Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này có 156 hồ chứa thủy lợi, trong đó 1 số hồ lớn là hồ Định Bình, hồ Núi Một, hồ Quang Hiển, hồ Hội Sơn.
Trong ngày 10/11, mực nước tại hồ Định Bình chỉ đạt 50% dung tích thiết kế; hồ Núi Một đạt 50 - 60%. Bình quân mực nước tại tất cả các hồ ở Bình Định trước bão số 12 chỉ đạt khoảng 30-40% so dung tích thiết kế. Do vậy, việc xả lũ qua các hồ ở Bình Định chưa thực hiện. Hiện các đơn vị quản lý hồ chỉ canh lượng nước đến xả lượng nước đi tương ứng để đón cơn bão số 13, tránh trường hợp trữ nước nhiều quá nếu mưa lớn tiếp tục gây lũ chồng lũ ảnh hưởng vùng hạ lưu.
Các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), Diêu Trì (huyện Tuy Phước), huyện Vân Canh bị ngập trong lũ sau bão số 12 là do mưa ở thượng nguồn đổ về sông Hà Thanh theo 5 nhánh, trong khi lượng mưa lớn trên 400mm đã gây ngập úng cục bộ vùng hạ lưu.
Ở Phú Yên có 12 hồ đều xả lũ, nhưng lượng nước các hồ này đều chảy về địa phận tỉnh Phú Yên, chỉ có ít lượng nước mưa vùng La Hai (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) chảy qua xã Canh Hòa (huyện Vân Canh, Bình Định), nhưng không đáng kể, do bị núi cao chặn lại nên nước về huyện Vân Canh rất ít.
“Dư luận đang xôn xao chuyện ngập lũ vừa rồi do các hồ xả nước nhưng tôi khẳng định là không có chuyện đó, mà là do mưa lớn từ thượng nguồn, nước đổ dồn về sông Hà Thanh, trong khi hệ thống hành lang tiêu thoát lũ không đảm bảo thông thoáng nên gây ngập cục bộ”, ông Đào Văn Hùng khẳng định.