Tham gia thảo luận ở hội trường Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt trong việc giải quyết chính sách cho người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, số doanh nghiệp phá sản tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đại biểu cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội.
Do đó, bà Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng, báo cáo đánh giá của Chính phủ cho thấy, hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế-xã hội phát sinh có tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội, khiến cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng...
Về cụ thể, đại biểu cho biết, báo cáo của Chính phủ đánh giá những tháng đầu năm 2023, bình quân 1 tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường; không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà còn cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện với tình trạng hạn chế đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp. Hệ lụy là người lao động giảm, mất việc, thất nghiệp đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp.
Trong số đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng đó cho thấy, giai đoạn này, doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội.
Do đó, đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà roát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí,…
Ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ để nâng cao hiệu quả phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực, để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Đại diện cử tri Cà Mau, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho biết thêm, Theo đại biểu, tình hình kinh doanh ngành thủy sản cũng không khá hơn, nhiều công ty đã kiệt sức phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp các ngành khác cũng trong tình trạng trên do thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, cạnh tranh quốc tế gia tăng nên phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.
Cuối năm 2022 đến nay, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều lượt người về quê do thiếu việc làm. Điều này sẽ làm tiềm ẩn về khó khăn an sinh và trật tự xã hội.
Theo đại biểu, nguyên nhân của thực trạng trên là do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng một phần cũng đến từ vấn đề nội tại như tắc nghẽn dòng vốn, mặt bằng lãi suất tăng nhanh, dòng vốn ưu đãi của chương trình phục hồi kinh tế-xã hội tắc nghẽn,… Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, nhưng khâu thực hiện đang có vấn đề.
Qua đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội hoặc xem xét có chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp. Rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.