| Hotline: 0983.970.780

Biến nghị định thư thành gậy chỉ huy sản xuất

Thứ Năm 05/01/2023 , 09:53 (GMT+7)

Giá trị của nghị định thư không đơn thuần nằm ở khía cạnh kinh tế, bởi nó còn buộc người sản xuất thay đổi tư duy theo hướng làm việc nghiêm túc và phát triển bền vững.

Cơ hội và thách thức song hành

Nửa cuối năm qua, chúng ta đã nhắc rất nhiều về 4 nghị định thư ký với Trung Quốc. Tại sao như thế? Là vì mỗi nghị định thư giúp định hình và phát triển một ngành mới cho nông sản Việt.

Ví dụ như chuối, loại quả này được xuất khẩu từ rất lâu rồi nhưng sau khi có nghị định thư, từ người trồng đến doanh nghiệp thu mua, chế biến cùng cơ quan quản lý sẽ phải quy hoạch và tổ chức sản xuất lại một cách bài bản và bền vững hơn.

Sẽ không còn chuyện nay trồng mai chặt nữa. Hoặc ngành hàng sầu riêng, nội trong tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc. Ảnh: Đức Minh.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc. Ảnh: Đức Minh.

Nghị định thư giống cây gậy chỉ huy của dàn nhạc giao hưởng. Khi có tín hiệu này, dù muốn hay không, “dàn nhạc” sản xuất bắt buộc phải tuân thủ những quy định về canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phù hợp... Mục đích là để được cấp mã số vùng trồng để đưa được nông sản ra nước ngoài, giúp nâng cao giá trị và lợi nhuận.

Giá trị của nghị định thư không đơn thuần nằm ở khía cạnh kinh tế, bởi nó còn buộc người sản xuất thay đổi tư duy theo hướng làm việc nghiêm túc và phát triển bền vững. Tôi chiêm nghiệm ra điều ấy từ hoạt động thực tế của các sàn giao dịch hàng hóa lớn tại Trung Quốc như Đại Liên, Thiên Tân…

Ở đó, các nhà buôn, các nhà xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có trách nhiệm báo số lượng hàng hóa cần và muốn giao dịch, đặt giá trần và sàn. Tất cả được khớp lệnh vào thứ Tư hàng tuần, rồi chốt giá cho một tuần kế tiếp.

Tất cả thông tin đều công khai, minh bạch, và không bao giờ có chuyện ép giá. Nếu hàng hóa không được chuẩn hóa trong dài hạn, đương nhiên chúng ta không bao giờ được tham dự những sàn như vậy. Mục tiêu nâng cao giá trị nông sản cũng khó lòng đạt được.

Ở góc độ nào đó, nghị định thư giống như chiếc đòn bẩy, truyền động lực làm ăn đến từng bà con. Cán bộ BVTV, khuyến nông dẫu có đi hướng dẫn chán chê cũng không bằng yêu cầu đập vào mắt từ khách hàng. Soi vào ngành hàng sầu riêng có thể thấy rõ điều này.

Dù vừa được Trung Quốc cấp thêm mã số, diện tích sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước bạn chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích gieo trồng. Ngoài 113 mã được cấp vẫn còn khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện thủ tục.

to yen 2

Chế biến yến xuất khẩu sang Trung Quốc tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Rõ ràng, những người trồng sầu riêng trên hơn 80.000 ha còn lại ai cũng muốn được tham gia vào nhóm 3.000ha đã được cấp mã, để có thể ngồi tại vườn chờ doanh nghiệp đến thu mua.

Không thể không nhắc đến những thách thức. Một trong số đó là việc nghị định thư đến dồn dập thời gian qua. Nếu như chuối, sầu riêng là những cây dài ngày và ít nhiều chúng ta có sự chuẩn bị, thì khoai lang thực sự khiến doanh nghiệp phải xoay xở.

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giá khoai lang xuống thấp, bà con nông dân ở nhiều nơi đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đáng lẽ cuối năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu được lô hàng đầu tiên nhưng chúng ta không đủ nguồn hàng, không đủ diện tích gieo trồng để cấp mã số. Một số khu vực, trước đây từng là thủ phủ khoai lang, giờ đối mặt với tình trạng thiếu giống, hoặc giống không đủ tiêu chuẩn.

