| Hotline: 0983.970.780

Biên phòng Quảng Đức những ngày ‘không nghỉ phép’

Thứ Tư 01/04/2020 , 10:37 (GMT+7)

Những ngày này, các chiến sĩ đồn biên phòng Quảng Đức (Quảng Ninh) liên tục thực hiện nhiệm vụ kiểm soát người, phương tiện đi qua đường mòn biên giới.

Bài học đầu tiên

Nhận lệnh từ Học viện Biên phòng, Nguyễn Cường Phú (22 tuổi), học viên K50 cùng 20 người bạn khác được cử đến hỗ trợ chiến sĩ đồn biên phòng Quảng Đức (Hải Hà - Quảng Ninh) phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khác xa những bài học trên ghế nhà trường, môi trường đầu tiên Phú trải qua tại đây càng khiến anh trở nên quyết tâm trở thành một cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng.

Cách đây 2 tháng, khi biết bản thân nhận nhiệm vụ tại đồn biên phòng Quảng Đức, Phú tìm kiếm vị trí của đồn biên phòng này trên “Google map”, nhưng không thể tìm thấy lộ trình, anh giật mình vì thấy vị trí của đơn vị nằm ở tận cùng heo hút ngoài đảo khơi. Trước khi đi, được nghe các thầy làm công tác tư tưởng, Phú nhận nhiệm vụ trong lòng nhiều cảm xúc hồ hởi, phấn khởi, nhưng không khỏi lo âu. Chàng chiến sĩ trẻ nhiều lần đối mặt với nỗi sợ của bản thân trước khi vượt qua những khó khăn, trải nghiệm của một cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng thực thụ.

Ngày đầu tiên đến với đồn biên phòng ở một miền núi heo hút, từ con đường đất lấm lem bùn đến làn sương bảng lảng sau triền núi đều khiến Phú cảm thấy xa lạ. “Mặc dù học trên lớp, chúng tôi vẫn biết rõ nhiệm vụ là gắn bó với biên giới và các cánh rừng, nhưng nhiêu đó thôi là chưa đủ, chỉ khi đến đây, tôi mới thấy tất cả mường tượng về công việc này hoàn toàn phiến diện”, Phú chia sẻ.

Các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Quảng Đức thực hiện tuần tra khu vực biên giới. Ảnh: Anh Thắng.

Các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Quảng Đức thực hiện tuần tra khu vực biên giới. Ảnh: Anh Thắng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chưa bao giờ có mùa đông (Kiên Giang), Phú nhiều lần rùng mình bởi cái lạnh thấu xương. Tại đây, Phú học cách quen với muỗi rừng, vắt rừng bâu kín chân trong mỗi lần cùng các đồng đội tuần tra dọc biên giới. Có hôm trời rét căm căm, Phú nhận nhiệm vụ kiểm soát mốc quốc gia. Trên đường đi, một người phụ nữ dân tộc Dao đội trên đầu chiếc mũ kỳ quặc với khuôn mặt nhợt tái bất ngờ xuất hiện khiến anh không khỏi bàng hoàng. Tiếp xúc với bà con dân tộc thiểu số, Phú được người dân chào hỏi bập bẹ tiếng phổ thông.

Mỗi chốt mà Phú và các đồng đội đang thực hiện có thêm nhiệm vụ ngăn chặn, tuyên truyền bà con không được di chuyển qua lại khu vực biên giới. Mới đầu người dân còn tỏ ra không cần thiết, thế nhưng một thời gian được bộ đội khuyên nhủ nhiều cũng đã hiểu. Bài học đầu tiên mà các chiến sĩ Đồn biên phòng Quảng Đức khuyên Phú là nên học thêm tiếng dân tộc cho quá trình công tác sau này, việc giao tiếp cùng một ngôn ngữ sẽ tạo cho người dân thiện cảm, dễ dàng hợp tác.

“Bộ đội đến nhà nghe dân nói, giúp dân làm, còn biết cả tiếng dân tộc, nên người dân tôn trọng và nghe lời lắm. Trước đây tôi học ngoại ngữ đã phải tốn rất nhiều thời gian, nay thấy đồng đội nói tiếng dân tộc như người bản địa càng làm tôi thêm tự hào về công việc của những người lính”, Phú tâm sự.

Nhiệm vụ chính của Đồn biên phòng Quảng Đức nói chung và các chiến sỹ như Phú nói riêng thời điểm này là ngăn chặn người qua lại biên giới để phòng tránh Covid-19, cũng như tổ chức cách ly đối với những người trong diện nghi nhiễm. Nhiệm vụ nặng nề, đối tượng là bà con dân tộc thiểu số sẽ khó có khả năng tiếp cận nhiều trang thiết bị y tế, cũng như hạn chế hiểu biết trong quá trình bố trí cơ sở cách ly.

