| Hotline: 0983.970.780

Biển rộng dài Thanh Hóa ngại chi đâu!

Thứ Hai 07/11/2022 , 05:45 (GMT+7)

Có người nói, thế kỷ 21 là thế kỷ đại dương, ai có đại dương, người đó có tất cả. Biển là hiện tại, biển là quá khứ, hơn hết, biển là tương lai.

Trước ngày trở thành “hưu sỹ”, tôi về quê, xứ cồn chông bãi cát, mua đất, dựng căn nhà, lấy lối đi về và có nơi chốn bạn bè qua lại. Nhà tôi hướng gió nồm, bước ra cửa là cát, là nắng và gió. Đêm đêm gối đầu lên sóng, lắng rung biển mà đoán định nguồn cơn chớp bể mưa nguồn. Nhiều hôm cảm giác như sóng tràn qua cửa sổ, sóng ùa vào không gian bữa ăn, sóng len vào giấc ngủ.

Xứ Thanh danh phận ngót nghìn năm

Buổi sáng, tôi có cả bình minh hào hển, gió đại dương tinh khôi tràn lồng ngực; và buổi đêm, vào mùa trăng, ngất ngây với ánh trăng dát vàng dát bạc trên mặt biển…

Những người bạn thân từ xa ghé thăm nói tôi là kẻ giàu, biết nhìn xa trông rộng. Này nhé, cả nước gần 100 triệu dân, có hơn 3.200 cây số bờ biển, riêng tôi “chiếm cứ” 20m! Này nhé, thế kỷ 21 là thế kỷ đại dương, ai có đại dương, người đó có tất cả. Vân vân. Họ “bình luận” thế.

Bien sam son

Bãi biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Biển là hiện tại, biển là quá khứ, hơn hết, biển là tương lai.

Thử nhìn vào thế giới quá khứ và hiện tại: Biết bao cuộc chiến tranh, xung đột dai dẳng và khốc liệt xảy ra chỉ vì tranh giành một khoảnh biển, một cửa ngõ ra đại dương, thậm chí một hòn đảo tịnh không bóng người. Nhiều quốc gia, vùng đất ngày nay trở nên phát triển, thành nơi đáng sống, thành xứ sở của những giá trị khác biệt, vốn một thuở chưa xa là làng chài, bãi ngang, cửa vịnh, hoang hoải và nghèo nàn… 

Tôi nghĩ về quê tôi, xứ Thanh.

Một thời người ta tếu táo đùa cợt quê tôi là “quốc gia riêng”, là “tỉnh to”. Tỉnh to mà không mạnh, mà nghèo, chỉ quẩn quanh với thế mạnh “8 chữ L”. Là luồng, lim, lát. Là lúa, lang, lợn, lạc. Là…

Có thế, nhưng không phải thế, đâu phải thế!

“Xưa Thanh Hoa mà nay là Thanh Hóa”, xứ Thanh thành danh thành phận ngót nghìn năm. Có núi có rừng, có đồng bằng, có sông có biển. Núi cao, sông sâu. Rừng miên man, thăm thẳm. Biển khoáng đạt, hào phóng. Cảm hứng đùa cợt tếu táo và thói chơi chữ khiến người ta chỉ nhìn ra cái bề nổi để chọc cười mà quên mất thế mạnh rất khác biệt của vùng đất “hậu phương ngàn đời”, “phên giậu vững chãi”, từng sinh ra lớp lớp hào kiệt “bốn lần cứu quê hương thoát ách giặc Tàu” (Thơ Trần Mạnh Hảo).

Thế mạnh rất khác biệt ấy là biển.

Chưa nói biển là giao thương, cửa ngõ ra đại dương, đường ra thế giới…

Chưa nói biển là kho thực phẩm vĩ đại quý giá, là nguồn tài nguyên, nguồn năng lượng tái tạo vô tận cho tương lai…

Chưa nói biển là yếu huyệt và tử huyệt trong mọi cuộc giao tranh sinh tử vì chủ quyền lãnh thổ, vì danh dự quốc gia…

Hãy nói về biển ở góc nhìn du lịch biển.

Sở hữu hơn 100 cây số chiều dài, trải dài suốt dải đất Bắc Trung bộ, bờ biển xứ Thanh hội đủ những điều kiện tiên quyết để trở thành bãi tắm, khu sinh thái, khu nghỉ dưỡng bốn mùa. Đó, không chỉ “3S”, như đúc kết của các nhà sinh thái học, du lịch học, với sun - mặt trời, sea - biển, sand - bãi cát, mà còn yếu tố “S” thứ tư, đó là serenity - yên bình. Tài nguyên đấy, thế mạnh đấy, thứ vàng mười hiện hữu, tái tạo, là đấy!

Tôi ngồi gõ những dòng chữ bài viết này ngay mảnh vườn trước ngôi nhà trên đất quê, mặt hướng về phía gió đông vào ngày giữa tháng 9, cũng là giữa mùa thu năm 2022. Giữa mùa thu, nhiệt độ trong ngày trên dưới 30oC, gió mát lành, nền trời xanh nhạt, nước biển màu lam ngọc, tương phản mà hòa quyện với bãi cát vàng thau xốp mịn.

Phía trước nhà tôi là những bến chài, trừ ngày mưa bão, sớm hôm khuya tối bè mảng ra khơi vào lộng, xôn xao tiếng dân chài… Mùa này biển nhiều ngày lặng nhất trong năm, những người đàn ông thỏa sức "Khỏa thân đẩy kheo trần lưng kéo lưới/ Chân dầm cát sớm mai chiều tối/Hít hà hơi thở đại dương…". Mà tiếc. Vì biển xanh thế, trời trong thế, mà bờ cát mênh mông chỉ có sóng và gió ghé chơi. 

Tôi có người bạn thời học cấp 3. Là dân dầu khí, mấy chục năm ăn ngủ với đại dương, về hưu, anh định cư nơi thành phố Vũng Tàu. Vài ba năm lại đây, mỗi lần về quê anh đều ghé tôi, để được tếu táo năm ba câu chuyện, rồi thỏa sức bơi lội, và cái chính là được tắm nắng gội gió, hít hà khí hậu đại dương. Có lần anh dựng lều vải trên bờ cát sát chân sóng, thở, và ngắm trăng, đếm sao. Anh có một nhận xét khiến tôi phấn chấn: Từ cảm nhận của anh, nguồn năng lượng biển quê tôi mạnh và lành. Anh từng có ý định mua một lô đất, dựng căn nhà hướng sóng, đưa bà mẹ tuổi chạm 90 xuống dưỡng già!

Có lẽ nào chỉ tư duy biển là dành cho mùa hè. Đi biển chỉ để tắm! Nếu chỉ có thế thì thật lãng phí biển. Bởi cái không gian mênh mông, thanh sạch, khoáng đạt ấy bản thân nó đã mang một năng lượng sống mạnh mẽ mà con người có thể tận hưởng bốn mùa. Biển mùa hè cuốn hút bằng vẻ rạng rỡ náo hoạt. Biển mùa đông thì hấp dẫn bằng sự trầm mặc sâu thẳm. Thậm chí, biển ngày bão cũng có vẻ đẹp bùng nổ trong sự cuồng bạo. 

Nghĩ về biển xứ Thanh

Trong số 102 cây số mặt biển, hơn một nửa là biển bãi ngang cách xa cửa sông cửa lạch, đều có thể trở thành những khu resort, những bãi tắm tuyệt vời. Cách đây mấy mươi năm, Sầm Sơn chỉ là một thị trấn khiêm nhường thuộc huyện Quảng Xương. Rồi tách ra, mở mang thành thị xã, rồi thành thành phố, nở nang hết cỡ, lên phía bắc, xuống phía nam, về phía tây. Thế mà mùa hè này, sau 2 năm bập bùng đại dịch covid-19, du khách như được tháo cũi sổ lồng, “xõa” hết cỡ, và Sầm Sơn đã trở nên chật chội.

Nguyên thủy, Sầm Sơn là những làng chài nằm kẹp giữa Cửa Hới và dải Trường Lệ - cống Đơ. Giờ đã là đô thị biển hiện đại hướng biển, hài hòa cùng không gian sinh tồn lâu đời của cư dân miền biển. Từ bây giờ đã có thể hình dung sắc nét về diện mạọ, tầm vóc Sầm Sơn trong năm, mười năm tới, khi những dự án của những tập đoàn kinh tế lớn trong nước hoàn thành và đi vào hoạt động.

Một Sầm Sơn đa dạng loại hình không chỉ dịch vụ nghỉ dưỡng cùng một Sầm Sơn kết nối với “Sa Pa tỉnh Thanh” tức Pù Luông (Bá Thước), Bến En (Như Thanh), nước khoáng Quảng Yên (Quảng Xương), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Lam Kinh (Thọ Xuân), suối cá thần (Cẩm Thủy) …

Một Sầm Sơn hút du khách không chỉ mùa hè, mà quanh năm, mùa thu, mùa xuân, và cả mùa đông nữa. Đừng như bây giờ, mỗi năm biển chỉ đông vui một “vụ” hè. Rồi 3 mùa còn lại, biển đìu hiu. Một sự lãng phí không gian biển đến tức giận.

Từ bài học phát triển đô thị biển Sầm Sơn, có thể nhìn ra diện mạo tương lai của những tiểu đô thị biển trên chiều dài ngót trăm cây số biển, từ Nga Sơn, Hậu Lộc đến Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia… Một Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia), Tiên Trang (Quảng Xương), biết đâu đấy, sẽ là hạt nhân cho đô thị biển tầm vóc, đa dạng, khác biệt trong tương lai gần, nếu nhà quản lý biết nhìn xa trông rộng, biết lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển.

Lợi thế du lịch biển không đâu bằng xứ Thanh. Từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ về các điểm du lịch biển thong dong một buổi đường. Một mai thông tuyến cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa, khoảng cách địa lý càng ngắn lại, thời gian, không gian tiếp nhận năng lượng biển tăng lên. Chẳng lý do nào người dân Thủ đô, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng núi phía bắc muốn thể hiện tình yêu biển lại không chọn đường về xứ Thanh!

Cứ lang cứ lúa cứ lợn cứ lạc…

Cứ luồng cứ lim cứ lát…

Nhưng đột khởi, đột phá phải là dịch vụ từ không gian biển.

Tôi yêu bài thơ có tên Thanh Hóa của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Bài thơ có hai câu kết:

“Sông linh hiển đất Ngựa lồng Trâu húc

Tổ quốc còn Thanh Hóa sợ gì đâu”

Từ tình yêu biển, kỳ vọng về sức mạnh năng lượng biển, tôi xin phép nhà thơ cải câu cuối, thành:

Biển rộng dài Thanh Hóa ngại chi đâu!

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.