Vấn đề nữa là tình trạng quản lý mã số vùng trồng. Hiện mỗi địa phương có một quan điểm, một cách làm khác nhau. Có nơi như Gia Lai, khi xây dựng chiến lược phát triển chanh leo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Có nơi lại chờ bà con vào hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, sau đó tiến hành cấp mã rồi mới mời gọi doanh nghiệp.  

Tôi từng được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long chia sẻ là muốn khôi phục và nâng cao năng lực hoạt động cho mô hình HTX. Họ coi việc xây dựng mã số vùng trồng là một công cụ hữu hiệu để HTX phát huy vai trò và thu hút đầu tư.

Tôi cho rằng làm theo cách nào là tùy vào tình hình thực tế của địa phương. Nhưng nếu doanh nghiệp tham gia xây dựng mã vùng trồng từ đầu sẽ tạo ra nhiều điểm lợi, đặc biệt là phát triển những cây trồng ngắn ngày.

Thử hình dung, người dân và HTX đi hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để cấp mã vùng trồng tối thiểu mất vài ba tháng, trong khi một vụ khoai kéo dài độ 5 - 6 tháng là hết. Thời gian chờ duyệt càng lâu, người dân đăng ký mã số sẽ càng sốt ruột bởi họ không thể xuất khẩu nếu trồng loại cây khác với giấy tờ.

Bàn thêm về Gia Lai, tỉnh phấn đấu có 20.000ha chanh leo. Đó là một mục tiêu tham vọng và tôi nghĩ họ sẽ phát triển được diện tích được cấp mã vùng trồng rất nhanh trong tương lai. Nguyên nhân là bởi Chi cục BVTV địa phương trực tiếp hướng dẫn và vận động người dân liên kết với doanh nghiệp. Mỗi hộ gia đình tại đây sở hữu hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta đất, nghĩa là mỗi chủ thể đều đủ tiêu chuẩn cấp một mã số. Cái họ cần, đơn giản chỉ là cơ hội được tham gia các chuỗi liên kết.

Thay vì tận dụng thời cơ, chúng ta tự mua dây buộc mình

Khi Việt Nam ký được 4 nghị định thư, một số tác động không mong muốn đã xảy ra như người dân tự chặt bỏ những cây trồng giá trị thấp, khắp nơi đua nhau trồng sầu riêng, việc kiểm soát giống, dịch bệnh không được sát sao, tình trạng mượn và gian lận mã số vùng trồng xảy ra… Có cảm giác rằng, thay vì đi tận dụng thời cơ, chúng ta lại tự đi mua dây buộc mình, khiến mình trở nên lệ thuộc.

Giống Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, Trung Quốc được xây dựng một chiến lược phát triển thị trường riêng. Tôi từng phát biểu tại nhiều hội nghị, là mọi ngành hàng tham gia cuộc chơi hội nhập kinh tế thế giới đều phải xây dựng và lập kế hoạch phát triển mang tính lâu dài. Ở đó, đã làm là phải theo tiêu chuẩn. Đồng thời cách làm này phải được mở biên cho cả sản phẩm tiêu thụ trong nước thay vì chỉ dồn lực cho xuất khẩu. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, chúng ta nên bỏ dần tập quán sản xuất theo quán tính cũng như bỏ tư duy: Hàng xuất khẩu thì sản xuất theo tiêu chuẩn, còn hàng bán trong nước lại không.

Đã tới lúc, ngành nông nghiệp cân nhắc áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, hoặc thấp hơn là GAP cơ bản do JICA hỗ trợ, trở thành bắt buộc với mọi thành phần tham gia. Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển nông nghiệp theo sản lượng. Giờ là lúc người nông dân cần được tri thức hóa chọn giống sạch bệnh, biết xử lý đất đai, môi trường, hiểu cặn kẽ về hóa chất, phân bón, đồng thời ứng dụng sâu rộng khoa học kỹ thuật… để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Làm được vậy, trước hết là người dân Việt Nam sống khỏe. Thứ nữa là chúng ta xây dựng được quy trình từ gốc. Bởi nếu được sản xuất theo VietGAP, nông sản gần như đủ khả năng bán khắp thế giới. Điều người dân quan tâm chỉ còn là, xuất hàng đi đâu thì tìm hiểu thêm về yêu cầu riêng của thị trường ấy.

