| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận: Báo động sạt lở bờ biển

Thứ Năm 04/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng đã gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận rất nghiêm trọng.

I.

Theo văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Bình Thuận, từ năm 2010 đến nay bờ biển Bình Thuận bị sạt lở hơn 22/192 km. Có những nơi biển xâm thực sâu vào bờ hàng trăm mét.

11-02-42_1
Tổng kho xăng dầu Dương Đông – Hòa Phú nạo vét và đã khắc phục được đoạn bờ sạt lở

Tính riêng từ 2015 đến nay đã có 407 hộ dân phải di dời do sạt lở. Nhiều nhà cửa, trụ sở cơ quan, cơ sở hạ tầng khu du lịch trên địa bàn các huyện, TP ven biển bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế người dân và doanh nghiệp.

Ghi nhận cuả PV tại huyện Tuy Phong, những đợt triều cường lớn năm 2017 và đầu năm 2018 đã xâm thực bờ biển, xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn các xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Bình Thạnh, Hòa Phú và các thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa.

Trong đó, đáng báo động là tại bờ biển các thôn Vĩnh Hưng, Vĩnh Tiến (Vĩnh Tân)- phía Bắc và Nam Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân bị sạt lở với tổng chiều dài 3,8km.Tại khu phố 13, 14 thị trấn Liên Hương sạt lở hơn 1km, xâm thực vào bờ 20-50m, làm sập hoàn toàn 25 căn nhà, đe dọa hàng trăm căn nhà khác.

Còn tại xã Bình Thạnh cũng sạt lở khoảng 1km, làm hư hỏng nhiều nhà cửa, cơ sở kinh doanh… Tại TP Phan Thiết, các khu phố 2 và 3, phường Hàm Tiến; khu phố 5, phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, thường xuyên bị xâm thực bởi các đợt triều cường từ năm 2007 đến nay.

Theo các địa phương, sạt lở nặng nhất là trong những ngày đầu tháng 3/2018 và ảnh hưởng bão số 9 vào tháng 11/2018. Sóng biển cao từ 2,5-3,5m, có lúc dâng từ 3,5-4,5m, làm sập nhiều căn nhà và uy hiếp nhiều hộ dân đang sống nơi đây.

Cụ thể, tại phường Hàm Tiến các khu phố 2 và 3, bị sạt lở dài 2 km, còn khu phố 1 trong năm 2018 đã sạt lở 3,2km; khu phố 4, phường Phú Hài sạt lở dài 1,5km, đây cũng là các đoạn bờ biển đã bị xâm thực nhiều nhất năm qua, mỗi năm biển lấn từ 2-3m. Tại khu phố B, phường Thanh Hải trong năm 2017-2018 bị sạt lở dài hơn 1km, lấn sâu vào bờ 50m, làm sụp đổ 20 căn nhà dân…

TX La Gi có tuyến bờ biển phường Phước Lộc, xã Tân Phước thường xuyên bị xâm thực kéo dài hơn 10 năm qua. Chiều dài sạt lở hơn 2,3km, biển lấn sâu vào bờ từ 80-200m, làm gần 100 căn nhà bị đổ sụp, hư hỏng phải di dời. Hay bờ biển tại Cam Bình, xã Tân Phước và khu vực bờ biển Tân Tiến cũng bị sạt lở, nhiều đoạn lấn sâu vào đất liền với chiều dài từ 1-2km.
 

II.

Bên cạnh ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thì yếu tố con người cũng gây tác động làm sạt lở bờ biển. Ông Võ Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh đưa ra ví dụ, như tại vùng cửa sông, con người xây dựng các đê chắn cát, giảm sóng hình thành vùng nước êm làm chỗ neo đậu tàu thuyền hoặc các bến cập tàu.

Hay việc xây dựng các đê chắn cát làm ảnh hưởng đến dòng chảy ven bờ, từ đó khu vực trước đê theo hướng dòng chảy sẽ gây bồi, còn khu vực sau đê bị sạt lở do thiếu hụt lượng cát do đê bị chặn lại.

Kết quả cho thấy các khu vực cửa sông có cảng của Bình Thuận như cửa sông Cà Ty (TP Phan Thiết), Cửa Sông Dinh (La Gi)... do dòng chảy ven bờ thịnh hành theo hướng Bắc Nam nên các đoạn bờ phía Nam bị sạt lở.

Đặc biệt, tuyến đường ven biển Hòa Phú – Hòa Thắng, thuộc thôn Tân Phú, xã Hòa Phú (Tuy Phong)- phía Nam cầu cảng của Tổng kho xăng dầu Dương Đông – Hòa Phú, giáp với tuyến đường sỏi ĐT.716) với dài khoảng 1.000m.

11-02-42_4
Sạt lở tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết

Trong đó, có 4 đoạn, mỗi đoạn từ 50- 100m bị sạt lở, ăn sâu vào hết tuyến đường, có đoạn chỉ cách trụ điện trung thế khoảng 7m. Việc xây dựng cầu cảng của Tổng kho xăng dầu dạng đê mỏ hàn nhô ra biển khoảng 470m, tạo bồi nhiều hơn ở đoạn bờ phía Bắc, đồng thời làm thiếu hụt lượng bồi đoạn bờ phía Nam là tác nhân chủ yếu gây nên sạt lở.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các kè mỏ hàn tự phát của các chủ cơ sở du lịch do đầu tư đơn lẻ, cục bộ không xử lý đến điểm cứng của cung bờ cũng gây xói lở khu vực lân cận. Một số cơ sở kinh doanh tự ý xây dựng công trình tác động bờ biển khi chưa có ý kiến của đơn vị quản lý nhà nước.

Về hướng xử lý, theo ông Anh, đối với việc xây dựng cầu cảng của Tổng kho xăng dầu Dương Đông – Hòa Phú làm sạt lở tuyến đường ven biển Hòa Phú – Hòa Thắng, Sở NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu Cty nạo vét toàn bộ lượng cát bồi dưới chân cầu cảng, trả lại dòng chảy ven bờ tự nhiên, giúp cân bằng bồi xói sẽ không gây sạt lở đoạn bờ phía Nam.

“Cty cũng đã thực hiện nạo vét và đã khắc phục được đoạn bờ sạt lở nói trên. Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch khu vực Hàm Tiến- Mũi Né khi xây dựng kè biển theo hướng dẫn tại Công văn số 2031/SNN-CCTL ngày 25/6/2018 của Sở NN-PTNT về việc hướng dẫn xây dựng kè chống xâm thực bờ biển các khu du lịch khu vực Hàm Tiến-Mũi Né”, ông Anh chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, để bảo vệ vùng đê ven biển, tránh sạt lở xảy ra do tác động của con người, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kè biển phải thực hiện đúng thủ tục quy định, xin phép xây dung, trong đó có gửi hồ sơ thiết kế đến Sở NN-PTNT thẩm định. Quá trình thẩm định, sẽ hạn chế tối đa tác động của dự án đến bờ biển khu vực lân cận.

Bên cạnh đó các huyện, TX, TP thực hiện nghiêm việc xử phạt đối với các hành vi tự ý tác động đến bờ biển khi chưa có ý kiến của địa phương.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất