Phải “làm đúng” trước khi “làm giàu”
Cách đây hơn chục năm, thời điểm chưa ai nghĩ làm kinh tế với trái chuối chứ đừng nói xuất khẩu, vì sao ông lại chọn nó để đầu tư?
"Có ai trồng chuối mà làm giàu không?". Đó là câu hỏi của giám đốc một ngân hàng đặt ra khi tôi đang thuyết trình về dự án trồng chuối ứng dụng công nghệ cao vào năm 2010. Khi ấy, Unifarm vừa được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án đầu tư Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái.
Nhiệm vụ của chúng tôi là phải nghiên cứu, thực nghiệm để tìm ra mô hình trồng trọt cùng công nghệ phù hợp nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Trong các các loại cây trồng được chọn để nghiên cứu, thực nghiệm, chuối là một mô hình còn khá lạ lẫm tại Việt Nam lúc ấy vì ngoại trừ một số hộ dân trồng chuối để tự tiêu và bán chợ, thì chưa có doanh nghiệp nào đầu tư trồng chuối chuyên nghiệp để xuất khẩu cả.
Tuy nhiên, với việc chuối là một loại nông sản luôn có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất trên thế giới (theo FAO), và qua thành công của ngành chuối ở Philippines, tôi tin rằng nếu được đầu tư bài bản, chuối sẽ trở thành một ngành xuất khẩu nông sản lớn tại Việt Nam. Đó là lý do tôi chọn đầu tư vào ngành chuối.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, chúng tôi đã đặt ra phương châm để phát triển ổn định, đó là: Trước khi nghĩ đến chuyện “làm giàu”, phải “làm đúng”. Để thực hiện định hướng này, chúng tôi đã mời gọi các chuyên gia về chuối từ Philippines về Unifarm để cùng phát triển và đào tạo nghề trồng chuối cho đội ngũ kỹ thuật người Việt. Hơn một năm sau đó, lần đầu tiên chuối từ một trang trại của Việt Nam có mặt tại Hàn Quốc và rồi đến Nhật Bản, mang theo rất nhiều hy vọng về việc con tàu vừa khởi hành đã gặp gió xuôi.
Từ câu nói đầy xã giao của đối tác
Ông từng chia sẻ cảm giác “rất không dễ chịu” khi thấy sản phẩm chuối từ Việt Nam luôn được bán sau cùng với giá rẻ nhất tại các phiên đấu giá hàng nông sản, sau khi chuối từ các quốc gia khác đã được bán hết, ông đã làm gì để chấm dứt cái sự không dễ chịu này?
"Chúng tôi chọn mua chuối Việt Nam vì chuối Việt Nam thơm ngon hơn chuối từ các nước khác”. Đây là một câu nói mang tính “xã giao” kinh điển của các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến mua chuối của Unifarm vào thời điểm đó.
Tiếc thay, đó lại là một lời nói xã giao không đúng sự thật. Sau những ngày đầu trăng mật, chúng tôi nhận ra rằng hầu hết những công ty nhập khẩu chuối từ Việt Nam là do muốn khám phá sản phẩm từ vùng trồng mới với giá rẻ, còn lại, về chất lượng, thật khó để tin rằng sản phẩm của một quốc gia vừa làm quen với nghề trồng chuối lại có thể thơm ngon hơn sản phẩm từ những quốc gia có vài chục đến hàng trăm năm trồng chuối chuyên nghiệp như Philippines tại Đông Nam Á hay Ecuador ở Nam Mỹ.
Tôi đã từng “ăn dầm nằm dề” ở chợ đầu mối nông sản Seoul, Hàn Quốc hay nhiều lần đến các siêu thị ở Tokyo để nhận ra một sự thật là “không ai biết chuối của Việt Nam và của Unifarm như thế nào”. Và chúng tôi hiểu rằng mình sẽ phải mất nhiều thời gian để nâng cao hình ảnh chuối Việt Nam trong tâm thức người tiêu dùng ở các thị trường khó tính này.
Chúng tôi xác định chỉ có thể vượt qua khó khăn trên bằng con đường duy nhất là kiên trì với định hướng về chất lượng sản phẩm, bao gồm việc đáp ứng đúng quy cách, mẫu mã, độ brix (độ ngọt), tuân thủ tuyệt đối các quy định về thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và yêu cầu của khách hàng về việc kiểm soát dịch hại, dư lượng thuốc.
Về công tác tiếp thị, chúng tôi kết hợp với khách hàng của mình triển khai các chiến dịch truyền thông ở các quốc gia trên để tạo sự thân quen của chuối Việt với người tiêu dùng. Vài năm sau đó, Unifarm được Dole, tập đoàn số một thế giới về chuối chọn làm đối tác độc quyền để bán chuối mang nhãn Dole tại Việt Nam và xuất khẩu chuối Dole, Unifarm đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…
Bên cạnh nỗ lực về truyền thông, việc sản phẩm chuối do Unifarm trồng sử dụng nhãn Dole cũng góp phần cho người tiêu dùng ngày càng quen thuộc, tin tưởng hơn về chất lượng của sản phẩm chuối Unifarm nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đến lúc này, anh giám đốc ngân hàng năm xưa đã có thể tự trả lời cho câu hỏi của chính mình.
