| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Thứ Tư 06/07/2022 , 11:07 (GMT+7)

HĐND tỉnh Bình Thuận đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26 của Chính phủ, tất cả các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (gọi tắt VMS) trước 1/4/2020. Đây cũng là điều kiện để thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, cũng như nhằm khắc phục nội dung khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU).

Thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã nổ lực trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã nổ lực trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 1.950 tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS. Sau hơn 2 năm, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa đạt 100% về việc lắp đặt thiết bị VMS, dù một trong những tỉnh có tỷ lệ lắp thiết bị giám sát cao nhất nước.

Nguyên nhân do những năm gần đây, nghề khai thác thủy sản liên tiếp mất mùa, ngư dân gặp nhiều khó khăn; riêng hai năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài có tác động lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, ngư dân phải hạn chế ra khơi và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm khai thác.

Theo các ngư dân, để lắp đặt thiết bị VMS, ngoài tiền mua thiết bị từ 18 - 25 triệu đồng/máy còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 340.000 - 385.000 đồng/máy (tùy thuộc loại thiết bị). Đây là số tiền không hề nhỏ trong lúc biển không còn cảnh “đánh đâu trúng đó”, cũng như giá xăng dầu liên tục tăng cao đẩy chi phí chuyến biển tăng theo, các tàu đánh bắt hải sản rất khó khăn.

Các tàu cá cập cảng Phan Thiết. Ảnh: KS.

Các tàu cá cập cảng Phan Thiết. Ảnh: KS.

Do đó, việc ngư dân không đủ tiền mua thiết bị VMS và trả phí thuê bao hàng tháng đã làm ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện lắp đặt thiết bị VMS và triển khai kế hoạch giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh.

Được biết, hiện nhiều địa phương ven biển trong cả nước (10 tỉnh, thành phố) đã ban hành và thực hiện chế độ hỗ trợ ngư dân về thiết bị VMS. Cụ thể như TP Đà Nẵng đã hỗ trợ 100% chi phí mua thiết bị VMS và chi phí thuê bao năm đầu tiên tính từ thời điểm kết nối; tỉnh Bình Định hỗ trợ 50% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS; tỉnh Nam Định hỗ trợ 50% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS; tỉnh Hà Tỉnh hỗ trợ 70% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS; tỉnh Thái Bình hỗ trợ 70% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS; tỉnh Nghệ An hỗ trợ 50% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS và 50% chi phí thuê bao hàng tháng; tỉnh Phú Yên hỗ trợ phí thuê bao 30 tháng; TP Hải Phòng hỗ trợ 50% chi phí mua thiết bị VMS và chi phí thuê bao hàng tháng trong 3 năm; tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 50% chi phí mua thiết bị VMS và chi phí thuê bao hàng tháng trong 3 năm; tỉnh Cà Mau hỗ trợ chi phí thuê bao 60 tháng.

Ngoài ra, nhiều tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam…cũng đang xây dựng chế độ hỗ trợ lắp đặt thiết bị VMS cho ngư dân.

Trước những thức trạng trên, việc hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS giúp ngư dân vươn khơi bám biển và thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, giám sát, phòng, chống khai thác IUU là rất cần thiết. Nhất là theo dõi, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, các thuyền nghề giã cào (gồm giã cào bay) hoạt động sai vùng khai thác, đồng thời hỗ trợ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tại kỳ họp lần thứ 7 vừa qua, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thống nhất ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị VMS trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mỗi tàu cá mua, lắp thiết bị VMS sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng. Điều kiện được hỗ trợ là tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đăng ký tại Bình Thuận, có đầy đủ các loại giấy tờ phù hợp; là thành viên tổ đội hoặc nghiệp đoàn nghề cá hoặc hợp tác xã khai thác thủy sản; không vi phạm về khai thác IUU…Tỉnh dự kiến sẽ hỗ trợ 1.950 tàu cá lắp thiết bị VMS.

Được biết đến nay, tỉnh Bình Thuận có hơn 84% tàu cá đang hoạt động lắp đặt thiết bị VMS.

Ngư dân Trần Văn Tuấn, ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết: "Tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ngư dân chúng tôi rất phấn khởi. Vì thời điểm này ngư dân chồng chất khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, ngư trường nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chúng tôi biết được vùng biển đang đánh bắt để không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hơn hết là khi gặp sự cố trên biển thì có thể điện báo ngay cho các cơ quan chức năng đến hỗ trợ.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.