Ngày 4/4/2024, tại Long Xuyên, An Giang, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Sở NN-PTNT An Giang tổ chức Hội thảo giới thiệu Quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bà Joanna Kane Potaka, Phó Tổng Giám đốc IRRI; đại diện các nhà tài trợ và đối tác tham gia Dự án; các Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT; các Viện, Trường, Hiệp hội, Doanh nghiệp tư nhân, Hợp tác xã; các chuyên gia, tổ chức quốc tế như World Bank, Tổ chức hợp tác phát triển Đài Loan, Đại sứ quán New Zealand, FAO… các Sở NN-PTNT 12 tỉnh ĐBSCL tham dự.
Phát hành Sổ tay hướng dẫn Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt trình bày Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác lúa bền vững và hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hùng, nhà khoa học cấp cao IRRI giới thiệu về quy trình và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Quy trình bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa, gồm: kỹ thuật canh tác, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch và quản lý rơm rạ.
Các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng Đề án, với mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng phát thải.
Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị IRRI, nhấn mạnh: “Hơn 60 năm qua IRRI đã luôn đồng hành và hỗ trợ có hiệu quả cho Việt Nam phát triển ngành lúa gạo. Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp theo tôi được biết là chương trình đầu tiên trên thế giới có quy mô và cách tiếp cận như chương trình này của Việt Nam, tức là sản xuất lúa chất lượng cao đồng thời phát thải thấp.
Chúng tôi thấy rất rõ Chính phủ, Bộ NN-PTNT, và các địa phương vùng ĐBSCL quan tâm và quyết tâm thực hiện. Chúng ta đã có từng bước triển khai rất tích cực; tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề về kỹ thuật, về chính sách và thị trường cần được giải quyết để tạo ra động lực khuyến khích và hỗ trợ bà con nông dân với hơn một triệu hộ tham gia, cùng với đó là một lực lượng đông đảo các doanh nghiệp, do vậy rất cần sự chung tay hỗ trợ của tất cả các bạn cho nhà nước, địa phương và nông dân.”
Kết luận Hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra là phối hợp thực hiện đề án như thế nào? Rất mong các tổ chức quốc tế phối hợp tập huấn cho nông dân để triển khai Đề án đạt hiệu quả cao nhất. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương cần tham gia tích cực vào Đề án.”
Bình Điền đồng hành cùng nông dân
Bằng việc tổ chức Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL từ gần 10 năm qua, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã đóng góp ý tưởng cho ra đời Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NN-PTNT.
Ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền nói: “Với phương châm luôn là người bạn đồng hành của nhà nông, Bình Điền sẽ tham gia tích cực đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ.
Đề án yêu cầu phải giảm được từ 30% lượng phân bón, đã thúc đẩy doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu, cho ra những sản phẩm phù hợp. Ngay trong các chương trình liên kết, liên doanh với các đối tác, Bình Điền đã đáp ứng được yêu cầu này, cụ thể như trong chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu mà Bình Điền đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị đối tác khác ứng dụng phương pháp sạ cụm kết hợp bón vùi phân đã giúp nông dân đạt được hiệu quả kinh tế cao và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang tiếp tục tổ chức canh tác thông minh tại 5 tỉnh, trong đó có việc cuốn rơm rạ, băm rơm rạ và ứng dụng chế phẩm xử lý nhanh rơm rạ thành phân hữu cơ ngay tại ruộng, hoặc làm giá thể cho nhiều loại cây trồng”.