Ghi nhận từ “Tuần cao điểm kết nối Cung - Cầu lao động năm 2023”
Tuần cao điểm kết nối Cung - Cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023 vừa diễn ra từ ngày 10/04 – 17/04, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên (thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên) đã thu hút sự tham gia của đông đảo người lao động, sinh viên và sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, UBND tỉnh Thái Nguyên. Cùng sự phối hợp của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tham gia.
Các hoạt động đã được tổ chức tại 23 điểm giao dịch thuộc 9/9 huyện, thành phố của tỉnh và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Ninh Bình, Lạng Sơn; hỗ trợ kết nối học sinh, sinh viên, người lao động với trên 180 lượt cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điều này làm cầu nối kết nối Cung – Cầu lao động, nhu cầu đào tạo việc làm, tuyển sinh giữa Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố được liên thông.
Trong khuôn khổ Tuần cao điểm kết nối Cung - Cầu lao động đã diễn ra 17 hoạt động (như chuỗi các hội thảo, hội nghị, diễn đàn tư vấn, tuyển sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững). Điều này nhằm trang bị những kiến thức giúp người lao động, sinh viên nâng cao nhận thức về năng lực bản thân, hiểu biết nghề nghiệp để có thể định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề nghiệp phù hợp cho tương lai.
Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phỏng vấn trực tiếp, trực tuyến, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức pháp luật lao động, việc làm, kỹ năng làm việc cho người lao động diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, sàn giao dịch trực tuyến được duy trì trong suốt thời gian diễn ra Tuần cao điểm, đã hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên thuận lợi tiếp cận thông tin thị trường lao động, đăng ký nhu cầu và tham gia phỏng vấn tuyển sinh, tuyển dụng.
Điển hình như: Hội thảo kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên; Diễn đàn học sinh, sinh viên với hướng nghiệp, việc làm và khởi nghiệp trong kỷ nguyên số; Hội thảo các mô hình giải pháp giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp của thanh niên; Hội thảo “Tư duy và nhận thức mới cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong việc chọn ngành, chọn nghề”; phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp"…
Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hiệu quả của “Tuần cao điểm kết nối Cung - Cầu lao động năm 2023” được thể hiện rõ qua những con số biết nói, đó là sự tham gia của khoảng 7.000 người lao động, học sinh, sinh viên. Trong đó có 4.500 lượt học sinh, sinh viên, người lao động tham gia tìm hiểu và được cung cấp, tư vấn về thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh; 1.500 lượt người đăng ký tham gia kết nối việc làm, nghề học, được tư vấn, giới thiệu, phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến. Số được giới thiệu và kết nối việc làm và tuyển sinh học nghề khoảng gần 700 người.
Tiếp cận cơ hội việc làm phù hợp
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường năm thứ 2, thứ 3 đã chủ động đến tham quan và tham dự các hoạt động kết nối Cung – Cầu lao động. Như một sinh viên có tên Nhung chia sẻ: “Chúng em đến không phải là để tìm việc làm, càng không phải là để đăng ký vào các lớp tuyển sinh dạy nghề. Mà đến để hiểu được nhu cầu thị trường lao động hiện nay và trong tương lai, để khi ra trường rồi thì em và các bạn sẽ biết về đâu làm việc, cơ hội việc làm của mình như thế nào?”.
Cũng có rất nhiều người cũng đã hơn 50 tuổi, họ cơ bản là những người không có trình độ về chuyên môn cũng đến đây để tìm kiếm cơ hội việc làm. Trong đó có nhiều ngành, nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng như: vệ sinh, đô thị, bảo vệ, bán hàng,… cho các doanh nghiệp trên khắp địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố lân cận.
Chị Ngân hiện đang sinh sống tại thành phố Thái Nguyên chia sẻ: Em là người quê ở Lạng Sơn, đã tốt nghiệp đại học (ở Thái Nguyên) từ năm 2016 những chưa xin được việc làm theo đúng ngành mình đã học. Năm 2022, em tìm đã đến với chương kết nối lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên và sau đó tìm được việc làm ổn định ở một doanh nghiệp đang hoạt động ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (huyện Phú Bình, Thái Nguyên). Tuy nhiên, đợt này em vẫn đến đây để tìm hiểu xem có việc làm nào phù hợp với bằng cấp của em không, và nếu thực sự có công việc tốt hơn thì sẽ xem xét để chuyển đổi môi trường làm việc.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Tuần cao điểm kết nối Cung - Cầu lao động năm 2023” đã gắn kết đào tạo với việc làm, đẩy mạnh các hoạt động kết nối việc làm, Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh và giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh, huyện, xã; các hoạt động ký kết và trao biên bản ghi nhớ về tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng lao động; bàn giao, cung ứng người lao động ứng tuyển các vị trí việc làm và đăng ký học nghề. Các hoạt động kết nối Cung – Cầu việc làm trong những năm qua có hiểu quả rất lớn, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm qua”.
Tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động mỗi năm
Năm 2022, ngành chuyên môn tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành thu thập, tổng hợp, cập nhật dữ liệu cung lao động của 178 xã, phường, thị trấn với 656.139 dữ liệu về người lao động và trên 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với gần 30.000 nhu cầu tuyển dụng, hoàn thành nhập thông tin vào phần mềm quản lý nguồn nhân lực của tỉnh làm cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức 137 hoạt động giao dịch việc làm: gồm Ngày hội việc làm tỉnh Thái Nguyên năm 2022, Ngày hội việc làm, ngày hội tư vấn, tuyển sinh và định hướng GDNN tại 9/9 huyện, thành phố; trên 100 phiên giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm thu hút trên 33.000 lượt người tham gia; Kết nối giới thiệu việc làm thành công, tuyển và cung ứng hàng chục ngàn lao động cho các Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên, đã tạo việc làm tăng thêm cho 25.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện có hiệu quả khá cao, cụ thể là tuyển chọn được 1.982 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 43 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, năm 2022 tuyển sinh và đào tạo nghề cho 38.937 người, đạt 102,46% so với kế hoạch; Công tác giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm đã thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp sát thực tế, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, tỉnh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI với nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc... Trên địa bàn tỉnh hiện có 178 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,4 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đã và đang được triển khai, phát huy hiệu quả, góp phần vào thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó thì nhu cầu tuyển dụng lao động bổ sung mỗi năm tại Thái Nguyên trung bình là hơn 40.000 người.