Ngày 15/10, tại buổi tiếp và làm việc với các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ 2021-2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ‘đặt hàng’ các nhà ngoại giao tăng cường trao đổi thông tin, ý kiến về tình hình nông nghiệp ở các nước để phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi lời chúc mừng các tân đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam được bổ nhiệm chuẩn bị đi nước ngoài. Đại dịch Covid-19 là một minh chứng hiện hữu cho thấy sự thay đổi khó lường của thế giới, đòi hỏi tất cả các ngành nghề phải nhanh chóng nắm bắt thông tin kịp thời, linh hoạt, thích ứng thay vì lập ra những kế hoạch mang tính cố định.
Do đó, trong quý IV, Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn tầm nhìn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược mang tầm nhìn xa sẽ trở thành cơ sở để phát triển nền nông nghiệp, giúp nền nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế và tiến xa hơn. Theo Bộ trưởng, khái niệm "nông nghiệp - nông thôn - nông dân" cần phải được nhìn nhận lại từ lại góc độ khác đa chiều hơn, đó là tiếp cận từ khía cạnh văn hóa, xã hội thay vì hạn chế trong phạm vi kinh tế.
Dẫn ví dụ từ những thành công từ Israel hay Nhật Bản là những quốc gia không có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bị ảnh hưởng của thiên tai như sóng thần, động đất, song với tinh thần hợp tác, sáng tạo và ý chí bền vững, hai đất nước đã có những mô hình nông nghiệp thành công đáng học tập. “Chúng ta cần tích hợp những cái hay cái riêng của những đất nước khác để biến nó trở thành cái của chúng ta dựa trên các yếu tố con người và đặc điểm riêng. Tôi muốn nói điều đó như 1 đơn đặt hàng đầu tiên của Bộ NN-PTNT với các đại sứ, trưởng cơ quan ngoại giao sắp nhận nhiệm vụ ở nước ngoài”.
Bộ trưởng kêu gọi các nhà ngoại giao đóng góp những thông tin và nhận định, đánh giá về tình hình nông nghiệp ở nước ngoài trước nhiệm vụ giúp kết nối giao thương thương mại và đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực nông sản.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, Việt Nam cần có vốn hiểu biết nhất định về bản chất của thị trường nếu muốn xây dựng một chiến lược xâm nhập thị trường bền vững, căn cơ. "Làm sao kết nối để hình ảnh nông sản Việt được kết tinh từ khí chất Việt, tâm hồn Việt. Như vậy, chúng ta không phải bán đi một nông sản nữa mà qua đó chúng ta quảng bá hình ảnh quốc gia, nhân dân ra bạn bè thế giới. Cái đó còn quan trọng hơn và mang chiến lược thương mại một cách bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Về phía Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ sự vinh dự khi nhận nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước. Với nhiệm vụ lớn đặt ra, khi ngành nông nghiệp hiện nay cũng là một ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định sự hợp tác giữa hai bộ là rất cần thiết. Như vậy, các đơn vị cần tiếp tục trao đổi cụ thể để đi đến sự thống nhất về tư duy và cách làm.
Cũng tại buổi gặp mặt, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam chia sẻ về tinh thần nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nắm bắt rõ hơn về tình hình và tiềm năng nông nghiệp Việt Nam. Các đại sứ khẳng định cùng phối hợp với Bộ NN-PTNT hoàn thành các mục tiêu như gỡ bỏ thẻ vàng IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý), tiếp cận nhiều cơ hội xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng và thúc đẩy các dự án hợp tác phát triển nông lâm thủy sản tại các thị trường khác.