| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn

Cần nhanh chóng sửa chữa những công trình thủy lợi xuống cấp

Thứ Ba 04/10/2022 , 08:06 (GMT+7)

Huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã chủ động triển khai giải pháp gia cố, sửa chữa cho các hồ, đập bị xuống cấp, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.

Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, sử dụng kém hiệu quả

TLLB2

Sự cố vỡ đập Khuổi Quật, thị trấn Lộc Bình, Lạng Sơn. Ảnh: Trang Anh.

Cuối tháng 8 vừa qua, đập Khuổi Quật, thuộc thôn Pò Lèn - Pá Ôi, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra sự cố vỡ đập.

Nguyên nhân được xác định do công trình được xây dựng đã lâu, tháp van thượng lưu đầu cống kết cấu trụ, sàn, nhà che van và cầu công tác đã bị hư hỏng. Mặc dù đơn vị quản lý đã sửa chữa vị trí xung quanh tháp van thượng lưu và đầu cống vào các năm 2004 và 2008. Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục xuất hiện hố sụt tại đầu cống gây mất nước và rò rỉ nước qua mang cống.

Trước thời điểm bị vỡ đập, trên địa bàn huyện có mưa lớn kéo dài, mực nước dự trữ trong đập đạt đỉnh, nên đã ảnh hưởng đến kết cấu địa tầng tại thân đập.

Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Lạng Sơn cho biết, khi có thông tin về vỡ đập hồ Khuổi Quật, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu cũng như là đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, đồng thời chỉ đạo các lực lượng thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" để đảm bảo an toàn cho công trình đập. Rất may sự cố vỡ đập này chỉ gây thiệt hại về một số diện tích hoa màu của người dân chứ không gây ra thiệt hại về người. 

Được biết, năm 2022, Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn đã bố trí nguồn vốn sự nghiệp thuỷ lợi để sửa chữa các hạng mục đang xuống cấp, hư hỏng. Công trình đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và đang thực hiện bước lựa chọn nhà thầu với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.

Ông Lâm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn chia sẻ: "UBND thị trấn Lộc Bình bây giờ mong muốn các cơ quan cấp trên quan tâm sớm khắc phục, sửa chữa lại thân đập Khuổi Quật để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành cũng như đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho vụ thu đông sắp tới".

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình có 71 công trình thủy lợi. Trong đó, có 21 hồ chứa, 46 đập dâng, 4 trạm bơm. Tổng chiều dài mương là trên 240km đã kiên cố được gần 163km. Ngoài ra, còn khoảng 200 công trình phai tạm, đập dâng lớn nhỏ do người dân tự xây dựng và quản lý sử dụng. Qua đó, đã nâng tổng diện tích tưới chủ động của huyện khoảng 2.600ha, đạt khoảng 60% tổng diện tích đất trồng lúa của huyện. Trong đó, trên 1.850ha được tưới từ các công trình thủy lợi đã được xây dựng kiên cố do cấp huyện và cấp tỉnh quản lý.

Qua kiểm tra đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, các đập, hồ chứa cơ bản đều đảm bảo an toàn, sẵn sàng tích nước trong mùa mưa. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 10 công trình được đầu tư xây dựng từ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước bị xuống cấp, hư hỏng, sử dụng kém hiệu quả.

Đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn

Để đảm bảo an toàn cho các công trình, tránh những sự cố đáng tiếc như đã xảy ra tại đập Khuổi Quật, UBND huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn tập trung rà soát, kiểm tra tất cả các công trình hồ, đập trên địa bàn. Trên cơ sở đó, bố trí nguồn vốn thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho cả công trình và người dân.

TL2

Cán bộ huyện Lộc Bình kiểm tra an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi đang thi công. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chủ tịch Hoàng Văn Chiều chia sẻ, đối với các công trình đập đã được xây dựng từ lâu nhưng chưa có kinh phí để nâng cấp, cải tạo thì sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện các diễn biến về chất lượng và độ an toàn, từ đó xây dựng các phương án, đề xuất ưu tiên nguồn vốn để đầu tư sửa chữa. Đồng thời thường xuyên phổ biến, hướng dẫn kịch bản ứng phó sự cố cho các hộ dân và các tổ chức đang sinh sống, canh tác và có các hoạt động sản xuất vùng hạ lưu để chủ động và sẵn sàng ứng phó.

Được biết, trong năm 2022, từ các nguồn vốn, nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, huyện, Đoàn kinh tế Quốc phòng 338 (huyện Lộc Bình) đã lên kế hoạch sửa chữa, gia cố, bảo dưỡng 3 công trình thủy lợi là hồ Bản Luồng, Khuổi Giàn, Khuổi Quật với tổng kinh phí ước khoảng 6 tỷ đồng; kiên cố hóa 5 công trình kênh mương. Hiện nay, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công gắn liền với việc đảm bảo chất lượng công trình, phấn đấu đến tháng 12 bàn giao đưa vào sử dụng.

Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình hiện đang quản lý, khai thác 14 hồ chứa nước, 21 đập dâng, 3 trạm bơm điện, trên 200km kênh mương, phục vụ nước tưới tiêu cho khoảng hơn 2.000 ha đất canh tác nông nghiệp/năm và phục vụ nước công nghiệp, nước sinh hoạt.

Để đảm bảo nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng năm, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ quản lý vận hành, điều tiết theo kinh nghiệm thực tế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ứng phó với các sự cố xảy ra trong mùa mưa bão trước mùa mưa.

Cùng với đó, thường xuyên tiến hành, kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống xử lý kịp thời các hư hỏng đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước. Tính từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã thực hiện sửa chữa nâng cấp được 15 công trình; xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi được 20 vụ.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Lộc Bình cho biết, đối với những hồ xuống cấp, đơn vị đã chủ động hạ mực nước xuống để đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền đến người dân về những công trình có nguy cơ mất an toàn để người dân biết chủ động phòng tránh.

Lộc Bình là một trong những địa bàn có nhiều hồ đập, hệ thống suối dày đặc. Bởi vậy, cùng với chức năng bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống hồ đập thủy lợi còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

Việc đảm bảo nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp những công trình hư hỏng xuống cấp là yêu cầu quan trọng hàng đầu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Giải pháp tối ưu nhất thời điểm này của huyện Lộc Bình là tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, từ đó, điều tiết lượng nước trong hồ hợp lý đảm bảo an toàn cho công trình. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiên theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Hiện nay tỉnh Lạng Sơn có 123 hồ, đập đang chứa nước, trong đó có 55 hồ, đập chứa nước lớn. Theo khảo sát mới nhất của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 hồ, đập chứa nước lớn đã xuống cấp, đặc biệt là có 7 hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng, có hiện tượng thấm nước qua thân đập từ 2 - 3 vị trí. Trong đó, có hồ, đập lượng nước thấm qua thân đập với lưu lượng lên đến 1,2 lít/giây.

Ngày 25/8, Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn phối hợp với UBND các huyện Bắc Sơn, Tràng Định theo dõi chặt chẽ 7 hồ đang có sự cố, điều tiết mực nước trong lòng hồ hợp lý để đảm bảo dung tích phòng lũ; sẵn sàng nhân lực, vật tư để kịp thời có biện pháp xử lý khi phạm vi vùng thấm mở rộng; đồng thời xem xét, đề xuất bố trí kinh phí sửa chữa các công trình hạng mục thực sự cấp bách, đúng quy định.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.