GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Bộ NN-PTNT hiện quản lý 11 cơ sở đào tạo tiến sĩ, trong đó có 8 viện nghiên cứu và 3 trường đại học, với 38 chuyên ngành. Với trình độ thạc sĩ, ngành nông nghiệp có 4 cơ sở đào tạo và 39 chuyên ngành.
Trong giai đoạn từ 2016 - 2021, ngành nông nghiệp có thêm khoảng 500 tiến sĩ và hơn 10.000 thạc sĩ. Đồng thời, tuyển sinh đại học có xu hướng tăng dần qua các năm. Nhiều trường như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy lợi đã chủ động mở rộng nhiều ngành đào tạo mới, bổ trợ cho các chuyên ngành nông nghiệp.
Hoạt động phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế cũng được các trường quan tâm. Riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có 46 nhóm nghiên cứu, 1 trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối hơn 200 doanh nghiệp, 200 tổ chức quốc tế, triển khai hơn 1.100 đề tài, dự án.
Tuy nhiên, lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam thừa nhận, nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao tiếp tục thiếu hụt. Số lượng tuyển sinh đại học tăng nhưng các ngành nông nghiệp giảm. Sản phẩm khoa học công nghệ nhiều nhưng tính ứng dụng chưa cao, chưa gắn kết với đào tạo. Cơ sở vật chất, học liệu chưa đáp ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của thực tế sản xuất.
"Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã qua đào tạo có xu hướng giảm. Con số này là 4,62% vào năm 2020, nhưng đến năm 2022 còn 4,08%", ông Cường chia sẻ.
Tại Hội thảo Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Phạm Văn Cường đề xuất 3 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo ngành nông nghiệp.
Thứ nhất, cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường. Trong đó, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo sau đại học theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Nghiên cứu và phân tích nhu cầu thị trường lao động mà họ đào tạo, hiểu rõ những kỹ năng, kiến thức và năng lực mà nhà tuyển dụng cần.
Hợp tác với doanh nghiệp để nhận phản hồi thường xuyên từ thị trường lao động, doanh nghiệp tham gia vào việc phát triển chương trình đào tạo.
Thứ hai, đầu tư vào đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Theo ông Cường, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời tạo ra các nhóm nghiên cứu chất lượng cao trong và giữa các cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, tăng cường công tác thỉnh giảng nhằm mời các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín từ bên ngoài tham gia nghiên cứu khoa học; Tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu tham gia giảng dạy ở các trường đại học. Cùng với đó, huy động nguồn vốn từ nhà nước và xã hội hóa.
Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, việc khuyến khích, kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia đào tạo và sử dụng nhân lực sau đào tạo có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức.
Chẳng hạn, đặt hàng trực tiếp đối với cơ sở đào tạo, chia sẻ kinh phí đào tạo với người học, hỗ trợ thông qua hình thành quỹ học bổng đào tạo kỹ sư tiềm năng, học bổng khuyến khích học tập, các giải thưởng cho sinh viên xuất sắc, đồng hành cùng cơ sở đào tạo trong việc tổ chức thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Từ thực tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhà trường luôn kiên định phương châm “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”. Do đó, GS.TS Phạm Văn Cường cho rằng cần đổi mới phương pháp đào tạo để thu hút học sinh, sinh viên theo học nhiều hơn với ngành nông nghiệp.
Một trong số đó là áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại và linh hoạt. Ông Cường nhận xét, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các cơ sở đào tạo phải chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp, đẩy mạnh sử dụng E-learning.
Song song với đó, do yêu cầu cần nhiều vốn kinh nghiệm từ thực tiễn, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam khuyến cáo tăng cường ứng dụng thực tế ảo nâng cao trải nghiệm học tập cho người học.
Để biết rõ hoạt động đào tạo của mỗi cơ sở đang ở đâu, ông Cường đề nghị các viện, trường tự xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo đa chiều và liên tục, ở đó sử dụng các phương pháp đánh giá đa dạng như kiểm tra kiến thức, bài tập thực hành, dự án, phỏng vấn, đánh giá đồng nghiệp và phản hồi từ người học.