| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Chủ Nhật 04/06/2023 , 08:14 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV. Ảnh: quochoi.vn

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV. Ảnh: quochoi.vn

Tuần tới, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung sẽ đăng đàn trước Quốc hội để trả lời chất vấn. Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng LĐTBXH đã có báo cáo gửi các ĐBQH về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay.

Hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm

Về thực trạng việc làm cho người lao động thời gian qua Bộ trưởng LĐTBXH cho biết, 4 tháng đầu năm, cả nước có 49,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 331,4 nghìn người, đồng thời cũng có 49,9 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I năm 2023 đạt 52,2 triệu người (tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9% (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, khu vực nông thôn là 71,3%.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2023 là 51,1 triệu người (tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tại một số địa phương lao động có việc làm có xu hướng giảm so với quý IV năm 2022 như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh, 4 tháng đầu năm có 49.880 lao động xuất cảnh, tăng 3,44 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập của người lao động được cải thiện, bình quân quý I/ 2023 đạt 7 triệu đồng, tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động có sự phát triển nhẹ trong những tháng đầu năm nhờ sự tăng trưởng ở ngành thương mại - dịch vụ.

Tuy nhiên, cuối tháng 4 và tháng 5 có 8.644 doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử…gặp khó khăn nên phải cắt giảm hơn 500.000 lao động. Cụ thể:

Gần 2800.000 lao động bị thôi việc, mất việc làm (chiếm khoảng 57%) tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội; Gần 200.000 lao động bị giảm giờ làm (chiếm khoảng 38%); Hơn 17.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương (chiếm khoảng 3%) và gần 8.500 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động (chiếm khoảng 2%).

Lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ) thôi việc, mất việc nhiều nhất với tỷ lệ 68%. Lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất (49% số lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất).

Trong 5 tháng đầu năm 2023, 68.782 lao động ngành dệt may bị thôi việc, mất việc làm.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, 68.782 lao động ngành dệt may bị thôi việc, mất việc làm.

Bộ trưởng LĐTBXH nhận định về nguyên nhân của việc việc cắt giảm lao động do kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… 

Mặt khác, hệ lụy tiêu cực của xung đột giữa Nga và Ucraina khiến cho giá năng lượng tăng cao, làm gián đoạn các tuyến thương mại, nguồn cung nguyên liệu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá chung việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ. 

Các chính sách hỗ trợ người dân, lao động, doanh nghiệp

Về các chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng LĐTBXH cho biết, Bộ đã tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành 4 gói chính sách chính (NQ 42/NQ-CP, NQ 68/NQ-CP, NQ 116/NQ-CP và Quyết định 08/2022/QĐ-TTg) trong giai đoạn 2020 - 2022 để hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Theo đó, Trung ương và các địa phương đã hỗ trợ cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân với tổng kinh phí trên 120 nghìn tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác vẫn đang được triển khai như: Chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm; Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Hỗ trợ học nghề; Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; Chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Bộ, ngành và địa phương đang triển khai các hoạt động để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.

Công nhân Công ty PouYuen Việt Nam sau giờ tan tầm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công nhân Công ty PouYuen Việt Nam sau giờ tan tầm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bên cạnh các chính sách chung của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, địa phương còn có các chính sách hỗ trợ riêng, có lợi cho người lao động. Doanh nghiệp thường có thêm chính sách hỗ trợ thôi việc cho người lao động, trả lương ngừng việc cao hơn so với quy định (Công ty TNHH Pouyen Việt Nam hỗ trợ chi trả trợ cấp thôi việc mỗi năm làm việc tại Công ty 0,8 tháng tiền lương, trả lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ trong thời gian báo trước việc chấm dứt HĐLĐ người lao động không đến làm việc); Cơ quan lao động tại địa phương tập trung vào việc nắm bắt tình hình để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm mới, đa dạng các hình thức để tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động hoặc có địa phương căn cứ vào tình hình thực tế có chính sách hỗ trợ người lao động riêng như Đồng Nai (UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 trên địa bàn tỉnh)...

Giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tạo việc làm cho người lao động hiện nay, Bộ LĐTBXH cho rằng cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. 

Đồng thời, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp. 

Mặt khác, thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng,… Thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Cung với đó, cần thực hiện các giải pháp để nắm bắt, kịp thời ngăn chặn việc người lao động bị lôi kéo, kích động từ bên ngoài gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người lao động đang làm việc.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.