| Hotline: 0983.970.780

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng, sống làm sao?

Thứ Ba 24/10/2023 , 15:32 (GMT+7)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt vấn đề mỗi năm điều chỉnh lương 7% nhưng 'thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương'.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung, khẳng định thời điểm hiện tại đã chín muồi để tăng lương. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung, khẳng định thời điểm hiện tại đã chín muồi để tăng lương. Ảnh: Quochoi.vn.

Sáng 24/10, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), ông Đào Ngọc Dung, đề cập vấn đề cải cách tiền lương trong thảo luận tổ. Việc cải cách tiền lương dự kiến đi vào thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Bộ trưởng Dung cho biết, từ tháng 5/2018, Trung ương thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đây là một quyết định rất đúng.

“Từ 1/7/2024 bỏ lương cơ sở thì người nghỉ hưu giải quyết thế nào? Có cải cách tiền lương hưu hay không? Nếu có thì mức bao nhiêu? Không nâng thì vô hình trung để họ tụt lại phía sau, càng xa hơn mức sống đời thường”, ông Đào Ngọc Dung băn khoăn.

Một nội dung nữa mà theo ông chưa được đề cập, đó là tiền lương của người nghỉ hưu, bảo trợ thế nào? Nếu không tính đồng bộ sẽ bỏ rơi đối tượng này. “Nếu không nói, Quốc hội không cho ý kiến thì Chính phủ không làm được”, Bộ trưởng Dung cho biết.

Tuy nhiên, 6 năm qua, việc thực hiện nghị quyết chưa được nhiều, mỗi năm điều chỉnh lương 7% nhưng “thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương”.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB và XH cho rằng hiện tại là thời điểm chín muồi, không cải cách không được, bởi đã "3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức". Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đầu tư cho cải cách tiền lương là đầu tư cho phát triển.

Nêu vấn đề lương chưa đảm bảo cuộc sống, ông Dung dẫn mức lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng, thấp hơn mức thấp của tối thiểu vùng (4 triệu đồng), tiếp nhận tài năng với bậc lương 2,67 nhân với 1,8 triệu đồng, ông đặt câu hỏi: "Vậy thì sống làm sao? Chúng ta đặt vấn đề lương như hiện tại đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ, có được không?”.

Ông Dung đề nghị thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và mong Quốc hội ủng hộ. Bộ trưởng cho rằng đi cùng với cải cách tiền lương khu vực công phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác.

Cụ thể, về tiền lương ở khu vực công, ông Đào Ngọc Dung cho rằng quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở, vì đây là cái gốc. Thay vào đó cần trả lương theo vị trí việc làm, ban hành 5 thang, bảng lương.

Với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ông cho biết hiện có tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có thu nhập nhưng người quản lý lương rất cao, vì họ "ăn bảng lương hoàn toàn khác với người lao động". Để cải thiện vấn đề này, ông Dung cho rằng cần thực hiện 3 giải pháp:

Thứ nhất, người quản lý ăn lương cùng lao động, khi lợi nhuận cao, cả hai hưởng cao.

Thứ hai, là tách hoàn toàn người quản lý với người giám sát vì “ở các nước, người quản lý sợ ông giám sát, nhưng ở ta ngược lại, ông giám sát sợ ông chủ vì ông chủ trả lương”.

Thứ ba, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, doanh nghiệp hoàn toàn ban hành, khi đó Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu cho người lao động.

“Hiện thang bảng lương 3 năm một lần tăng, bà tạp vụ có khi lương cao hơn kỹ sư ra trường nên công ty người ta sa thải thôi”, ông dẫn chứng.

Ông đề nghị bên cạnh cải cách tiền lương khu vực nhà nước cần đi đôi với khu vực doanh nghiệp và điều chỉnh phù hợp lương đối tượng về hưu và các đối tượng khác.

3 lưu ý về cải cách tiền lương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, cho biết cần lưu ý đến 3 điều khi cải cách tiền lương. 

Một là kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương, mỗi lần điều chỉnh lương kể cả lương của những người đã nghỉ hưu thì đều có những tác động tiêu cực về mặt lạm phát, giá cả tăng cao.

"Điều chỉnh lương mà không kèm theo những biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng sẽ không được bảo đảm", bà Mai nói.

Thứ hai, bà Mai nêu việc sẽ tăng lương như thế nào? Bà chỉ rõ trong bối cảnh ngân sách còn chừng mực, việc tăng lương là sự cố gắng nhưng tăng phải mang tính thực chất, không cào bằng.

"Theo Nghị quyết 27, khi tăng lương sẽ không còn những khoản phụ cấp khác, Chính phủ phải hết sức lưu ý để khi không còn phụ cấp khác thì thu nhập của những người hiện đang có phụ cấp không bị ảnh hưởng", bà Mai nêu thêm.

Thứ ba, bà Mai chỉ rõ đi cùng với tăng lương cần quyết liệt hơn trong tinh giản biên chế, để bộ máy hiệu quả.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.