img_5662-1448_20220913_455-173343-180920

Các thành viên HTX Cây ăn trái Krông Pắc (Đăk Lăk) phối hợp với phía Trung Quốc kiểm tra vườn sầu riêng. Ảnh: Quang Yên

Ví dụ Trung Quốc thường đòi hỏi thêm việc kiểm soát cơ sở đóng gói, với những yêu cầu không hề ghê gớm như: không được để nông sản chạm đất khi thu hoạch, phải có bạt che nếu vận chuyển nông sản, nhà xưởng đóng gói phải xây tường, vách ngăn chạm nóc, không được để hở… Những thứ này nằm trong tầm tay Việt Nam, nếu doanh nghiệp, HTX và người dân chung tay.

Tổ chức lại sản xuất là điều bắt buộc và những nghị định thư sẽ đóng vai trò chất xúc tác để quá trình này diễn ra nhanh hơn, bài bản hơn. Chẳng hạn, người dân trong thời gian 5 năm chờ sầu riêng trưởng thành và ra quả có thể xen canh một số cây ngắn ngày, hoặc chính quyền có thể vận động người dân trồng khoai lang luân canh, tránh tình trạng không có hàng để bán dù phía bạn đã mở cửa.

Vai trò của doanh nghiệp cần được nâng cao hơn nữa. Nhờ lợi thế về kỹ thuật, tài chính, họ nên được ưu tiên đồng hành cùng người dân ngay từ lúc bắt đầu gieo trồng, thay vì chờ mua nông sản đủ tiêu chuẩn theo giá thị trường vào cuối vụ. Làm vậy không khác thương lái là mấy, chưa kể đẩy bà con nông dân vào thế bấp bênh vì nỗi lo “được mùa mất giá”. Một yếu tố nữa, là tiềm lực của đa số doanh nghiệp trong nước chưa thể so đọ với nước ngoài. Nếu cùng xuất phát một lúc, chúng ta có thể “thua” ngay trên sân nhà.

Công tác tuyên truyền, quảng bá và đào tạo, hướng dẫn, phổ biến kiến thức cũng phải lên một tầm cao mới. Tôi rất mong được tiếp cận hàng ngày với những thông tin mới về chính sách, những cách làm, những mô hình hay, và tin rằng ước muốn ấy thuộc về số đông những người đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cuối cùng là xác định lại không gian phát triển cho từng ngành hàng. Trong những sản phẩm Việt Nam vừa ký nghị định thư, khoai lang và chanh leo được coi là sẽ đánh vào thị trường ngách. Nguyên nhân bởi hai loài này dễ trồng, sản lượng lớn, lại là cây ngắn ngày, chi phí đầu tư trên mỗi hecta khá thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh. Với sản lượng lên tới 1 triệu tấn/năm, chỉ cần có giá bán 12.000-13.000 đ/kg, giá trị xuất khẩu của khoai lang có lẽ không kém gì so với thanh long và chuối.

Chủ động hơn trong giao thương với Trung Quốc

Dựa trên sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy sự phồn vinh và ổn định của biên giới, hỗ trợ xây dựng các cảng biên giới, đồng thời phát triển thương mại biên giới. Các chuỗi công nghiệp, chuỗi dịch vụ xuyên biên giới nhiều khả năng được đầu tư tại các cặp cửa khẩu với Việt Nam.

Việt Nam, với vị trí địa lý nằm sát nách một thị trường, hoàn toàn có thể tận dụng việc này để phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng. Thứ nhất, giúp giảm chi phí vận chuyển nông sản từ Nam ra Bắc, hiện vào khoảng 60-70 triệu đồng/container, thậm chí lên tới 90-100 triệu đồng.

Thứ hai, tăng khả năng tiếp cận thị trường bởi người Trung Quốc có thói quen tiêu dùng rau tươi, trái cây tươi, thịt cá tươi. Nếu thời gian vận chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long sang Quảng Tây chỉ còn hai ngày, chúng ta có thể xem như phát huy trọn vai trò cửa ngõ kết nối ASEAN với đất nước tỉ dân.

