| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm càng xanh toàn đực 'dễ nuôi, lãi lớn'

Thứ Tư 02/04/2025 , 09:11 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai nhiều mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại nhiều địa phương và cho kết quả bất ngờ với doanh thu cao ngất ngưởng.

"Qủa ngọt" từ các mô hình, dự án

Hải Phòng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và ngọt với tổng diện tích ước đạt hơn 11 nghìn ha. Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung tại các quận, huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, Kiến An… và đa dạng loài nuôi như cá trắm cỏ, cá chép, rô phi, cá lăng, tôm càng xanh, cá cảnh...

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Riêng với tôm càng xanh, đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được phát triển mạnh tại Hải Phòng từ những năm 1998 tuy nhiên, do trình độ kỹ thuật, quản lý của người nuôi chưa cao, giống tôm truyền thống, trong ao nuôi tỷ lệ tôm cái nhiều hơn tôm đực nên việc phát triển, mở rộng diễn ra chậm.

Trước thực trạng này, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai nhiều mô hình thí điểm cho hiệu quả bất ngờ, không chỉ tăng thu nhập mà còn có giá trị về mặt môi trường, xã hội. Đơn cử như năm 2022, triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Đạm, trú tại xã Tân Dân, huyện An Lão với quy mô 1 ha. Đây là hộ dân đã có kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh nhiều năm nhưng hiệu quả chưa cao do có nhiều hạn chế.

Sau khi tham gia mô hình, được hỗ trợ con giống, thức ăn và kỹ thuật, được theo dõi chặt chẽ, bài bản nên năng suất được cải thiện, tỷ lệ sống cao, chi phí giảm. Thừa thắng xông lên, anh Nguyễn Văn Đạm đã mở rộng mô hình lên tới 7ha, mỗi năm thu về khoảng 15 tấn tôm với giá trung bình hơn 300 nghìn/kg.

“Nuôi tôm càng xanh dễ hơn tôm thẻ, dù năng suất thấp hơn, khoảng 2 tấn/ha/1 vụ so với 30 tấn/2 vụ. Tuy nhiên, tôm càng xanh có giá cao hơn và ít dịch bệnh hơn nên hiệu quả tổng thể vẫn tốt hơn”, anh Đạm cho hay.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn được tại hộ ông Phạm Văn Nhiêu, trú tại xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng với quy mô thử nghiệm là 0,7ha. Đây là hộ được chọn đạt các tiêu chí yêu cầu và tự nguyện tham gia dự án và cam kết tuân thủ quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn, các quy định của dự án.

Qúa trình triển khai mô hình, ngoài được hỗ 50% con giống, thức ăn, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học,... Hộ dân còn được Trung tâm Khuyến nông cử một thạc sĩ và một kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, có khả năng hướng dẫn cho bà con nông dân phát triển nuôi trồng thủy sản.

Người dân phấn khởi trước thành quả đạt được khi tham gia mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân phấn khởi trước thành quả đạt được khi tham gia mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Những cán bộ này đã được đào tạo về bệnh thủy sản và dịch tễ, được đào tạo quy phạm nuôi trồng thủy sản VietGAP, có khả năng hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực để hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật.

Để đảm bảo đầu ra, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp để thu mua sản phẩm sau thu hoạch. Người dân thực hiện đúng cam kết, đúng quy trình còn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi.

Kết quả, mô hình nuôi tôm càng xanh được các chuyên gia đánh giá đạt yêu cầu với tỷ lệ sống tăng 4-10%, chi phí giảm và năng suất tăng 25-80% so với mô hình truyền thống. Khi thu hoạch, mô hình thành công ngoài mong đợi với lợi nhuận bình quân gần 900 triệu đồng, cao hơn 30-55% so với mô hình truyền thống.

“Mô hình nuôi truyền thống gặp khó khăn do biến động môi trường, dễ xảy ra dịch bệnh, tuy nhiên khi nuôi theo mô hình mà Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn nhiều hạn chế được khắc phục. Bên cạnh đó, việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp kiểm soát môi trường và dịch bệnh, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu”, anh Phạm Văn Nhiêu chia sẻ.

