5 vùng nguy cơ cháy rừng cấp V
Ông Huỳnh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 365.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo Phương án BVR và PCCCR năm 2018 của tỉnh, xác định vùng trọng điểm cháy rừng cấp I có 96.109 ha, cấp II có 140.270 ha và cấp III có 101.152 ha.
Nhiều cánh rừng ở Bình Thuận nguy cơ cháy rừng cấp V |
Như vậy, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng (cấp II và cấp III) là 241.423 ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 210.000 ha và rừng trồng khoảng 32.000 ha.
Cũng theo ông Hiếu, theo thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến tình trạng khô nỏ của thực bì, thì từ ngày 9/4, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã nâng cấp dự báo cháy rừng lên cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm cho các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Còn các địa phương còn lại có dự báo cấp IV - cấp nguy hiểm.
Theo ghi nhận chúng tôi tại huyện Hàm Thuận Bắc, thời tiết nắng nóng đang diễn biến phức tạp. Các thực bì dưới tán rừng từ các lá khô rụng xuống ngày càng dày, nguy cơ gây ra cháy và nguy cơ cháy rừng rất cao.
Ông Nguyễn Đức Tín, Trưởng BQL rừng phòng hộ Hồng Phú cho biết, toàn bộ diện tích rừng trồng khoảng 4.000 ha do đơn vị quản lý có nguy cơ cháy rừng cấp V. Vì vậy, BQL luôn luôn cảnh giác và bố trí lực lượng 24/24 tại các vùng trọng điểm cháy, đồng thời tăng cường các đoàn tuần tra, kiểm tra rừng và siết chặt việc ra vào rừng… Nhờ vậy, từ mùa khô đến nay, đơn vị chỉ xảy ra một số trường hợp cháy nhỏ, chủ yếu cháy lá khô và thực bì dưới tán rung, được các lực lượng tại chỗ phát hiện, chữa cháy kịp thời.
Ảnh: K.S |
Còn tại BQL rừng phòng hộ Lê Hồng Phong (Bắc Bình) hiện có trên 9.852 ha rừng có nguy cơ cháy cao, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng. Hầu hết các lâm phần đều tiếp giáp với đất nông nghiệp và dân cư sinh sống nên nguy cơ xảy ra cháy rừng càng cao.
Khẩn cấp ứng phó
Trước cảnh báo diện tích rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về công tác quản lý, BVR và PCCCR, trong mùa khô năm 2018.
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) cấp huyện thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác BVR và PCCCR, có kế hoạch bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng…
Ảnh: K.S |
Còn ông Huỳnh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, Chi cục cũng đã có văn bản chỉ đạo, triển khai cho các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm và các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc việc bố trí lực lượng ứng trực 24/24h tại vùng trọng điểm cháy. Đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào rừng và sử dụng lửa của các tổ chức, cá nhân sống ven rừng, trong rừng; đảm bảo chế độ trực ban, trực chỉ huy và chế độ thông tin báo cáo về tình hình cháy rừng hàng ngày theo quy định.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, từ đầu mùa khô năm 2017 – 2018 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 20 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng, với diện tích hơn 52 ha, không có thiệt hại cây rừng. Các trường hợp cháy này đều được các đơn vị chủ rừng phát hiện kịp thời và phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tổ chức triển khai chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” đã được phê duyệt tại Phương án PCCCR năm 2018. Bên cạnh đó, để chữa cháy các đơn vị đã huy động lực lượng tại chỗ 418 lượt người tham gia. |