Từng có những ý kiến khác nhau về định hướng phát triển giao thương. Nhưng khi nhìn lại các nước Đông Nam Á, chúng ta tự có câu trả lời. Sau khi Lào hoàn thành tuyến đường cao tốc tới Trung Quốc, Thái Lan lập tức thiết lập thỏa thuận để vận chuyển hàng nông sản đi qua Lào rồi sang Trung Quốc. Chắc chắn nhiều quốc gia nhìn thấy lợi ích và sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc khai phát miền Tây nước này.

Cá nhân tôi mong muốn Việt Nam có thể thông tuyến đường sắt cao tốc liên vận với Trung Quốc, bởi qua đó nước ta sẽ kết nối được với Trung Á, châu Âu. Hàng hóa vận chuyển từ Việt Nam sang châu Âu còn chưa đầy 3 tuần, với chi phí vô cùng rẻ so với đường biển và đường hàng không.

Sự cạnh tranh giữa các quốc gia giờ không còn diễn biến ở biên giới vật lý nữa, mà xảy ra trên không gian mạng, trên nền tảng số. Người tiêu dùng đặt hàng từ Thâm Quyến, Quảng Châu qua các sàn thương mại điện tử hiện nhanh không kém gì hàng đặt từ TP.HCM. Đó cũng là cơ hội mới dành cho nông sản Việt nếu đủ sức tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Nó sẽ giúp người dân Lục Ngạn, Bắc Giang có thể không phải sử dụng containter lạnh để vận chuyển vải thiều tới Bắc Kinh nữa, mà chỉ cần dùng thùng xốp và đá cây giống như giao hàng vào miền Nam.

thanh-long-1616_20220403_816-181151-145320_228

Xuất khẩu thanh long (Bình Thuận) sang Trung Quốc.

Giấc mơ ấy thực sự chính đáng khi góp phần tạo ra thế chủ động về giao thương nông sản cho Việt Nam - một đất nước sản xuất, xuất khẩu nhiều mặt hàng lớn nhất, nhì thế giới. Ai từng tham gia ngành hàng chuối đều nắm được điều này khi đưa hàng sang Trung Quốc. Nhu cầu của phía bạn gần như quanh năm. Miễn là chúng ta có hàng hóa đạt chuẩn cả về chất lượng lẫn truy xuất nguồn gốc, họ đều thu mua.

Để có thêm nhiều nông sản rộng đường tới Trung Quốc và thế giới, Việt Nam trước hết cần tránh rơi vào thế bị động, đặc biệt là về mã số vùng trồng sau khi ký nghị định thư. Các bộ, ban, ngành và địa phương cần lập tức chú trọng và có những chính sách thúc đẩy ngành hàng.

Bên cạnh đó, những tổ chức, cá nhân sản xuất loại cây trồng có nghị định thư phải được quyền đăng ký mã số lên hệ thống quốc gia. Trên cơ sở tổ chức lại sản xuất một cách bài bản như tôi nói ở trên, Việt Nam cần khẳng định và có những bằng chứng xác thực về việc tất cả mã số đăng ký trên hệ thống quốc gia đều đủ tiêu chuẩn bán hàng, thay vì chờ cơ chế xin cho, hoặc thấp thỏm đợi nước nhập khẩu phê duyệt hồ sơ.

Từng bước, Việt Nam phải xây dựng hệ thống quản lý quốc gia và tự nâng mình thành người chủ động trong giao thương nông sản. Thay vì làm đối phó, và phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu nước nhập khẩu, chúng ta sẽ chuẩn hóa theo từng nhóm nhó. Ai có đủ năng lực quản lý, giám sát sẽ được tạo cơ chế cho “đi trước”, để người sau nhìn vào noi gương và rút kinh nghiệm. Cứ lần lượt như vậy cho đến khi toàn ngành hàng được chuẩn hóa.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan cần đàm phán nhiều hơn với các thị trường về công nhận song phương. Ví dụ, quy trình chuẩn của Việt Nam là VietGAP và chúng ta có thỏa thuận song phương với Trung Quốc, thì mọi nông sản đạt chuẩn này sẽ đương nhiên được vào thị trường bạn mà không cần kiểm tra thêm về quy cách đóng gói, bao bì.

Việt Nam hiện có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống sang Trung Quốc gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít; 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang; và 2 mặt hàng thí điểm xuất khẩu là chanh leo và ớt tươi. Các nông sản đang được tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi…

Trung Quốc đang đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn, trong đó có chỉ rõ, vùng sản xuất phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...