xứ Trung Quốc chứa những viên thuốc lạ chưa xác định được nguồn gốc và tác hại từ tuần trước khiến các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương phải “mở chiến dịch” truy quét, ra quân thu giữ.

Các chuyên gia thì mổ xẻ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cái vật thể lạ này để nghiên cứu, kiểm tra xem nó có hại gì không. Và đương nhiên, một nửa đất nước là các bà, các cô cũng nháo nhào... rạch áo.

Không khó để xác định nguyên nhân khiến dư luận một phen “lên đồng”, đó là chiếc áo nịt ngực này có xuất xứ Trung Quốc. Cũng chẳng phải lý do gì to tát liên quan đến vĩ mô, mà chỉ đơn thuần nó là hàng Trung Quốc giá rẻ. Mà dân gian thường nói, phàm đã rẻ thì khó có chất lượng cao, hàng Trung Quốc là một ví dụ.

Qua lâu rồi cái thời “máy khâu con bướm, xe đạp phượng hoàng, mũ cối Tàu, dép đúc” của Trung Quốc có chất lượng vĩnh cửu. Ngày nay, khi nghĩ đến hàng Trung Quốc, người ta liên tưởng ngay đến chiếc xe máy Loncin đã có thời gian “làm mưa làm gió” ở các vùng quê, rồi đồ điện tử, và cả ngàn thứ đồ chơi trẻ em dịp Trung thu, Tết chất lượng rất tệ.

Tất nhiên, như đã nói, của rẻ là của ôi. Nhưng, ngặt một nỗi, cái “của ôi” đó lại phù hợp với túi tiền, với thu nhập của đại đa số người Việt.

Quay trở lại với chiếc áo ngực phụ nữ chứa những viên thuốc lạ. Ở chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối hàng tiêu dùng vào loại lớn nhất Hà Nội, chiếc áo ngực này cũng chỉ có giá trên dưới 20 nghìn đồng. Nếu lấy tại đầu nguồn hàng, có khi giá chỉ rẻ bằng phân nửa. Một cán bộ ban quản lý chợ Đồng Xuân nói rằng, không chỉ áo nịt ngực, chợ này có đến 80% chủng loại hàng hóa là hàng Tàu, toàn hàng rẻ, và hơn hết, nó phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, được người tiêu dùng chấp nhận.

Chiếc áo nịt nói riêng và hàng Trung Quốc nói chung đang chiếm lĩnh thị trường Việt, từ ngôi chợ lâu đời nhất, lớn nhất ở Thủ đô, cho đến thị trường nông thôn bạt ngàn nhu cầu hàng giá rẻ.

Trong tuần qua, Quốc hội “nóng ran” bởi nhiều ý kiến tâm huyết của các ĐB liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội, đến hàng tồn kho, đến việc khai tử của hơn 50 nghìn DN trong nước. Thế nhưng, có một thực tế là, “sân nhà”, thị trường hàng tiêu dùng rộng lớn, đang bị chính các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước bỏ ngỏ.

Bởi thế mới có thực trạng, DN vẫn cứ “chết” bởi hàng tồn kho không bán được, còn người tiêu dùng thì không tiếp cận được với hàng hóa trong nước. Nói như bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội DN hàng Việt Nam, thì “họ (Trung Quốc) biến sân khách thành sân nhà, biến chợ đầu mối hàng xóm thành chợ cóc nhà mình, biến thị trường hàng xóm thành cái hố rác”.

Thôi thì đành hiểu là các DN Việt đang chỉ quan tâm đến việc bơi ra biển lớn nên chẳng buồn quan tâm đến chuyện lẻ tẻ. Nhưng liệu có thể nói tới chuyện bơi ra biển lớn khi đang chết chìm trong ao làng?