Đìu hiu cảng Cửa Hội
Cảng cá Cửa Hội nằm gần cửa biển hạ du sông Lam thuộc phường Nghi Hải (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) là 1 trong 4 cảng cá loại II được xây dựng, công bố mở cảng và đi vào hoạt động hàng chục năm qua. Năm 2018, cảng được đầu tư hơn 106 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu neo đậu tàu thuyền và bốc xếp hàng hóa thủy sản khai thác trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Cảng cá Cửa Hội (TP. Vinh) đìu hiu, vắng lặng. Ảnh: Đình Tiệp.
Cụ thể, dự án nâng cấp Cảng cá Cửa Hội hướng đến phục vụ lượng hàng thủy sản qua cảng từ 15.000 tấn/năm trở lên, đáp ứng khả năng đón tiếp cho tàu cá có công suất đến dưới 800CV và 120 lượt chiếc/ngày trở lên. Với diện tích hơn 3,4ha, cầu cảng dài hơn 300m và được đầu tư nâng cấp, nhưng tình hình hoạt động của Cảng cá Cửa Hội trong thời gian qua lại không được như kỳ vọng.
Theo ghi nhận, ngoài một số thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ ghé vào cảng, ít thấy bóng dáng tàu lớn neo đậu. Các tàu thuyền khác neo đậu trong phạm vị quản lý đa phần là phương tiện chuyên dụng của các lực lượng chức năng. Đáng chú ý, một số công trình ở khu vực dịch vụ hậu cần có dấu hiệu xuống cấp, hạng mục kè tuyến kè lấn biển dù được xây mới nhưng nay cũng đã xuất hiện vết nứt…
Chưa kể, nhà phân loại hải sản là hạ tầng kiến trúc quan trọng trong hệ thống dịch vụ bến cảng, nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cửa Hội. Vậy nhưng, qua quan sát cho thấy, công trình này bỏ hoang, không có lấy một bóng người vào buôn bán, phân loại cá. Trong khi đó, nhà phân loại hải sản nay cũng trở thành nơi đậu xe và tập kết ngư cụ của ngư dân.

Bên trong cảng cá Cửa Hội cũng vắng lặng. Ảnh: Đình Tiệp.
Ông Phan Trung Kiên, chủ một kho đông lạnh tại Cảng cá Cửa Hội, cho biết: Hơn 2 năm nay, không có tàu lớn hay tàu vừa nào vào cảng. Trước đây, cảng rất sôi động và nhộn nhịp, tàu vào nhiều, hải sản phong phú nhưng mấy năm trở lại đây chúng tôi phải đi thu mua hải sản từ các cảng cá khác về kho đông lạnh cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Nguyên nhân là do cửa lạch bị bồi lấp, tàu lớn không dám vào vì sợ mắc cạn. Những năm trở lại đây, ngoài các tàu cá loại nhỏ của ngư dân địa phương đánh bắt gần bờ, số lượng tàu công suất lớn giảm mạnh.
Luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền khó cập cảng
Tại cảng cá Lạch Vạn - nơi neo đậu hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các xã Ngọc Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim, thị trấn Diễn Thành (huyện Diễn Châu), tình trạng bồi lắng ngày càng nghiêm trọng hơn. Thay vì vào cảng, hàng chục tàu công suất lớn phải neo đậu ngoài cửa biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Hoan, ở xã Ngọc Bích, phản ánh: Chiều dài lòng cạn gần 1 km. Mỗi chuyến đi biển về cảng Lạch Vạn là phải tập trung cao độ để lái, chứ lơ là chút là tàu mắc cạn ngay. Mấy năm gần đây, các tàu to, có công suất lớn, thường xuyên bị mắc cạn. Có tàu may mắn thì trục vớt, kéo về sửa chữa được, nhưng chi phí cũng hết vài trăm triệu đồng. Bởi vậy, hầu hết tàu cá lớn phải neo đậu ở ngoài cửa biển và thuê thuyền nhỏ tăng bo (vận chuyển) thủy sản vào bán. Việc này vừa mất thời gian, vừa phát sinh chi phí, rất khó khăn và bất tiện.

Cửa vào cảng Lạch Vạn bị cát từ biển bồi lắng. Ảnh: Đình Tiệp.
Được biết, trước tình trạng bồi lắng tại cảng cá Lạch Vạn, năm 2019, Ban quản lý dự án Đê điều - Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An được giao làm chủ đầu tư dự án “Nạo vét cửa Lạch Vạn tại xã Diễn Thành và Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An”. Tổng mức đầu tư dự án nêu trên là trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn nạo vét xong thì tình trạng bồi lắng vẫn tiếp tục tái diễn.
Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Bích (huyện Diễn Châu), cho hay, toàn xã có khoảng trên dưới 400 tàu cá, việc bồi lắng cảng khiến cho nhiều tàu thuyền bị mắc cạn. Việc phải thuê bè để đưa hải sản vào cảng buôn bán rất bất tiện cho ngư dân.

Ngư dân có thuyền lớn phải đậu thuyền ở ngoài để thuê bè "tăng bo" đưa hải sản vào cảng Lạch Vạn để bán. Ảnh: Đình Tiệp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, cho hay: Dự án nêu trên mới được tiến hành nạo vét năm 2020 với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhưng sau đó lại bị bồi lắng vì nạo vét chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ được vài năm. Trước đây, có nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Thủy lợi từng nghiên cứu và đưa ra phương án đầu tư khoảng 200 tỷ đồng nhưng cũng chưa chắc đã giải quyết được triệt để. Vì ở đó như cái vịnh ăn sâu vào đất liền, khi gió mùa Đông Bắc thổi về thì cát từ biển thổi vào. Và trong thời gian vừa rồi thì cửa Lạch Vạn cũng bị dịch chuyển xuống phía Nam khoảng 50-60m. Để đưa ra giải pháp triệt để thì phải có chuyên gia nghiên cứu kỹ và đưa ra các giải pháp khoa học với tổng kinh phí lớn mới có thể thực hiện được.
Còn ông Phan Tiến Chương, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Nghệ An cho hay, Cảng cá Cửa Hội những năm trước đây là nơi thường xuyên đón nhiều tàu cá các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa ra vào, với khối lượng hải sản lên tới 30 - 40 tấn/tàu. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng luồng lạch khiến các tàu không thể vào cảng, buộc phải chuyển sang cập các cảng khác.
Cần đầu tư đồng bộ, nguồn kinh phí lớn
Theo tìm hiểu, không chỉ riêng Cảng cá Lạch Vạn, Cửa Hội bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào thì hiện nay Nghệ An có các cảng cá lớn khác như Lạch Vạn, Lạch Quèn, Quỳnh Phương cùng nhiều bến cá, cửa lạch cũng thường xuyên rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều luồng lạch bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và kỳ vọng đề ra.

Tình trạng bồi lắng ở các cảng cá của Nghệ An ngày càng nghiêm trọng, gây khó khăn cho ngư dân. Ảnh: Đình Tiệp.
Được biết, năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định số 4344/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
Đề án được phê duyệt nhằm phát triển hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa ngành thủy sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Nghệ An cần phải đầu tư đồng bộ hệ thống cảng cá để đáp ứng như cầu của ngư dân. Ảnh: Đình Tiệp.
Theo Đề án, đến năm 2030, sẽ xây dựng, nâng cấp hoàn thành 07 cảng cá; hệ thống cảng cá đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại cảng cá chỉ định, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hệ thống khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2030 đảm bảo cho 2.999 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn với 05 khu neo đậu tránh trú bão được nâng cấp…tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến gần 2.400 tỷ đồng.
Trong số vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là hơn 1.673 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 71 tỷ 500 triệu đồng, ngân sách khác 603 tỷ 900 triệu đồng. Đáng chú ý, trong 7 cảng cá được đầu tư xây dựng, nâng cấp, có ba cảng cá loại 1, ha cảng cá loại 2 và ba cảng cá loại 3. Tổng năng lực bốc dỡ của 7 cảng cá là 154.500 tấn/năm, tương đương 83,51% sản lượng khai thác hải sản.