Sau hơn chục năm nỗ lực không mệt mỏi, đến nay, vị thế của chuối Việt Nam đã được cải thiện đáng kể ở các thị trường khó tính nói trên. Khoảng cách về giá chuối Việt Nam và Philippines hay Ecuador không còn lớn như trước. Ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản… tìm đến các công ty chuối ở Việt Nam để đặt vấn đề mua hàng trực tiếp với giá tốt hơn.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu của ngành chuối Việt Nam?
Xuất khẩu sản phẩm chuối Việt Nam đang khởi sắc và tương lai còn phát triển mạnh nếu chúng ta kiên trì đi theo con đường chất lượng. Thời điểm năm 2010, thật khó để tìm thấy một doanh nghiệp trồng và xuất khẩu chuối như Unifarm, nhưng tại thời điểm năm 2022, số lượng doanh nghiệp và trang trại trồng chuối nhiều không đếm xuể.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích chuối cả nước hiện nay vào khoảng 154.000ha với sản lượng hơn 2,3 triệu tấn (chiếm khoảng 14,5% về diện tích cây ăn quả cả nước).
Nếu như kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 260 triệu USD thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đã đạt gần 390 triệu USD, tăng gần 63% so với cùng kỳ 2021.
Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), hiện nay Việt Nam là nhà xuất khẩu chuối lớn thứ 6 cho thị trường này. Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng chuối xuất khẩu đạt 2,9 nghìn tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tăng 13,6% về lượng và 48,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Tại thị trường Nhật Bản, 8 tháng đầu năm 2022, sản lượng chuối Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này đạt 5,7 nghìn tấn, trị giá 687,9 triệu yên (tương đương 4,6 triệu USD), tăng 20,1% về lượng và 37,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2021.
Đối với thị trường Trung Quốc, theo Cục Bảo vệ thực vật, sản lượng chuối xuất sang Trung Quốc liên tục gia tăng qua các năm, từ 430.000 tấn năm 2020, 574.000 tấn năm 2021 đến 591.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng chuối Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc chiếm 43% tổng sản lượng, vượt qua Philippines (28%) và Ecuador. Giá chuối xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc dao động khoảng 0,5-0,6 USD/kg, tương đương giá chuối của Philippines và Ecuador.
Cơ hội để ngành chuối Việt Nam vươn cao và xa còn tiếp tục mở rộng với việc Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Qua đó, đảm bảo việc xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc ổn định, bền vững hơn, góp phần giúp ngành chuối của Việt Nam ngày càng gia tăng thị phần và khẳng định giá trị tại thị trường tỉ dân này.
Chịu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành, ông có chia sẻ gì để sản phẩm chuối Việt Nam ngày càng phát triển cả chất và lượng, giữ vị trí ổn định trên các thị trường khó tính?
Hiện nay ngành trồng chuối tại Việt Nam đang phân chia thành hai trường phái rất rõ ràng: một là trồng theo quy trình kỹ thuật của Dole và Unifarm với sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật đến từ Philippines và thị trường chính là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trường phái thứ hai là các đơn vị chú trọng vào việc xuất khẩu vào Trung Quốc với tiêu chuẩn chất lượng ít khắt khe hơn.
Thông thường, tùy vào yêu cầu thị trường mà các doanh nghiệp hoặc trang trại có quyền sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay sản phẩm chuối được nhập khẩu vào Trung Quốc không phải lấy mẫu để phân tích và đánh giá dư lượng như các thị trường khác, mặc dù Trung Quốc có ban hành danh sách dư lượng tối đa được cho phép trên thực phẩm.
Điều này có thể khiến nhiều nhà trồng chuối có khuynh hướng dùng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng thiếu kiểm soát. Thế nên, dù phía nhập khẩu có kiểm tra dư lượng trên sản phẩm hay không, thì trách nhiệm của người trồng là phải cam kết và chịu trách nhiệm về sức khỏe cho người tiêu dùng của mình.
Xin cảm ơn ông!
"Không có một con đường nào dẫn đến sự suy tàn của một ngành nhanh bằng việc phát triển ồ ạt về số lượng nhưng không kiểm soát được chất lượng. Việt Nam cần sớm có Hiệp hội nghề chuối để tập hợp các doanh nghiệp và trang trại trồng chuối lớn, cùng chia sẻ quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và các quy tắc ứng xử về đạo đức nghề nghiệp, để người nông dân luôn ý thức được về việc đã là thực phẩm thì phải an toàn. Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển ngành chuối, đặc biệt là để chinh phục thị trường Trung Quốc, nhưng để phát triển ổn định và bền vững thì cần phải chú trọng cả lượng và chất”, ông Phạm Quốc Liêm.