Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, giao phần diện tích đất hơn 153,5 ha để đảm bảo nhu cầu sử dụng đất quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát (huyện Phù Cát, Bình Định) giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND tỉnh Bình Định, Cảng Hàng không Phù Cát có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, Bình Định đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối với các tuyến Quốc lộ, trung tâm kinh tế của tỉnh, cảng biển, Cảng Hàng không Phù Cát. Đơn cử như tuyến Quốc lộ 19 mới; đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ I; đường nối từ Cảng Hàng không Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội; tuyến đường ven biển theo quy hoạch Quốc gia. Đây là những tuyến đường giao thông trọng yếu có vai trò tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và trong khu vực.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng Không Việt Nam và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines để tăng cường các chuyến bay đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh giao thương, thương mại-du lịch góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế-xã hội của địa phương.
Cảng Hàng không Phù Cát hiện đang khai thác 3 hạng mục chính: Sân đỗ với 7 vị trí đỗ máy bay A321-200, nhà ga 2 tầng và đường băng.
Nhà ga hành khách tại Cảng Hàng không Phù Cát có năng lực phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, với quy mô hiện tại, Cảng Hàng không Phù Cát đã bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp hội nghị, sự kiện, lễ, tết...
Do đó, UBND tỉnh Bình Định có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xin chủ trương lập quy hoạch thiết kế mở rộng Cảng Hàng không Phù Cát đạt cấp 4E hướng đến mục tiêu phát triển thành cảng hàng không quốc tế và đề xuất đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng một số hạng mục bằng hình thức xã hội hóa.
Bộ GTVT đã có văn bản ủng hộ kiến nghị của tỉnh Bình Định, đồng thời đề nghị tỉnh này nghiên cứu, xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác đối với toàn bộ Cảng Hàng không Phù Cát theo định hướng quy hoạch.
Theo đó, phương án quy hoạch mở rộng Cảng Hàng không Phù Cát được 2 bên thống nhất là trong giai đoạn 2021-2030 sẽ đạt cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và sân bay quân sự cấp 1.
Trong giai đoạn này, mỗi năm Cảng Hàng không Phù Cát đón khoảng 5-7 triệu lượt hành khách và 12.000 tấn hàng hóa. Tổng số vị trí đỗ tàu bay tại sân bay Phù Cát là 26, khai thác tàu bay code C như: A320/A321 và tương đương, có thể nâng cấp mở rộng để nhận tàu bay code E như: A350, B777, B787 và tương đương khi có yêu cầu...
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Phù Cát đạt cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế) và sân bay quân sự cấp I, công suất từ 12-15 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay tại sân bay Phù Cát là 35 vị trí, khai thác loại tàu bay Code E như: A320/A321 và tương đương.