Do đó, các chiến sỹ biên phòng xác định, trước mắt là phải để người dân tự hiểu về sự nguy hiểm của dịch bệnh, sau đó mới khiến người dân thay đổi thói quen di chuyển. Cũng vì lý do này, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát, nhiều chốt của chiến sĩ được dựng ngay khu dân cư, đảm bảo không để bỏ sót bất kỳ khu vực nào, các cán bộ chiến sĩ cũng đến từng nhà để đo thân nhiệt cho người dân.

Những chiến sỹ “không ngày phép”

Tắm, rửa trước khi nhận nhiệm vụ phân công ca trực kiểm soát cư dân dọc đường biên là việc đầu tiên mà các chiến sĩ, cán bộ Đồn biên phòng Quảng Đức thực hiện.

Chốt kiểm soát xa nhất được bố trí cách trung tâm xã hơn 1 tiếng đi ô tô, quãng đường khúc khuỷu ôm trọn bản Văn Tốc, xã Quảng Đức. Những ngày này, thời tiết ở bản Văn Tốc có nhiệt độ trung bình không quá 12 độ C, các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã phải hy sinh rất nhiều để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Anh Tùng, một chiến sĩ bộ đội biên phòng đang trong ca trực nhẩm tính đã 45 ngày trời không ngừng mưa. Trong khi đợi đồng đội đến chốt thay ca trực, anh tiếp tục hoàn thành nốt số công việc còn dang dở, ghi lại những khu vực trọng yếu, hoặc chụp hình nhận dạng các đối tượng tình nghi có thể vượt biên vận chuyển hàng hóa trái phép. Một chiến sĩ khác cùng kíp trực với anh Tùng vội vã đem chăn, đệm ra ngoài dây phơi hong gió, vớt vát chút khí trời để đồng đội ca sau có chỗ nghỉ ngơi thoải mái.

Các lán trại của cán bộ chiến sĩ đa phần ở nơi hẻo lánh, ngoài chốt chính được xây dựng bằng tôn đủ kê 1 tấm phản thì khu vực bản Văn Tốc còn nhiều chốt phụ khác được thành lập thêm. Một chốt được mượn tạm từ hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao, do tập quán di cư nên căn nhà này tạm thời không có người ở. Bộ đội dọn đến, sinh hoạt và nghỉ ngơi chính tại đây.

Chốt sinh hoạt trưng dụng này được chủ cũ xây dựng cẩu thả, tường nhà làm bằng vài thanh nứa đan hờ chừa nhiều kẽ hở, mái nhà được lợp bằng một lớp nứa đan tương tự, lót bên trên là tấm bạt xanh. Để tránh mưa gió có thể hất tung bất cứ lúc nào, nhiều viên đá to bằng cả vòng tay được xếp lên mái làm lực cản. Trong lán nhiều vật dụng cũ đều được tái sử dụng, từ bếp củi cho đến vòi nước liên tục chảy từ thượng nguồn.

Phòng nghỉ của một chiến sĩ trong chốt sinh hoạt được tái sử dụng từ hộ dân di cư. Ảnh: Anh Thắng.

Phòng nghỉ của một chiến sĩ trong chốt sinh hoạt được tái sử dụng từ hộ dân di cư. Ảnh: Anh Thắng.

Anh Bùi Văn Tảo, quân nhân chuyên nghiệp Đồn biên phòng Quảng Đức chia sẻ: Từ khi có dịch Covid-19, công việc của chúng tôi cũng không thay đổi quá nhiều, vẫn là hoạt động tuần tra biên giới, nhưng ở mức độ cảnh giác cao hơn. Đặc biệt là sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn nhưng anh em đồng đội vẫn luôn cố gắng từng ngày hoàn thành công việc được cấp trên giao phó.

“Nếu như trước đây có thể xin nghỉ phép để về nhà thăm vợ con, thì nay anh em đều tự nguyện không nghỉ phép. Công việc bận rộn, và các cuộc điện thoại về gia đình cũng trở nên ít hơn, bản thân thì không thấy vất vả, nhưng những lúc nghỉ trực, thì lại thấy thương vợ, thương con nhiều hơn”, anh Tảo nói.

Sau một ngày làm việc vất vả, các cán bộ, chiến sĩ vừa kịp bắc lên bếp nồi mì, vội vàng ăn cho qua bữa, chẳng mấy bận tâm đến muỗi và vắt rừng.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.