Lối sống lành mạnh cho một trái tim khỏe
Nếu so sánh cơ thể với một bộ máy, thì trái tim chính là động cơ của bộ máy đó. Với mỗi nhịp đập, trái tim bơm một lượng máu giàu oxy, nuôi dưỡng mọi tế bào, đồng thời vận chuyển các chất thải ra khỏi cơ thể.
Tuy vậy, hiện nay nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch, và các bệnh lý này trở thành một trong những lý do gây tử vong hàng đầu hiện nay.
Nếu bạn sống đến năm 70 tuổi, tim sẽ đập được hai tỷ rưỡi lần. Tuy hoạt động mạnh mẽ là vậy nhưng trái tim lại rất dễ bị tổn thương, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ một lối sống không lành mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, chiếm khoảng 31% tổng số ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Thiếu vận động thể chất, thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và đặc biệt là chế độ ăn nhiều muối đang ngày càng phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch.
Chia sẻ về tác hại của chế độ ăn thừa muối lên sức khỏe trái tim, bác sĩ Nguyễn Thị Hương Lan, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, muối hay còn gọi với tên khoa học là Natri Clorua (NaCl). Trong đó Natri là khoáng chất dinh dưỡng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sinh lý của cơ thể.
Natri giúp duy trì áp lực thẩm thấu của tế bào, điều chỉnh truyền dẫn thông tin của tế bào thần kinh, hỗ trợ hoạt động cơ bắp, và cân bằng nước trong cơ thể. Khi ăn muối chúng ta sẽ cảm nhận được vị mặn nhờ vào nguyên tố Natri.
Muối có mặt trong nhiều thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, thủy hải sản, rau củ hay từ những thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, thịt hộp hoặc xúc xích, pate, thịt nguội và trong các loại gia vị. Tuy Natri là khoáng chất rất cần thiết, tuy nhiên nếu tiêu thụ Natri quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ, hay các bệnh lý về thận.
Khi nồng độ Natri trong máu tăng, cơ thể cần bổ sung nước, dẫn đến tăng thể tích máu và áp lực lên tim, gây tăng huyết áp. Tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, và suy tim.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành nên tiêu thụ không quá 5g muối mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Người Việt Nam hiện tiêu thụ trung bình khoảng 8,1 g muối/ngày, theo số liệu của Bộ Y tế. Con số này đã giảm dần qua các năm, song vẫn chưa đạt mức tiêu thụ chuẩn mà WHO đưa ra.
Giải pháp giảm muối hiệu quả, bảo vệ sức khỏe
Việc kiểm soát hàm lượng Natri là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp giảm thiểu các tổn thương thận, tim mạch, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, và suy tim do tăng huyết áp.
Theo chia sẻ của TS Bác sĩ Nguyễn Hương Lan, để bảo vệ sức khỏe tim mạch, một trong những cách chúng ta có thể thực hiện đó chính là chế độ ăn giảm muối. Tuy nhiên nếu đột ngột giảm lượng muối sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vị của món ăn, khiến vị ngon của món ăn giảm đi.
Thay vào đó, để người ăn dễ dàng chấp nhận hơn, nhiều nghiên cứu của các tổ chức y tế trên thế giới khuyến nghị có thể sử dụng một loại gia vị để giảm lượng muối tiêu thụ đó chính là bột ngọt (mì chính). Sử dụng bột ngọt giúp món ăn vẫn giữ được hương vị thơm ngon, đậm đà nhưng vẫn giảm được lượng Natri ăn vào, vì lượng Natri trong bột ngọt chỉ bằng một phần ba so với muối.
Khi ăn vào, bột ngọt được chuyển hóa hơn 95% tại ruột non thành năng lượng cho hoạt động của ruột non, dưới 5% còn lại được chuyển hóa tại gan thành các alanin, glutamin. Do vậy, bột ngọt hầu như không đi vào được hệ tuần hoàn, không đi vào huyết tương, không thể đi vào não và không gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của não như nhiều quan niệm sai lầm về bột ngọt.
Các nước Braxin, Phần Lan, Pháp, Singapore, Đan Mạch, Hàn Quốc đều đã nghiên cứu và cho thấy bột ngọt có thể duy trì vị ngon cho thực phẩm giảm muối. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã xác nhận bột ngọt an toàn cho mọi đối tượng.
Ngoài ra, có một số chất như là Kali Clorua, Canxi Clorua, Magie Clorua có thể sử dụng để thay thế muối, nhằm giảm lượng Natri nhưng vẫn tạo ra vị mặn, đậm đà khi chế biến. Hiện nay, trên thị trường đã ra mắt nhiều loại sản phẩm Kali Clorua như Xốt dùng ngay Kho Quẹt của Ajinomoto Việt Nam với công thức sử dụng chất thay thế muối Kali Clorua, góp phần vào chế độ ăn “giảm muối”.
Bên cạnh sử dụng bột ngọt, các sản phẩm giảm muối, để có một trái tim khỏe mạnh, sức khỏe tốt và đặc biệt có thể tránh được ít nhất 80% rủi ro tử vong sớm vì bệnh lý tim mạch chúng ta cần tránh 04 yếu tố nguy cơ: Chế độ ăn uống, lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu bia. Cụ thể, cần:
1) Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy tập trung vào việc ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, và hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và muối.
2) Tăng cường hoạt động thể chất: Thực hiện ít nhất 150 phút tập luyện thể dục mỗi tuần để cải thiện sức khỏe tim mạch và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
3) Ngừng hút thuốc lá và hạn chế rượu bia: Hút thuốc và tiêu thụ quá nhiều rượu bia đều là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
4) Theo dõi sức khỏe định kỳ: Kiểm tra huyết áp, cholesterol và đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch.
Chăm sóc trái tim là một hành trình dài hơi nhưng vô cùng quan trọng. Một trái tim khỏe mạnh là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc, năng động và tràn đầy sức sống. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày để bảo vệ trái tim bạn ngay từ hôm nay.