Theo ông Nguyễn Thiện Hoàng, nhiều chủ trang trại, người chăn nuôi hầu như chưa hiểu đầy đủ về hội chứng Orosthenic, còn được gọi là lăn lưỡi, một hành vi ở bò được đặc trưng bởi chuyển động lặp đi lặp lại của lưỡi vào và ra khỏi miệng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này do chán nản ở gia súc bị nhốt, chế độ ăn ít chất xơ, khuynh hướng di truyền, thiếu kích thích môi trường, hành vi bất thường ở miệng, căng thẳng và thất vọng, chỉ số phúc lợi kém, thời gian nhai lại thấp, lượng nước uống vào cao, sản lượng sữa cao, thiếu khoáng chất (phốt pho, canxi,...).
Theo ông Nguyễn Thiện Hoàng, chúng ta cần đề cập đến nội dung Phúc lợi động vật (Animal welfare) theo nghĩa chung nhất là một thuật ngữ đảm bảo trạng thái tốt (well-being) về thể chất và tinh thần của con vật, đó còn là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt, tránh những đau đớn không đáng có cho dù con vật đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, động vật hoang dã bị nuôi nhốt hay kể cả việc giết mổ.
Các phúc lời động vật có liên quan đến tinh thần, thể chất và khả năng biểu hiện tập tính tự nhiên của vật nuôi trong hệ thống chăn nuôi. Dưới sự kiểm soát của con người, phúc lợi động vật gồm 5 điều kiện được gọi là “5 không" được đưa ra dựa trên tập tính sinh hoạt của vật nuôi bao gồm: không bị đói khát, không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật, không bị khó chịu, không bị sợ hãi và căng thẳng, không bị hạn chế các tập tính tự nhiên (Tự do thể hiện các hành vi bản năng). Nếu không thỏa mãn được các nội dung nói trên sẽ được hiểu rằng là trang trại đó cỏ chỉ số phúc lợi kém.
Để giảm tình trạng lăn lưỡi ở gia súc, ông Nguyễn Thiện Hoàng nhấn mạnh, các chủ trang trại, người nuôi bò cần thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý một cách bài bản, khoa học.
Theo đó, cần cung cấp đủ chất xơ, đảm bảo gia súc nhận đủ chất xơ trong chế độ ăn thông qua cỏ khô hoặc thức ăn ủ chua chất lượng cao, có xơ trung tính hiệu quả eNDF (NDF là thành phần xơ trung tính trong khẩu phần của các loài gia súc nhai lại và có khả năng ảnh hưởng lên mức ăn và tỉ lệ tiêu hoá).
Tăng cường kích thích dạ cỏ, bổ sung thêm như natri bicarbonate hoặc magiê oxit vào khẩu phần để hỗ trợ hệ đệm (buffer). Cải thiện phương pháp cho ăn, tránh cho ăn quá nhiều thức ăn tinh và đảm bảo chế độ ăn cân bằng thô xanh và tinh.
Tăng cường làm giàu môi trường, cung cấp chổi gãi ngứa hoặc bằng các hình thức môi trường khác để giảm căng thẳng và buồn chán. Tăng lượng nước uống vào, đảm bảo cung cấp đủ nước trong lành sạch mát mới để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Giảm căng thẳng, các tác nhân gây căng thẳng như tình trạng quá đông đúc, tiếng ồn lớn hoặc thay đổi đột ngột về khẩu phần hoặc môi trường vật nuôi. Cung cấp đủ không gian trong chuồng đảm bảo bò có đủ không gian để di chuyển thoải mái và thực hiện các hành vi tự nhiên.
Theo dõi và giải quyết các vấn đề sức khỏe, kiểm tra thường xuyên các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và giải quyết kịp thời. Kiểm tra nhai lại của cá thể trong phần mềm Dataflow 2 (đây là phần mềm do Công ty SCR/MSD cung cấp cho các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao nhằm quản lý đàn, quản lý phát hiện động dục và quản lý sức khỏe của từng cá thể bò sữa).
Bằng cách thực hiện các biện pháp này, người chăn nuôi, chủ trang trại có thể giúp giảm hành vi cuộn lăn lưỡi ở bò và thúc đẩy phúc lợi chung của chúng.
Được biết, ông Nguyễn Thiện Hoàng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2003, với vai trò là Trưởng Đại diện của Plastro Asia Pacific tại Việt Nam chuyên về các giải pháp tưới công nghệ cao.
Năm 2008, cơ duyên đến với lĩnh vực chăn nuôi bò sữa với ông Hoàng bắt đầu từ thời điểm ông làm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sữa Cho Tương Lai, kiêm Giám đốc Nhà máy cám Maxifeed tại Tuyên Quang năm 2012.
Sau đó, ông Nguyễn Thiện Hoàng sáng lập Công ty TNHH Dairy Việt Nam và thực hiện các dự án trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao toàn quốc cho các Công ty sữa hàng đầu Việt Nam như Vinamilk, TH true milk, Công ty Cổ phần Hồ Toản, Nutifood, Đà Lạt Milk, Mộc Châu Milk cùng các trang trại khác với tâm nguyện mang lại các giải pháp chăn nuôi công nghệ cao mang lại hiệu quả bền vững cho các trang trại.