| Hotline: 0983.970.780

Đại hội Lúa gạo quốc tế 2023

Bộ giống lúa của Việt Nam là mơ ước của nhiều quốc gia

Thứ Ba 17/10/2023 , 19:30 (GMT+7)

Các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam chia sẻ với cộng đồng quốc tế về các nghiên cứu giống lúa, giải pháp canh tác nhằm ứng phó tình trạng xâm nhập mặn vùng ĐBSCL.

Mô hình thí nghiệm tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Quỳnh Chi.

Mô hình thí nghiệm tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Quỳnh Chi.

Giải pháp bền vững dựa trên nền tảng khoa học

Đối với các nhà khoa học lĩnh vực lúa gạo Việt Nam, một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay không chỉ là nâng cao năng suất cây trồng. Quan trọng hơn, với vị trí tiên phong trong sản xuất, xuất khẩu gạo, cung cấp lương thực cho thế giới, Việt Nam cần giải pháp toàn diện, đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị gạo.

Trong hơn 7 triệu ha lúa ở Việt Nam, lúa ở vùng ĐBSCL chiếm hơn 3,8 triệu ha, tương đương 53,5% tổng diện tích. Đây cũng là khu vực đối diện tình trạng xâm nhập mặn và khan hiếm nước tưới, với nhiều đợt hạn hán kỷ lục liên tiếp trong thập kỷ qua.

Bài liên quan

Hậu quả là 70% diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn và sản lượng lúa giảm tới 30%, khiến hàng ngàn nông dân mất thu nhập. Nguy hiểm hơn, tình trạng này được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng tới một diện tích canh tác nông nghiệp lớn hơn trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học lúa gạo vùng ĐBSCL đang hợp tác với CGIAR (Nhóm tư vấn về Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) trong khuôn khổ dự án “Phục hồi các vùng châu thổ lớn của châu Á” (Asian Mega-Delta - Sáng kiến AMD). Dự án nhằm tìm kiếm giải pháp tại các vùng có nguy cơ suy thoái lưỡng thổ nhưỡng, chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam.

Tại Đại hội Lúa gạo quốc tế - IRC 2023, các quốc gia tham gia Sáng kiến AMD cùng chia sẻ về các giống lúa cải tiến, có khả năng chống chịu hạn mặn. Công tác giống xuất phát từ nhu cầu của quốc gia, khi các viện nghiên cứu có công cụ về giống sẽ đặt nền tảng cho sản xuất lúa đa dạng, giàu dinh dưỡng, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng: 'Bộ giống lúa của Việt Nam là niềm mơ ước của các quốc gia trồng lúa trong khu vực'. Ảnh: IRC.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng: "Bộ giống lúa của Việt Nam là niềm mơ ước của các quốc gia trồng lúa trong khu vực". Ảnh: IRC.

Được nghe các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trình bày về các phương pháp canh tác, đề tài nghiên cứu nổi bật, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng bày tỏ: “Trải qua hàng chục năm phát triển công tác nghiên cứu giống, Việt Nam từ một nước nghèo, chỉ sản xuất nội địa, đến nay đã tự chủ, được chọn lựa thị trường và định giá bán.

Bộ giống lúa của Việt Nam là niềm mơ ước của các quốc gia trồng lúa trong khu vực. Ở vùng ĐBSCL hiện có xấp xỉ 100 giống lúa khác nhau, với khoảng 10 giống chủ lực, chiếm diện tích lớn. Con số này có ý nghĩa về đa dạng thị trường đối với kinh tế, đa dạng sinh học đối với sản xuất. Nhờ có nhiều giống lúa khác nhau, Việt Nam có ít rủi ro trong sản xuất lúa, thích ứng được nhiều vùng sinh thái”.

Do đó, nghiên cứu giống lúa cải tiến là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhà khoa học Việt Nam. Không chỉ đảm bảo an ninh thực phẩm, dinh dưỡng, các nghiên cứu còn phát triển hệ thống dự đoán rủi ro, từ đó tư vấn chính sách, tạo cơ hội cho ngành lúa thích ứng thiên tai, lũ lụt.

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch trình bày tại hội thảo. Ảnh: Quỳnh Chi.

Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Trần Ngọc Thạch trình bày tại hội thảo. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tiếp cận đồng bộ

Tại IRC 2023, ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL trình bày về dự án tuyển chọn và phổ biến các giống lúa chịu mặn cải tiến.

Sự tham gia của khoa học Việt Nam trong Sáng kiến AMD nối dài thành công bước đầu của nghiên cứu phối hợp với AFACI (Sáng kiến hợp tác Nông nghiệp và Lương thực châu Á). Trên nền tảng dự án AFACI, Viện đã tiếp nhận khoảng 40 dòng lúa chống chịu mặn từ các trung tâm nghiên cứu lúa gạo quốc tế. Qua thử nghiệm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau cho thấy hai giống lúa tốt nhất là IRRI147 và IRR117839-22-15-B-CMU10-1-B, sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên diện rộng trước khi đưa vào sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng - địa phương chịu nhiều ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Trong khuôn khổ Sáng kiến AMD, tháng 10 này, Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế) sẽ triển khai đề tài “Đảm bảo hệ thống thực phẩm của các châu thổ châu Á thông qua xác định các giống lúa chịu mặn ở Việt Nam”.

Theo đó, hai viện sẽ xuống giống tại các “điểm nóng” về độ mặn tại 3 tỉnh vùng ĐBSCL, áp dụng mô hình lúa - tôm ở Sóc Trăng; lúa - cây trồng cạn ở Tiền Giang; lúa - lúa ở Kiên Giang. Đối với các hệ sinh thái trồng lúa riêng biệt trên, các nhà khoa học sẽ tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, tìm giải pháp chống xâm nhập mặn ở giai đoạn trước thu hoạch.

Bên cạnh nghiên cứu giống, nhà khoa học Việt Nam cũng trình bày phương pháp canh tác lúa nhằm tăng khả năng chống chịu mặn cho vựa lúa ĐBSCL. Chuyên gia IRRI Nguyễn Văn Hùng giới thiệu giải pháp CS-MAP dự đoán, cảnh báo độ mặn trong sản xuất cây trồng. Tham khảo CS-MAP, hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương cùng các nhà khoa học sẽ đưa ra chỉ đạo, khuyến nghị hợp lý, giúp người nông dân canh tác chính xác.

Ứng dụng công cụ bản đồ dự báo xâm nhập mặn.

Ứng dụng công cụ bản đồ dự báo xâm nhập mặn.

Thời gian tới, giải pháp CS-MAP sẽ được thí điểm cho tỉnh Tiền Giang, cải thiện các vựa lúa có nguy cơ xâm nhập mặn thông qua tham vấn chính sách, và phát triển khuyến nông điện tử, thông tin trực tiếp tới người nông dân.

Sáng kiến AMD đặt trọng tâm phát triển phương pháp sản xuất, bám sát thực tiễn, khí hậu các vùng châu thổ trong dự án. Trong đó, mở rộng quy mô, hỗ trợ đa dạng hệ thống sản xuất để vùng đồng bằng có khả năng phục hồi, giảm thiểu tác động đến môi trường cũng như rủi ro thiên tai. Thông qua kết nối các bên liên quan, dự án sẽ thúc đẩy trao đổi kỹ thuật về đất đai và khoa học nông nghiệp, đảm bảo phát triển chuỗi giá trị đồng đều.

Bên cạnh đó, thiết kế các biện pháp nhằm tăng cường an ninh dinh dưỡng trong bối cảnh khí hậu, xu hướng thay đổi nhanh chóng. Các biện pháp này cần được dựa trên đặc điểm của từng địa phương, tôn trọng văn hóa, khẩu vị vùng miền.

Phát triển bền vững đồng nghĩa với việc không ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung tăng cường kỹ năng, kiến thức giúp nông hộ nhỏ thích ứng với sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn hán, thiên tai. Đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp đầu tư vào toàn chuỗi giá trị.

Tăng cường năng lực quản lý cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, qua đó hoạch định hệ thống thực phẩm toàn diện, kêu gọi hợp tác, đầu tư từ khối tư nhân, tổ chức quốc tế.

Cuối cùng, phát triển vựa lúa vùng châu thổ dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học, hướng tới hệ thống thực phẩm toàn diện thông qua đối thoại chính sách.

từ Manila, Philippines

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...