| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT ban hành bảng mã số HS mới

Thứ Hai 15/11/2021 , 10:55 (GMT+7)

Thông tư 11 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/11/2021 thay thế Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ NN-PTNT về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Cán bộ kiểm dịch động vật, Cục Thú y - Bộ NN-PTNT kiểm tra tôm hùm Úc nhập khẩu tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Quốc Nhật.

Cán bộ kiểm dịch động vật, Cục Thú y - Bộ NN-PTNT kiểm tra tôm hùm Úc nhập khẩu tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Quốc Nhật.

Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT công bố bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Thông tư 11).

Theo Vụ Pháp chế - Bộ NN-PTNT, việc ban hành Thông tư 11 xuất phát từ 3 lý do chính. Đó là ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong đó, khoản 4 Điều 21 Nghị định quy định: Hàng hóa được đưa vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành và đáp ứng đủ 3 yêu cầu.

Yêu cầu thứ nhất là có tên gọi chi tiết của hàng hóa kèm mã số HS phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Hai là có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra làm cơ sở để kiểm tra hàng hóa.

Ba là có quy định trình tự kiểm tra, thủ tục kiểm tra, thời hạn kiểm tra, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định quy định trách nhiệm của các Bộ: Ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 21 Nghị định này và công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Do đó, Bộ NN-PTNT cần rà soát lại các danh mục hàng hóa tại Thông tư 15 để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 85/2019/NĐ-CP, nhất là tiêu chí liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và ban hành bổ sung danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan.

Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết để yêu cầu các Bộ rà soát, cắt giảm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 07/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Vì vậy, Bộ NN-PTNT cần thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo yêu cầu tại Nghị quyết 99/NQ-CP.

Kiểm dịch động vật là một trong những lĩnh vực thời gian qua được Bộ NN-PTNT rà soát và cắt bỏ nhiều quy định, điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Quốc Nhật.

Kiểm dịch động vật là một trong những lĩnh vực thời gian qua được Bộ NN-PTNT rà soát và cắt bỏ nhiều quy định, điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Quốc Nhật.

Trong đó, loại bỏ một số dòng hàng không thực hiện kiểm tra như: Chất hỗ trợ chế biến Casein; bổ sung việc kiểm tra đối với nhóm hàng bột, tinh bột có nguồn gốc từ thực vật. Rà soát để cắt giảm tối thiểu 20% hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Triển khai các Luật đã được Quốc hội đã thông qua như: Luật Thủy sản và Luật Lâm nghiệp năm 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019), Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực từ 01/01/2020), hệ thống các văn bản hướng dẫn những Luật này cơ bản đã được hoàn thiện.

Từ đó, đòi hỏi các danh mục hàng hóa gắn mã HS ban hành kèm theo Thông tư 15 cần được rà soát lại nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy định mới ban hành trên. Ví dụ như liên quan đến giống thủy sản, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm, vi sinh vật, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản…

Theo Vụ Pháp chế, việc ban hành Thông tư đã đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thành lập tổ soạn thảo; đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ; gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, một số Hội, Hiệp hội, một số đơn vị thuộc Bộ; tổ chức họp Hội đồng tư vấn thẩm định; trình Lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành Thông tư…

Trong quá trình soạn thảo, Bộ đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội, tổ chức, cá nhân. Từ đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ rà soát để cắt giảm những dòng hàng không cần thiết phải kiểm tra chuyên ngành, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.