Đủ điều kiện để nhân rộng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh - Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng), từ thực tế triển khai các mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thời gian qua cho thấy nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về mặt xã hội, dự án giúp người dân Hải Phòng mở rộng hướng nuôi trồng thủy sản, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và đảm bảo sản lượng tôm nuôi ổn định. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Dự án cũng đã hướng dẫn người nuôi áp dụng quy phạm VietGAP, thay đổi tư duy và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh  - Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) - người trực tiếp triển khai các mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh  - Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) - người trực tiếp triển khai các mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Về môi trường, quy trình nuôi tôm này giúp giảm thiểu ô nhiễm và chất thải, đồng thời bảo vệ môi trường, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Người nuôi được hưởng lợi từ việc chuyển giao kỹ thuật mới và hỗ trợ giống, vật tư, tạo liên kết chuỗi từ cung ứng đến tiêu thụ sản phẩm.

“Dự án còn nâng cao nhận thức cho nông ngư dân và cán bộ khuyến nông, giúp họ học hỏi và cải thiện kỹ năng. Khả năng nhân rộng dự án rất lớn, với kế hoạch tiếp tục chuyển giao công nghệ cho nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh cho hay.

Cũng theo bà Thanh, tôm càng xanh đã được người dân nuôi từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng dân chủ yếu nuôi quảng canh và nuôi truyền thống, có cả đực cả cái. Tại Hải Phòng, hiện mới chỉ xuất hiện các mô hình nuôi thương phẩm tại các huyện An Lão, Kiến Thụy và quận Kiến An với tổng diện tích khoảng hơn 30ha.

Nuôi tôm hai giai đoạn có nhiều ưu điểm như ao ương có diện tích nhỏ nên dễ quản lý, con giống đạt kích cỡ lớn trước khi thả nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm sức tải môi trường, đáy ao, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm dịch thiểu dịch bệnh, giảm chi phí và rủi ro.

Bên cạnh đó, mô hình này cũng giúp rút ngắn thời gian nuôi từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đồng thời tạo hướng đi, cách làm mới, thân thiện với môi trường, gia tăng được lựa chọn cho nông ngư dân trong hoạt động sản xuất. Người dân hoàn toàn có thể áp dụng để đưa vào sản xuất đại trà.

Tuy nhiên, việc nuôi tôm càng xanh toàn đực hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu khiến người nuôi gặp khó khăn trong việc đầu tư công nghệ hai giai đoạn do thiếu vốn và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, thị trường miền Bắc, đặc biệt Hải Phòng, không có thức ăn chuyên cho tôm càng xanh, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Sản lượng tôm chưa đủ lớn để hình thành vùng sản xuất tập trung, chủ yếu tiêu thụ nội địa, đầu ra bấp bênh.

Nguyên nhân bao gồm thời gian nuôi kéo dài, diện tích nuôi nhỏ lẻ, hệ thống nước chưa được cải thiện, và người nuôi thiếu vốn, kỹ thuật. Để nâng cao hiệu quả, cần nắm vững quy trình kỹ thuật, chăm sóc ao nuôi và đảm bảo môi trường nước ổn định.

Trên cơ sở kết quả của các mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ tiếp tục chuyển giao và nhân rộng cho các cơ sở nuôi: Công ty Chế biến thực phẩm Phú Cường, Công ty TNHH Sang Ngân, một số hộ nuôi vùng Quyết Tiến, Bạch Đằng,… của huyện Tiên Lãng; các xã Tân Dân, Trường Thọ,… của huyện An Lão; các phường Văn Đẩu, Phù Liễn… của quận Kiến An Kiến An; các xã Việt Tiến, Trung Lập, Cao Minh… của huyện Vĩnh Bảo.

Xem thêm
Nuôi lợn '5 không' - Giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho nông hộ

Những mô hình chăn nuôi lợn chuẩn '5 không' đang mang lại ít nhất 5 hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế, môi trường, dịch bệnh và xã hội.

Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Giá dứa cao, đồng bào phấn khởi

LÀO CAI Giá dứa bán tại nương đạt khoảng 6.000 đồng/kg, tại nhà máy từ 8.000 đồng/kg trở lên. Với mức giá này, người dân huyện Mường Khương phấn khởi vì có lãi cao.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

150 doanh nghiệp tham gia Analytica Việt Nam 2025

150 doanh nghiệp với 300 gian hàng tham gia Triển lãm Quốc tế lần thứ 8 về công nghệ phân tích, thí nghiệm, chẩn đoán và công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất