Như đã nêu ở bài trước, làm sao để sầu riêng ra hoa và đậu quả nhiều, cho chất lượng tốt nhà vườn cần tiếp tục lưu ý các bước chăm sóc như sau:
Phun Paclobutrazol: Để cây ra hoa nhiều có thể kết hợp 2 biện pháp phun paclobutrazol và tạo khô hạn cùng lúc.
Phun Paclobutrazol có nồng độ dao động trong khoảng 1.000 - 1.500 ppm tùy theo giống, giống Mongthon và Ri 6 nồng độ 1.200 ppm và Cơm Vàng Sữa hạt lép nồng độ 1.500 ppm.
Phun sau khi lá cơi đọt cuối trưởng thành hoàn toàn có màu xanh đậm. Phải phun đúng cách và đúng liều lượng theo hướng dẫn nhất là không được tăng liều khi chưa thử nghiệm.
Lưu ý, nếu xử lý liên tục nhiều năm có thể làm cây suy yếu, hiệu quả giảm dần và lưu tồn Paclobutrazol trong đất. Tốt nhất xử lý 2 năm nghỉ 1 năm.
Tưới nước: Không nên tưới nước quá sớm và quá nhiều khi mới vừa thấy lú mắt cua vì có thể gây sốc cho cây, hoa nín lại không phát triển. Vì vậy, lần đầu chỉ tưới nước cho đất vừa đủ ẩm, sau đó tăng dần. Lưu ý không để cho rễ bị úng nước do nước tưới gây rụng hoa.
Cho sầu riêng đậu trái: Tỷ lệ đậu trái ở sầu riêng khá thấp. Gia tăng tỷ lệ đậu trái sầu riêng như sau:
Tưới nước: Sau khi sầu riêng đã ra hoa, phải tưới đủ nước thường xuyên (khoảng 2 ngày/lần) để hoa phát triển, đậu trái tốt. Lượng nước tưới phải đạt trên 50% ẩm độ bảo hòa của đất. Tưới nước đầy đủ giai đoạn này có vai trò quyết định năng suất và phẩm chất trái sau này.
Lưu ý, khoảng một tuần trước khi hoa nở, cũng tưới 2 ngày/lần nhưng lượng nước tưới giảm xuống còn 1/3 để hạt phấn phát triển bình thường thì sự thụ tinh, thụ phấn mới tốt (do hạt phấn chết khi có quá nhiều nước).
Sau khi đậu trái, tăng dần lượng nước tưới đến mức bình thường trở lại, có thể dùng máy bơm tưới từ ngọn xuống để rửa cây, hạn chế côn trùng đeo bám.
Ẩm độ không khí thấp và thiếu nước trong mùa nắng thường gây cháy lá sầu riêng ở Miền Đông Nam bộ, cần tưới phun sương bên trong tán lá thường xuyên và để cỏ trong vườn.
Để tiết kiệm nước và giảm chi phí có thể lắp đặt hệ thống tưới phun tự động hay tưới nhỏ giọt. Ưu điểm của tưới nhỏ giọt là hạn chế sự rửa trôi lớp đất mặt, không làm phát tán mầm bệnh, giảm thất thoát phân bón.
Tỉa hoa: Số lượng hoa và chùm hoa trên cây sầu riêng rất nhiều, cần tỉa bỏ bớt những chùm ốm yếu, bị sâu bệnh, ở ngoài ngọn cành hay những chùm quá gần nhau để phân bổ dinh dưỡng nuôi quả.
Chọn những chùm cuống to trên cành lớn, mạnh khoẻ giữ lại. Tỉa hoa được tiến hành sớm khi hoa đã ra ổn định và phải kết thúc khoảng 1 tháng trước khi hoa nở để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa các hoa với nhau ảnh hưởng đến sự thụ phấn, thụ tinh.
Thụ phấn bổ sung: Tỷ lệ đậu trái được quyết định bởi sự thụ phấn và thụ tinh. Hạt phấn sầu riêng không rời rạc mà kết dính lại nhau nên khó có thể tung ra theo gió thụ phấn, việc thụ phấn chủ yếu phải nhờ vào côn trùng hay dơi, vì vậy phải bảo vệ những sinh vật này trong vườn.
Để tăng tỷ lệ đậu trái, có thể thụ phấn bổ sung bằng cách hái những hoa sắp tung phấn vào buổi chiều cho vào hộp.
Đến khoảng 7 - 9 giờ tối đem những hoa này cột vào đầu cây rồi dùng đèn thụ phấn cho những chùm hoa có nướm nhụy đang tươm mật (thời điểm thụ phấn cho giống Monthong có thể sớm hơn, khoảng 5 - 6 giờ chiều).
Nên trồng xen giống sầu riêng có nhiều phấn hoa như khổ qua xanh để tăng khả năng phụ phấn. Trái sầu riêng tròn đều, không bị lép một bên là chỉ thị cho việc thụ phấn, thụ tinh tốt. Trái đã bị lép một bên rồi thì không có thuốc chữa cho tròn lại được.