| Hotline: 0983.970.780

Bố trí thời vụ hợp lý vụ đông xuân

Thứ Sáu 15/11/2024 , 07:37 (GMT+7)

PHÚ YÊN Ngành nông nghiệp Phú Yên đề nghị các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa. Ảnh: KS.

Được mùa được giá

Chiều 14/11, Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025.

Tỉnh Phú Yên có 3 cây trồng chủ lực gồm lúa, mía và sắn. Năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng hơn 55.000ha lúa; gần 28.000ha mía và gần 24.000ha sắn.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, đây là năm mà năng suất lúa toàn tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, vụ đông xuân đạt hơn 77 tạ/ha, còn hè thu gần 72 tạ/ha. Với giá lúa thu mua cao, dao động từ 9 - 10 ngàn đồng/kg, người dân có lãi khá.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KS.

Đối với các cây mía, sắn cũng được thu mua giá cao hơn năm ngoái. Trong đó, giá sắn từ 2,5 - 3,6 ngàn đồng/kg củ tươi (độ bột 30%), còn giá mía nguyên liệu từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn, bà con sản xuất được mùa, được giá nên rất phấn khởi.

Tuy nhiên để sản xuất tiếp tục giảm giá thành, tăng lợi nhuận, ông Tùng cho rằng, thời gian tới việc giảm chi phí vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất lúa cần được đẩy mạnh. Đối với cây mía, hiện năng suất trung bình toàn tỉnh đạt 66 tấn/ha, còn sắn đạt 20 tấn/ha. Do đó vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục tăng năng suất nếu tiếp tục đầu tư về giống, cơ giới hóa và nước tưới. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các nhà máy đường trên địa bàn để có chính sách đầu tư cho bà con, phấn đấu năng suất cây sắn đạt từ 30 - 40 tấn/ha, còn cây mía 80 tấn/ha.

Xuống giống tập trung, gọn

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, vụ đông xuân 2024 - 2025, toàn tỉnh gieo sạ 26.700ha. Để sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thời tiết, ngành nông nghiệp tỉnh đã có văn bản đề nghị địa phương chủ động cân đối nguồn nước, khoanh vùng sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất theo từng vùng (xứ đồng).

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên tập huấn cho nông dân sản lúa theo chương trình IPHM. Ảnh: KS.

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên tập huấn cho nông dân sản lúa theo chương trình IPHM. Ảnh: KS.

Đồng thời tập trung công tác cày dầm sớm, kết hợp tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng; tổ chức các đợt ra quân đồng loạt diệt chuột, ốc bươu vàng và vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ. Ruộng gieo sạ cần đánh mương rãnh sâu để tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa.

Các địa phương, cơ sở sản xuất cần theo dõi sát tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp, từ đó chỉ đạo xuống giống tập trung, gọn, lưu ý khả năng gặp mưa thời kỳ gieo sạ và mưa trái mùa để chủ động tiêu thoát nước.

Ngành nông nghiệp Phú Yên khuyến cáo khu vực chủ động tưới trong hệ thống thủy nông các hồ đập, tập trung gieo sạ từ ngày 20/12 đến 10/1. Các khu vực cao, ngoài hệ thống thủy nông các hồ đập thuộc các huyện Tuy An, Sơn Hoà, Sông Hinh, Đồng Xuân, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu có thể tiến hành gieo sạ từ đầu tháng 12.

Các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, TP Tuy Hòa khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1 - 10/1/2025 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống. Vùng nước rút quá chậm sau ngày 10/1 có thể gieo mạ để cấy nhằm tranh thủ rút ngắn thời gian sinh trưởng, lúa trỗ bông sớm.

Đẩy mạnh sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn, tối thiểu từ cấp xác nhận hoặc tương đương trở lên. Các giống chủ lực như ĐV108, Đài thơm 8, PY10 và các giống bổ sung, có triển vọng: PY8, OM269-65, CH133, OM18, OM429, BĐR999, BĐR57, BĐR27, TBR97, TBR1… Các địa phương rà soát, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các giống có nguy cơ nhiễm bệnh như MT10, IR17494 hoặc các giống chưa có đầy đủ tính pháp lý.

Ngành nông nghiệp Phú Yên ký kết hợp tác với 2 viện nghiên cứu tại khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: KS.

Ngành nông nghiệp Phú Yên ký kết hợp tác với 2 viện nghiên cứu tại khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: KS.

Áp dụng các phương pháp sạ theo hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ ít hơn 100kg/ha. Riêng vùng chủ động tưới tiêu nước có thể gieo sạ với lượng giống 60 - 80kg/ha và từ 40 - 50kg/ha đối với giống lúa lai.

Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong các khâu sản xuất, đặc biệt sử dụng máy cấy, máy gieo hạt để giảm lượng giống gieo sạ.

Hướng dẫn và vận động nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ, vi sinh tại chỗ để bón ruộng, cải tạo độ phì, lượng bón 5 - 10 tấn/ha đã ủ hoai mục. Bón phân vô cơ theo đúng quy trình kỹ thuật, cân đối hợp lý, đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thực hiện công tác phòng trừ sinh vật gây hại. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái…

Tại hội nghị, Sở NN-PTNT Phú Yên đã ký kết hợp tác phát triển bền vững ngành trồng trọt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030 với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).