Thanh tra, công an vào cuộc
Hiện tượng sử dụng chất cấm, nhất là chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn đang có xu hướng diễn biến phức tạp ở Long An. Theo Sở NN-PTNT Long An, chỉ trong vòng 2 tháng, Chi cục Thú y tỉnh đã liên tiếp nhận được các công văn của Chi cục Thú y TP.HCM về việc phối hợp kiểm soát chấm cấm trong chăn nuôi.
Theo đó, cuối tháng 6/2015 Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện một số lô heo (26 con) xuất phát từ xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An nhập về cơ sở giết mổ Phước Kiểng, huyện Nhà Bè theo giấy chứng nhận kiểm dịch số 102629/CN-KDĐVNT ngày 11/6/2015 do Chi cục Thú y Long An cấp, nhiễm Salbutamol hàm lượng vượt ngưỡng cho phép. Chi cục Thú y TP.HCM đã tiến hành lập biên bản xử phạt với số tiền 12.500.000 đồng.
Đến ngày 1/9/2015 Chi cục Thú y TP.HCM lại phát hiện 2 lô heo với số lượng 90 con xuất phát từ xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An đến lò mổ Phước Kiểng đều có giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Thú y Long An cấp bị nhiễm Salbutamol vượt ngưỡng cho phép.
Trước thông tin trên, Sở NN-PTNT Long An đã tiến hành thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi đối với các cơ sở giết mổ, trung chuyển gia súc, gia cầm và kinh doanh các sản phẩm gia súc, gia cầm.
Thu các loại mẫu theo quy định để kiểm tra các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine). Đồng thời thực hiện việc truy xuất nguồn gốc chất cấm đối với các lô heo nhiễm chất cấm trên.
Qua xác minh, truy xuất nguồn gốc heo bẩn, lực lượng thanh tra phát hiện lô heo 26 con bị Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện cuối tháng 6, nhiễm chất cấm có nguồn gốc từ điểm trung chuyển heo Như Hiền, ấp Hòa Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An, do thương lái Võ Thanh Vũ thu mua của hộ nuôi Nguyễn Phúc Lượng ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cung cấp. Tuy nhiên, thương lái Võ Thanh Vũ đã khai báo nguồn gốc heo được nuôi tại xã Hòa Phú, huyện Châu Thành (Long An) để trốn tránh sự kiểm dịch của cơ quan thú y tỉnh Tiền Giang.
Thực hiện xác minh, truy xuất nguồn gốc 2 lô heo với số lượng 90 con bị Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện sử dụng chất cấm Salbutamol ngày 1/9/2015; qua kiểm tra Sổ nhật ký theo dõi xuất – nhập Điểm trung chuyển heo Như Hiền số heo trên được thu mua từ các hộ Nguyễn Văn Tô, Trần Văn Đức, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành với số lượng 45 con.
Số còn lại được thương lái Thúy (quận 7, TP.HCM) thu gom từ hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Thảo, xã Long Trì, Châu Thành số lượng 45 con. Số lượng 2 lô heo trên đều có giấy chứng nhận kiểm dịch của Trạm Thú y TP Tân An.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Long An, Trưởng đoàn Thanh tra cho biết: Cái khó khi tiến hành thực hiện việc xác minh, truy xuất nguồn gốc chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi là việc giữa thương lái, người cung cấp chất cấm và người trực tiếp chăn nuôi dường như có thỏa thuận ngầm với nhau.
Khi được mời làm việc, thương lái thường khai báo vòng vo về nguồn gốc xuất xứ heo thịt, cố tình che giấu người chăn nuôi vi phạm. Còn người chăn nuôi khi bị phát hiện cương quyết không thừa nhận hành vi sử dụng chất cấm mà thường đổ lỗi cho nguồn thức ăn công nghiệp gây ra. Do đó, việc tìm ra đầu mối cung cấp các sản phẩm chất cấm thường lâm vào bế tắc.
Trong một cuộc giao ban mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu các cơ quan chuyên ngành của Bộ tăng cường hơn nữa việc kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Theo Bộ trưởng, cần phải "đánh" chất cấm như "đánh" ma túy mới ngăn chặn triệt để nạn sử dụng chất cấm dùng tạo nạc trong chăn nuôi có xu hướng gia tăng hiện nay. |
Trong tuần qua, Đoàn Thanh tra của Sở tiếp tục phát hiện thêm 2 lô heo, số lượng 28 con bị nhiễm chất cấm. Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Long An đã cung cấp tên, địa chỉ, những người có liên quan và toàn bộ hồ sơ tài liệu, đề nghị Công an tỉnh, PC46, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng.
Siết chặt quản lý
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Long An, việc để xảy ra tình trạng vận chuyển heo từ tỉnh Long An lên đến các điểm giết mổ mới bị các Trạm Thú y TP.HCM phát hiện nhiễm chất cấm có phần lỗi của lực lượng ngành Thú y tỉnh.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, các trạm Thú y địa phương đã thực hiện đúng quy trình kiểm dịch thông thường, không có trường hợp nào lực lượng thú y bỏ sót việc kiểm dịch động vật. Trong các nội dung kiểm dịch không yêu cầu việc thực hiện kiểm dịch các chất cấm, địa phương cũng chưa được trang bị các dụng cụ kiểm tra nhanh nên mới để xảy ra tình trạng trên.
Để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc kiểm dịch động vật, nhất là phát hiện việc sử dụng các chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi heo, Sở NN-PTNT Long An trích ngân sách hơn 200 triệu đồng, đầu tư mua các trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi heo. Trước mắt, Sở đã gấp rút đặt mua 25 hộp test nhanh phát hiện Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine trang bị cho tất cả các trạm thú y và các chốt kiểm dịch động vật trong tỉnh.
Qua thực hiện việc test nhanh phát hiện chất cấm, nếu phát hiện cơ sở chăn nuôi, trạm trung chuyển heo nào cho kết quả dương tính, nghi ngờ sử dụng chất cấm, cơ quan thú y sẽ tiến hành lấy mẫu gửi lên các phòng xét nghiệm.
Trong thời gian chờ kết quả, số heo trên sẽ được các cơ quan chức năng tiến hành giám sát, kiên quyết không cho đơn vị trung chuyển xuất heo đi. Đồng thời, Thanh tra ngành sẽ tiến hành xử phạt thật nặng nếu phát hiện, cơ sở, hộ dân, điểm trung chuyển nào vi phạm.
Cũng trong đợt tiến hành thanh, kiểm tra cao điểm trong tháng 9 này, Đoàn thanh tra ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện các cơ sở kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi. Đoàn thanh tra cũng sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất và thường xuyên tại các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở chăn nuôi heo để tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm.
THANH SA